1. Chính sách là gì? Ví dụ về chính sách
Thuật ngữ chính sách được dùng phổ biến là vậy, tuy nhiên rất nhiều người đã hiểu sai, hiểu chưa đúng về thuật ngữ này.
1.1 Khái niệm chính sách
Trên thực tế, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm chính sách.
Theo James Anderson:
Chính sách là một quá trình hành động có mục đích được theo đuổi bởi một hoặc nhiều chủ thể trong việc giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm
Theo PGS. TS Lê Chi Mai:
Chính sách là chương trình hành động do các nhà lãnh đạo hay các nhà quản lý đề ra để giải quyết một vấn đề nào đó thuộc phạm vi thẩm quyền của mình
Theo Nguyễn Đình Tấn:
Chính sách thường được thể chế hóa trong các quyết định, hệ thống pháp luật, các quy chuẩn hành vi và những quy định khác
Dựa vào các nhận định trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, chính sách là công cụ tác động qua lại giữa các nhóm, tập đoàn xã hội liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức, hoạt động của nhà nước, của các đảng phái, thiết chế khác nhau của hệ thống chính trị.
Mục đích của chính sách là để thực hiện các lợi ích, mục tiêu và nhiệm vụ của các tập đoàn xã hội đó.
1.2 Ví dụ về chính sách
Có thể kể đến một vài chính sách như:
– Chính sách bảo vệ môi trường
– Chính sách miễn giảm thuế
– Chính sách miễn giảm học phí
– Chính sách dân số,….
2. Có các loại chính sách cơ bản nào?
Về cơ bản, có 04 loại chính sách như sau:
2.1 Chính sách xã hội
Một kế hoạch hoặc hành động của chính phủ hoặc các cơ quan thể chế với mục đích cải thiện hoặc cải cách xã hội được gọi chung là chính sách xã hội.
4 đặc điểm cơ bản của chính sách xã hội:
- Lấy con người làm trung tâm, từ đó phát triển một cách toàn diện.
- Chính sách xã hội mang đậm tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Hướng tới mục tiêu cao cả là hình thành các giá trị chuẩn mực, tiến bộ, góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác trong xã hội.
- Tính trách nhiệm xã hội cao biểu hiện qua sự quan tâm đến những số phận bất hạnh, khổ cực phải sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Đồng thời, các cá nhân đó còn được tạo điều kiện phát triển, vươn lên hòa nhập với xã hội.
- Với một chính sách xã hội được xem như là hiệu quả, ngoài xác định đúng mục tiêu, đối tượng phải bao gồm các yếu tố như: Cơ chế hoạt động, bộ máy nhân sự, chương trình dự án và kinh phí riêng để thực hiện.
Một số vai trò của chính sách xã hội:
– Chính sách xã hội tập trung vào con người với mục đích khai thác tiềm năng và nguồn lực để đảm bảo sự ổn định và phát triển của xã hội. Sự ảnh hưởng của chính sách xã hội đến sự phát triển của xã hội là rất lớn.
– Chính sách xã hội đóng vai trò phân tích các nhiệm vụ của chính phủ quốc gia, gia đình, xã hội, thị trường và các tổ chức quốc tế thông qua việc cung cấp các dịch vụ, hỗ trợ trong suốt cuộc đời con người.
Một số các dịch vụ như: Hỗ trợ trẻ em và gia đình, đi học và giáo dục, cải tạo nhà ở và các khu vực lân cận, giảm nghèo, hỗ trợ thất nghiệp, chăm sóc sức khỏe….
Mục đích của chính sách xã hội là để xác định và giảm thiểu bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ và hỗ trợ giữa các nhóm xã hội được xác định theo tình trạng kinh tế – xã hội, chủng tộc, dân tộc,….
– Chính sách xã hội góp phần đẩy lùi những phân hóa, mâu thuẫn, khác biệt xã hội. Đồng thời, phát huy khả năng của toàn xã hội vào những mục tiêu chung thông qua việc điều tiết các mối quan hệ xã hội trên mọi khía cạnh và lĩnh vực khác nhau.
