Cách đây không lâu, Bản tin tài chính Kinh doanh đã phát loạt phóng sự cảnh báo về những bất thường của ứng dụng giật đơn hàng Tailoc888. Khi ứng dụng này quảng cáo về việc những người tham gia chỉ cần “mua hàng hộ” để hưởng lãi suất cao lên tới 90%/tháng. Hàng nghìn người đã tham gia ứng dụng này và hiện nay đã mắt trắng số tiền đầu tư do ứng dụng Tailoc888 đã ngừng hoạt động.
Những tưởng sau vụ việc này sẽ là bài học cho không ít người. Tuy nhiên, sự việc trên vẫn tiếp tục lặp lại khi cách đây vài ngày một ứng dụng “giật đơn hàng” khác có tên là Pchome cũng đã dừng hoạt động. Hàng nghìn người bỏ tiền ứng dụng này hiện đứng ngồi không yên vì bị mất tiền. Điều đáng nói là ngay từ ban đầu trước khi tham gia vào ứng dụng, họ đã biết trước được kết cục nhưng vì ham lãi suất cao nên vẫn liều để tham gia.
Được quảng cáo là một ứng dụng đặt đơn hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử của nước ngoài để nhận hoa hồng. Muốn “giật đơn” người tham gia phải bỏ tiền thật để mua các gói có giá trị từ 350.000 đến 200 triệu đồng. Sau khi “giật đơn” thành công tiền hoa hồng sẽ về tài khoản để người tham gia có thể giật các đơn hàng khác. Mỗi ngày được giật tối đa 40 đơn, hưởng hoa hồng 3,5%/ngày. Sau 1 tháng, người tham gia sẽ được nhân đôi tài khoản.
“Trong app, mình nhìn vào số tiền mình quay, mình tự tính toán là sẽ nhân đôi lên số tiền đấy. Vì thế, bất kỳ ai nhìn như thế lòng tham cũng trỗi dậy”, người tham gia ứng dụng Pchome nói.
Lòng tham trỗi dậy khiến cho tất cả những người tham gia đều không nhận ra việc quảng cáo là không đúng sự thật. Khi hầu hết các sàn thương mại điện tử ở trên đều không có việc ký hợp đồng nào với Pchome đồng nghĩa với việc “giật đơn” để có hoa hồng khủng là điều phi thực tế nhưng hàng nghìn người vẫn sập bẫy.
Một người phụ nữ sau khi nạp gần 20 triệu đồng để “giật đơn” nhưng chưa kịp rút về đồng nào ứng dụng đã khóa tài khoản của chị.
Người tham gia ứng dụng Pchome nói: “Trang web đó đã bị gỡ bỏ hoàn toàn và không cho đăng nhập. Những thành phần đầu sỏ đã rút luôn và giải tán luôn hội nhóm hoạt động trên zalo”.
Không cho đăng nhập, những lệnh rút tiền của người tham gia gửi đi trước đó đều bị trả lại. Thậm chí, những người quản lý ứng dụng còn ngang nhiên gửi tin nhắn cho khách thừa nhận mình lừa đảo.
Điều đáng buồn là không ít người trước khi trước khi tham gia vào Pchome đều nhận thức được rủi ro nhưng vẫn cố tình đánh cược với vận may.
“Pchome có lừa đảo hay không? Lừa đảo thì kệ nó. Quan trọng là mình biết thoát ra đúng lúc”, người tham gia ứng dụng Pchome cho hay.
Biết thoát ra đúng lúc nói thì dễ nhưng làm lại khó. Một người đàn ông này bỏ ra 200 triệu đồng vào Pchome và anh đã rút ra được số tiền này. Nhưng vì ham lợi nhuận cao nên vẫn tiếp tục bỏ tiền đầu tư, thậm chí còn mời chào thêm cả người thân, bạn bè tham gia.
Người tham gia ứng dụng Pchome nói: “Kiếm được tiền nên chia sẻ cho mọi người biết, mình có rủ người thân bạn bè mình vào. Mình cũng nói trước xác định là có thể mất, nhưng không nghĩ lại nhanh đến vậy”.
Sau khi ứng dụng Pchome sập, vài chục nhóm ở nhiều tỉnh thành khác nhau đã tập hợp để tìm cách đòi lại tiền. Mỗi nhóm ước khoảng từ vài trăm cho đến hàng nghìn người. Người ít mất vài chục triệu, người nhiều vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.
Mọi người mong muốn đòi lại tiền nhưng không ai biết chủ ứng dụng Pchome là ai và hiện đang ở đâu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!