Thông tư 23/2014/TT – BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học đã tạo điều kiện cho nhiều trường mở hệ chất lượng cao.Vậy, so với chương trình đại trà, học chương trình chất lượng cao có gì khác?
Chương trình đại trà là gì
Chương trình đào tạo đại trà là chương trình đào tạo (viết tắt là CTĐT) trình độ đại học đang được thực hiện hợp pháp tại cơ sở đào tạo, có mức trần học phí theo quy định hiện hành của Chính phủ (đối với cơ sở đào tạo công lập).
Chương trình chất lượng cao/ Hệ CLC là gì
Điểm nổi bật nhất của Chương trình chất lượng cao tiếng Anh là chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, đa số các trường sẽ yêu cầu người học sử dụng tiếng Anh trong suốt quá trình học thông qua giáo trình, giảng dạy, làm bài thi, viết khóa luận. Chương trình đào tạo của chương trình chất lượng cao được bổ sung giáo trình của nước ngoài, nên việc thuần thục tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc cho sinh viên khi tốt nghiệp.
Khác về học phí
Về cơ bản, chương trình học của hệ đại trà và chất lượng cao gần như là giống nhau. Điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa hai chương trình này là học phí, giao động từ 16 đến khoảng 60 triệu đồng/năm.
Các trường đại học có hệ chất lượng cao khác:
- ĐH Ngoại thương
- Trường ĐH Kinh Tế TPHCM (UEH)
- ĐH Công nghệ thông tin (UIT)
- ĐH Công nghiệp (IUH)
- ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
Lợi ích khi học chương trình chất lượng cao
Điều kiện học tập “chất” hơn
Một điểm khác biệt nữa là về điều kiện học tập. Nếu sinh viên hệ đại trà học với sĩ số khá đông, có khi 80-100 em/giảng đường thì chương trình đào tạo chất lượng cao có sĩ số thấp, khoảng 25- 30 sinh viên/lớp, phòng học gắn máy lạnh, điều kiện thực hành, thực tập tốt hơn. Tùy trường, có từ 20% -100% học phần được giảng dạy bằng tiếng Anh, sinh viên được học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ…
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ cao
Vì thế, chuẩn đầu ra của chương trình này cao hơn chương trình đại trà ở phần ngoại ngữ. Cụ thể như ngành báo chí, Trường ĐHKHXH NVTPHCM, chương trình đại trà chuẩn đầu ra IELTS 4.5, còn chương trình chất lượng cao yêu cầu IELTS 5.5 trở lên. Trường ĐH Bách khoa chương trình chất lượng cao yêu cầu sau năm thứ hai phải nộp chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên.
Tương tác giữa sinh viên với giảng viên tốt hơn
Một lợi thế của chương trình chất lượng cao so với đại trà là sự tương tác giữa sinh viên với giảng viên tốt hơn, sinh viên được thực nghiệm nhiều hơn. Đặc biệt, ở một số trường, sinh viên chất lượng cao không phải băn khoăn mình sẽ phân vào ngành nào sau 3 kỳ học, đặc biệt là ở một số trường lấy điểm tuyển chung đầu vào. Thí dụ ở trường ĐH Kinh tế TPHCM vài năm trước học xong phần giáo dục đại cương, sinh viên sẽ được phân bố vào ngành hoặc chuyên ngành theo nguyện vọng, không cần xét tuyển nguyện vọng như sinh viên hệ đại trà.
Những lưu ý khi chọn chất lượng cao
Ở một số trường, cùng ngành nhưng khi tuyển đầu vào, điểm chuẩn của hệ chất lượng cao có thấp hơn hệ đại trà. Chỉ vì đậu cho được, nhiều sinh viên đã bỏ qua hai yếu tố quan trọng, mà vì nó, có nhiều người đã bị “gãy” giữa chừng.
Đó là học phí và trình độ tiếng Anh, nhất là các chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong các mùa tuyển sinh vừa qua, đã xuất hiện nhiều thí sinh phải chia tay vì gia đình không kham nổi học phí, hoặc trầy trật mãi không nộp được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế theo chuẩn quy định.
Thực tế, ở một số trường, trong quá trình học sinh viên chất lượng cao vì lý do nào đó không thể tiếp tục theo học chương trình này có thể xin chuyển qua chương trình đại trà. Ngược lại, trong hai năm đầu, các sinh viên chương trình đại trà cũng có thể chuyển qua học chất lượng cao.
Tuy nhiên, cơ chế này chỉ áp dụng với đầu vào cùng điểm chuẩn cho cả hai hệ đại trà và chất lượng cao, chứ không áp dụng khi có sự chênh lệch điểm chuẩn đầu vào giữa hai hệ. TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM – lưu ý: “Ở một số trường có điểm chuẩn chương trình chất lượng cao thấp hơn chương trình đại trà. Do vậy, trong quá trình học chất lượng cao sinh viên không được chuyển qua chương trình đại trà. Các thí sinh cần cân nhắc thật kỹ, nhất là năng lực tài chính của gia đình mình và cả năng lực học tập khi chọn học chương trình chất lượng cao, tránh “gãy gánh” giữa đường”.
Câu hỏi thường gặp
Nhiều thí sinh khi chọn chương trình chất lượng cao đã bỏ qua hai yếu tố quan trọng, mà vì nó, có nhiều người đã bị “gãy” giữa chừng. Đó là học phí và trình độ tiếng Anh, nhất là các chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.