– Thể hiện sự công bằng xã hội, đây là vai trò trọng yếu của chính sách này. Điều đó tạo nên một làn sóng tích cực, đẩy mạnh quá trình phát triển bền vững của xã hội.
2.2 Chính sách pháp luật
Chính sách pháp luật là loại chính sách có vai trò hỗ trợ trong việc triển khai các chính sách khác được đưa vào đời sống thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các phương tiện pháp lý khác. Tuy nhiên, tính độc lập được thể hiện rất rõ trong chính sách pháp luật.
Vai trò của chính sách pháp luật:
Không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết quốc gia trên thế giới, chính sách pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng và được xem là một trong những định hướng nghiên cứu của khoa học pháp lý và khoa học chính sách công của thế kỷ XXI.
Thực tế đã cho thấy, chính sách pháp luật là nền tảng và công cụ quan trọng để giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của đời sống xã hội. Đồng thời, chính sách pháp luật còn xuyên suốt, là nền tảng vững chắc cho các loại chính sách khác.
2.3 Chính sách kinh tế
Chính sách kinh tế là tập hợp các biện pháp và hành động do Chính phủ thực hiện để tác động đến hoạt động kinh tế của quốc gia, theo một kế hoạch và thời gian nhất định được xây dựng cụ thể.
Để đạt được các mục tiêu về kinh tế của quốc gia là mục đích chính mà chính sách kinh tế hướng đến.
Theo khoản 1 Điều 51 Hiến pháp năm 2013 quy định:
Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo
Chính sách kinh tế là một trong những chính sách cốt lõi, nền tảng được Nhà nước ta định hướng và xây dựng cho toàn bộ các chính sách của các lĩnh vực thuộc nền kinh tế khác.
Phân loại chính sách kinh tế:
– Chính sách kinh tế nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
– Chính sách kinh tế thương mại.
– Chính sách kinh tế đẩy mạnh quá trình tăng trưởng của nền kinh tế.
– Chính sách liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế.
– Chính sách pháp lý với mục đích thiết lập hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong hoạt động kinh doanh, sản xuất và các hoạt động khác trong nền kinh tế.
Một số chức năng cơ bản của chính sách kinh tế:
– Chức năng phân bổ: Giải quyết các vấn đề về phân bổ ngân sách.
– Chức năng ổn định: Kiểm soát lãi suất và lạm phát.
– Chức năng phân phối: Xây dựng chính sách thuế đáp ứng các tầng lớp và lĩnh vực khác nhau.
2.4 Chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ là chính sách sử dụng các công cụ tín dụng và hối đoái để điều tiết việc cung ứng tiền cho nền kinh tế, với mục tiêu là ổn định tiền tệ, giảm lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế….
Phân loại chính sách tiền tệ:
– Chính sách tiền tệ mở rộng (tiền tệ nới lỏng): Mức cung tiền tăng nhiều hơn so với bình thường thông qua ngân hàng nhà nước. Trong trường hợp, nền kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao chính sách tiền tệ thường được sử dụng.
– Chính sách tiền tệ thu hẹp (tiền tệ thắt chặt): Là việc giảm mức cung tiền của ngân hàng nhà nước. Trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển quá nhanh, lạm phát tăng cao thường áp dụng chính sách này.
3. Một số khái niệm khác liên quan đến chính sách
Sau khi hiểu rõ chính sách là gì, 03 khái niệm sau liên quan đến chính sách mà chúng ta cần phải chú ý, cụ thể:
3.1 Chính sách Nhà nước là gì?
Nhằm đáp ứng mục tiêu giải quyết các vấn đề thực tiễn, thúc đẩy các giá trị ưu tiên thông qua chuỗi những hành động mang tính quyền lực nhà nước thì được gọi là chính sách Nhà nước.
