Chow Tai Fook, thương hiệu trang sức nổi tiếng của người Trung Quốc được thành lập vào năm 1929 tại Quảng Châu, Trung Quốc. Sau hơn 80 năm, qua nhiều biến cố và thăng trầm trên thương trường thì ngày nay, Chow Tai Fook đã trở thành tập đoàn kinh doanh trang sức lớn nhất Trung Quốc nói riêng và Thế giới nói chung với hơn 2000 cửa hàng trải dài khắp Hong Kong, Macau, Đài Loan, Trung Quốc đại lục.
Lĩnh vực kinh doanh của Chow Tai Fook là trang sức và vàng chính là dòng sản phẩm chủ lực của thương hiệu này. Bên cạnh đó, nhẫn, tượng hay vòng cũng được làm từ kim loại quý đã trở thành món quà tinh thần mà nhiều người dân Trung Quốc ưa chuộng. Đối với người Trung Quốc xa xưa, họ đã có thói quen dùng đồ trang sức. Những thứ như vàng, đá quý được tượng trưng cho sự sung túc, giàu sang và vị thế xã hội.
Chính những nhận định này đã góp phần giúp Chow Tai Fook ngày càng lớn mạnh hơn, và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Và đương nhiên, người đứng sau Chow Tai Fook – Cheng Yu-tung (Trịnh Dụ Đồng) cũng không phải là một người tầm thường. Ông chính là người biết nắm bắt thời cơ và đưa Chow Tai Fook từ một cửa hàng nhỏ và trở thành tập đoàn lớn mạnh nhất khu vực.
Cheng Yu-tung (Trịnh Dụ Đồng), sinh năm 1925 ở Quảng Đông, Trung Quốc. Không như những đứa trẻ khác, ông lớn lên trong sự khó khăn vất vả, đến mức gia đình không thể nuôi nấng và phải gửi ông đến nhà bạn của bố, người này là chủ nhân của cửa hàng Chow Tai Fook đầu tiên – Chow Chi-yeun.
Cheng Yu-tung ngày ấy được biết đến là một cậu bé hiền lành, chịu khó, biết nghe lời và vô cùng khiêm tốn. Thời điểm đó, cậu bé Yu-tung được chú Chow giao cho những việc như lau dọn cửa hàng, nhà vệ sinh… Đến một thời gian sau, Yu-tung chính thức trở thành thợ kim hoàn học việc tại cửa hàng.
Vào những năm 1940, Cheng Yu-tung là một thiếu niên ham học hỏi, lại có tố chất về kim hoàn nên học việc một cách dễ dàng. Thời điểm đó, việc kinh doanh ở Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, thế nhưng một thiếu niên như Yu-tung đã biết nhìn xa trông rộng, hay thường xuyên quan sát việc làm của những người thợ giỏi hơn.
Từ đó Yu-tung đã học theo và ngày đêm chăm chỉ, nỗ lực. Nhờ vậy mà sau đó, chú Chow đã giao cho Yu-tung những việc lớn lao hơn, không còn là người thợ bình thường mà bắt đầu đi vào việc kinh doanh và phát triển cửa hàng.
Năm 1943, Cheng Yu-tung kết hôn với Chow Tsui-ying, là con gái của ông Chow và chính thức thừa kế việc kinh doanh cửa hàng kim hoàn. Sau đó, hai vợ chồng chuyển đến Hong Kong và bắt đầu lập nghiệp.
Điều vĩ đại nhất mà Cheng Yu-tung đã làm cho Chow Tai Fook là biến một cửa hàng kinh doanh trang sức với quy mô nhỏ trở thành một tập đoàn hùng mạnh nhất trên thương trường thế giới. Nếu người đó không phải là Cheng Yu-tung, chắc có lẽ điều đó sẽ không xảy ra.
Vào những năm 1980, sức ảnh hưởng của Cheng Yu-tung và Chow Tai Fook đối với giới kinh doanh không phải là nhỏ. Cheng Yu-tung được mọi người ca ngợi là người có tầm nhìn tuyệt vời. Trong kinh doanh, ông không đầu tư một cách mù quáng mà luôn kiên trì từng ngày từng tháng để tìm cơ hội tốt. Tầm nhìn và sự can đảm này của Cheng Yu-tung lần đầu tiên được thể hiện rõ trong việc đưa Chow Tai Fook từ cửa hàng nhỏ trở thành chuỗi cửa hàng trang sức lớn nhất thế giới.
Tháng 2/2012, Cheng Yu-tung tuyên bố nghỉ hưu. Việc kinh doanh được giao lại cho con trai là Henry Cheng cùng cháu trai là Adrian Cheng Chi-kong và cháu gái Sonia Cheng đảm nhận. Đến tháng 9/2012, tin Cheng Yu-tung qua đời do bị đột quỵ ở tuổi 91 đã gây sốc cho giới kinh doanh và những người xung quanh.
Đối với tập đoàn Chow Tai Fook, sự ra đi của ông Cheng là một tổn thất to lớn, nhiều cộng sự làm việc đã không khỏi đau buồn khi thừa nhận rằng: “Không có sự hướng dẫn và hỗ trợ của ông ấy là một điều thiệt thòi với chúng tôi”.
Tại tang lễ của ông Cheng Yu-tung, một cố vấn chính trị hàng đầu của quốc gia đã ca ngợi ông Cheng là nhà từ thiện vĩ đại, người đã đóng góp nhiều cho ngành giáo dục ở đặc khu này và thành lập trường Đại học Kinh doanh. Ngoài ra, ông Cheng còn là người đã đóng góp cho việc hiện đại hóa Trung Quốc và mở ra một thời đại kinh doanh trang sức thịnh vượng trong nhiều thập kỷ.
Bên cạnh danh hiệu “Đế vương Kim Hoàn”, ông Cheng Yu-tung còn có mối thâm tình với tỷ phú Li Ka-shing (Lý Gia Thành). Trong giới thương trường khốc liệt ở Hong Kong, có thể nói tình bạn của hai tỷ phú là điều hiếm có khó tìm, hai người không chỉ hợp tác trong kinh doanh mà còn dành thời gian chơi goft cùng nhau khi rảnh rỗi.
Nhiều người kể rằng, trong khoảng năm 2012, Cheng Yu-tung bệnh nặng và nhiều lần ông phải nhập viện cấp cứu. Li Kai-shing bên ngoài là một tỷ phú quyền lực nhưng bên cạnh Cheng Yu-tung là một người anh em trọng nghĩa tình, ông dành thời gian đích thân đến bệnh viện để thăm bạn của mình. Trong đám tang của Cheng Yu-tung, Li Kai-shing cũng một trong những người khiêng linh cữu cho ông khiến nhiều người cảm động.
(Nguồn: SCMP)