Bạn có biết không, văn minh cổ Ấn Độ cũng là một trong những ngọn nguồn văn hóa nổi tiếng của thế giới. Ngay từ 5000 năm trước, trên bán đảo Ấn Độ đã hình thành nền văn hóa và tập tục độc đáo. Cư dân ở đây làm nghề nông và sản xuất thủ công nghiệp, sau này đã xuất hiện nhiều thành thị, đã sáng tạo ra chữ viết của riêng mình. Nhưng vào năm 2000 TCN, có giống người da trắng từ phương Tây Bắc đến chinh phục họ. Những người da trắng này tự xưng là ”Arian” có nghĩa là tộc người ”xuất thân cao quý‘. Chúng gọi những người da đen bản địa là người man rợ, sau này, chúng đưa vào màu da ”xuất thân”, lập ra chế độ chủng tính ở Ấn Độ.
Chế độ ”chủng tính”, cũng gọi là chế độ Varna phân chia nhân dân thành bốn đẳng cấp.
- Đẳng cấp thứ nhất là Brahman tức Bà-la-môn, gồm những người da trắng đều là tăng lữ (quý tộc chủ trì việc tế lễ đạo Bà-la-môn), họ là chúa tể, có địa vị cao nhất.
- Đẳng cấp thứ hai là Kcatrya gồm tầng lớp quý tộc, vương công và vũ sĩ, có thể làm vua và các thứ quan lại.
- Đẳng cấp thứ ba là Vaicya gồm đại đa số là nông dân, thợ thủ công và thương nhân, họ phải nộp thuế cho nhà nước, cung phụng cho đẳng cấp Brahman và Kcatrya.
- Đẳng cấp thứ tư là Cudra gồm đại bộ phận là cư dân bản địa bị chinh phục, nhiều người là nô lệ, là kẻ tôi tớ đi làm thuê làm mướn.
Việc phân biệt sang hèn giữa các đẳng cấp rất rõ ràng, ranh giới rất khắt khe. Lại còn quy định những người không cùng đẳng cấp không được lấy nhau. Nếu lấy nhau, những đứa trẻ sinh ra và cha mẹ chúng đều bị gọi là “tiện dân”, còn gọi là ”người không thể đến gần”. Nếu một người Brahman do sơ ý chạm phải thân thể kẻ ‘‘tiện dân” thì coi như gặp phải uế khí, khi về nhà phải lập tức tắm rửa. Bình thường, “tiện dân” chỉ có thể trú ngụ ở ngoài làng, đi trên đường phải luôn gõ vào chiếc lọ sành để báo cho người ở đẳng cấp cao không được tiếp xúc với họ.
Dưới đây là một câu chuyện xảy ra trong một thôn làng ở Ấn Độ 3000 năm trước
Khi đó, ở miền Trung Ấn Độ có một thôn làng rất to, trong làng có một gia đình Brahman vô cùng giàu có. Ở làng này có một cậu bé tên là Athira, mi thanh mục tú, rất đáng yêu chỉ có nước da không được trắng như các cậu bé khác. Vì vậy các cậu bé nghi ngờ cậu không phải là Brahman. Một hôm, mấy cậu bé Brahman tan học về nhà muốn bắt Athira phải xách cặp cho mình, cậu không chịu, liền bị chúng đánh đòn, chửi mắng:
– Đồ lạc loài!
Athira khóc trở về nhà, gục đầu vào gối mẹ, hỏi:
– Vì sao mọi người cứ bảo con không phải là Brahman?
Bà mẹ ôm hôn Athira:
– Con ơi, mặc kệ chúng. Mẹ con ta là Brahman từ tỉnh khác chuyển đến đây…
– Nhưng Brahman có thể làm tăng lữ, họ còn luôn luôn được đi dự tiệc của Brahman, vì sao mẹ con ta không được đi? Vì sao còn không cho chúng ta cùng ăn với họ?
Bà mẹ đã tốn sức để an ủi con trai nhưng Athira vẫn buồn bã không vui.
Athira biết rằng trong làng cậu cũng giống như ở trong cả nước Ấn Độ đều chia dân thành bốn đẳng cấp. Brahman là chủ mọi thứ trong làng, Cudra và “tiện dân” bị mọi người khinh thường nhất. Athira suy nghĩ, chẳng may mình bị đuổi ra khỏi Brahman, trở thành Cudra hay “tiện dân” thì đáng sợ biết chừng nào!
Nhưng ngờ vực vẫn là ngờ vực, mọi người không tìm ra chứng cớ. Ít lâu sau, Athira vào học trường của Brahman. Ở trường học này phải học kinh điển tôn giáo Brahman là .”Kinh Vêđa” và ”Luật Manu”.
Các thầy Brahman mang một bộ luật ra giảng cho các học trò về lịch sử vẻ vang của Brahman.