Chính sách Nhà nước có vai trò gì?
– Thu hẹp sự chênh lệch giữa các ngành kinh tế, tạo môi trường phát triển ổn định, bền vững.
– Giảm khoảng cách giàu nghèo, bảo vệ người dân khỏi sự bất ổn kinh tế.
– Không chỉ vậy, các biện pháp bảo môi trường, tài nguyên thiên nhiên được đưa ra thông qua chính sách Nhà nước.
– Thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động….
3.2 Chính sách công là gì?
Trên thực tế, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào giải thích khái niệm chính sách công là gì. Tuy nhiên, về cơ bản chúng ta có thể hiểu chính sách công là sản phẩm của quyền lực chính trị được Nhà nước ban hành. Chính sách này được tạo thành thông qua các quyết định định hướng sự phát triển của đất nước trong mọi lĩnh vực, bao gồm kinh tế, xã hội, văn hóa, pháp luật….
Để có thể hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước đã đặt ra trước đó, chính sách công còn là giải pháp được Nhà nước xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại trong xã hội.
Chính sách công có vai trò như thế nào đối với pháp luật?
– Chính sách công là công cụ định hướng sự phát triển của hệ thống pháp luật.
So với hệ thống pháp luật, chính sách công luôn được xây dựng trước tiên với mục đích định hướng sự phát triển của hệ thống pháp luật khi ban hành.
Bên cạnh đó, chính sách công thể hiện những vấn đề về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa… một cách cụ thể và khái quát. Vì vậy, chính sách này đóng vai trò dự báo xu thế và khả năng phát triển của xã hội, đồng thời giúp hệ thống pháp luật trở nên cụ thể và thực tiễn hơn, tăng hiệu quả sử dụng của hệ thống pháp luật.
– Chính sách công là nguồn, là nền tảng để xây dựng pháp luật.
Bên cạnh tính xã hội, chính sách công còn mang tính pháp lý, bởi khi điều chỉnh các quan hệ xã hội, chính sách công thể hiện quan điểm chính trị của Đảng, vì vậy pháp luật phải được ban hành để pháp lý hóa những quan điểm đó.
– Tạo điều kiện cho pháp luật được thực thi.
Bên cạnh tính quyền lực nhà nước, chính sách công còn mang tính quyền lực chính trị, vì vậy có tính ổn định tương đối tạo điều kiện cho pháp luật đi vào thực tế cuộc sống.
3.3 Chính sách thông tin là gì?
Chính sách thông tin là tập hợp các quan điểm, tư tưởng, các giải pháp, công cụ mà tổ chức, nhà nước sử dụng để tác động lên chủ thể thông tin khác. Từ đó, giải quyết vấn đề chính sách, đồng thời những mục tiêu nhất định theo định hướng mục tiêu tổng thể của tổ chức, nhà nước được thực hiện.
Phân loại chính sách thông tin:
– Dựa vào lĩnh vực hoạt động: báo chí, bưu chính viễn thông, sở hữu trí tuệ…
– Dựa vào loại hình thông tin: Thông tin bằng chữ viết, hình ảnh, trên mạng Internet…
– Dựa vào cấp độ ban hành chính sách:
Chính sách thông tin quốc gia: Chính sách kinh tế, đối ngoại, quốc phòng…
Chính sách thông tin cơ quan: Chính sách phát triển, nhân lực, kinh doanh….
Một số vai trò của chính sách thông tin:
– Đảo bảo quyền thông tin của người dân
– Đẩy mạnh quá trình sáng tạo, quản lý, phát triển thông tin
– Định hướng, điều tiết, tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội
– Là công cụ quan trọng trong quản lý, điều hành của các cá nhân, tổ chức,….
Tổng kết lại. chính sách là gì, một số khái niệm khác liên quan đến chính sách đã được chúng tôi tổng hợp và trình bày chi tiết. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được giải đáp.