Athira lắng nghe, bất chợt hỏi:
– Thưa thầy vì sao lại phân chia mọi người thành bốn đẳng cấp?
Thầy bực dọc nhìn cậu, rồi lật giở bộ ”Kinh Vêđa”, nói với giọng cứng nhắc:
– Sách kinh đã viết rất rõ ràng rằng: Thần Brahma là đấng tối cao sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài. Người đã dùng miệng lưỡi của mình tạo ra ”Brahman”, dùng tay và vai tạo ra ”Kcatrya” dùng đầu gối tạo ra ”Vaicya”, dùng bàn chân tạo ra ”Cudra”. . . đẳng cấp cao thấp đều do Thần quyết định?
Athira nghe giảng vẫn nghi hoặc không hiểu liền hỏi:
– Thưa thầy, thế thì có một ngày nào đó, Brahman sẽ có thể biến thành Cudra, Cudra biến thành Brahman được không?
Ờ, trừ phi chết rồi đến đầu thai ở kiếp sau – Thầy giáo rành rọt nói từng tiếng – Còn người đang sống, mãi mãi không bao giờ thay đổi địa vị? Giữa các đẳng cấp khác nhau, không được kết hôn với nhau, người không cùng đẳng cấp cũng không được ngồi ăn chung… vì thế, các trò là con em Brahman nhất định phải biết quý trọng thân thế và danh giá của mình! Athira càng sợ hãi, trong lòng lo lắng, chẳng may mình quả không phải là Brahman thì biết làm thế nào?
Việc đáng sợ cuối cùng cũng đã xảy ra.
Trong một ngày ảm đạm, thầy tu Brahman cho họp toàn dân làng trên bãi rộng đầu làng. Đây là cuộc họp trừng phạt những người phạm tội.
Thầy tu đứng trên bục cao ra lệnh:
– Giải phạm nhân vào!
Một người Cudra thân thể cường tráng bị dẫn lên bục.
Thầy tu cầm bộ ”Luật Manu”, dõng dạc nói:
Theo quy định của bộ luật, người thuộc chủng tính thấp hèn mà xâm hại người ở chủng tính cao quý thì phải chặt một phần chân tay của họ, đụng đến tay thì phải chặt tay, đụng đến chân thì phải chặt chân. Hôm trước, tên Cudra này đã dùng hai tay đánh một vị Brahman cao quý của chúng ta, vì vậy cần phải trừng phạt răn đe.
Chỉ nghe thấy tiếng ”phập, phập”, hai tay của người Cudra trong chớp mắt đã bị chặt đứt rời.
Tiếp đó một ‘‘tiện dân” bị dẫn lên bục, mấy người nắm chặt đầu, cắt lưỡi anh ta, lấy chiếc dùi nung đỏ đâm vào mồm, rồi lại rót dầu sôi vào mồm, vào tai anh ta. . . Thầy tu kể tội trạng của người này là đã nói xấu sau lưng đối với một thầy tu Brahman.
Athira đứng im bên cạnh mẹ, lặng lẽ cúi đầu. . . bỗng vị thầy tu cao giọng tuyên bố:
Hôm nay, chúng ta phải đuổi một kẻ mạo nhận là Brahman. Kẻ đó chính là nó…
Vị thầy tu giơ tay chỉ thẳng vào Athira – Cậu bé hồn bay phách lạc sợ hãi vùi đầu vào trong lòng mẹ.
Vị thầy tu chỉ vào mẹ của Athira nói lớn:
– Mụ đàn bà này cũng không phải lấy chồng Brahman. Hôm qua một vị Brahman từ ngoài tỉnh đến phát giác rằng mụ đã lấy một Cudra. Mọi người nhìn xem đứa con của mụ, nước da đen đủi, đâu có giống với người Brahman? Bắt đầu từ hôm nay, ta tuyên bố, cả nhà mụ là tiện dân!
Kể từ hôm đó, Athira và mẹ bị đuổi ra ở ngoài làng, mãi mãi không được tiếp xúc với người Brahman. Mẹ con đi đường, trên người phải mang dấu hiệu của kẻ tiện dân, mồm phải luôn luôn phát ra những âm thanh riêng biệt, hoặc gõ vào chiếc lọ sành để báo cho người Brahman và người Kcatrya tránh khỏi phải gặp họ, vì họ đã trở thành ”người không thể đến gần”.
Mẹ của Athira chịu không nổi nỗi đau đớn này, ít lâu sau thì chết. Athira ôm xác mẹ, phẫn uất gào lên:
– Vì sao con người lại phải phân chia ra đẳng cấp thế này!
Chế độ chủng tính tàn ác này đã kéo dài mấy ngàn năm ở Ấn Độ, thậm chí vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến tận ngày nay.