Cờ đỏ
Khái niệm
Cờ đỏ trong tiếng Anh lPeople’s Bank of Chinaà Red Flag.
Cờ đỏ là một cảnh báo hoặc chỉ báo, cho biết đang có một vấn đề tiềm ẩn hoặc mối đe dọa với cổ phiếu, báo cáo tài chính hoặc báo cáo thông tin về công ty.
Cờ đỏ là bất kì đặc điểm không mong muốn nào nổi bật với nhà phân tích hoặc nhà đầu tư.
Có nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng để lựa chọn cổ phiếu và phương thức đầu tư, và do đó, có nhiều loại cờ đỏ khác nhau. Vì vậy, cờ đỏ cho một nhà đầu tư này có thể không phải là cờ đỏ cho một nhà đầu tư khác.
Cờ đỏ hoạt động như thế nào?
Thuật ngữ cờ đỏ là một phép ẩn dụ. Nó thường được sử dụng như một cảnh báo hoặc một vấn đề với tình huống nhất định.
Trong kinh doanh, có thể có những cờ đỏ cảnh báo các nhà đầu tư và nhà phân tích về tình hình tài chính trong tương lai hoặc sức khỏe tài chính của một công ty hoặc cổ phiếu.
Cờ đỏ trong kinh tế thường chỉ ra, báo hiệu các vấn đề có nhưng chưa rõ ràng cho nền kinh tế.
Không có tiêu chuẩn chung nào để xác định cờ đỏ. Phương pháp được sử dụng để phát hiện các vấn đề với cơ hội đầu tư phụ thuộc vào phương pháp nghiên cứu mà nhà đầu tư, nhà phân tích hoặc nhà kinh tế sử dụng. Điều này có thể bao gồm kiểm tra báo cáo tài chính, các chỉ số kinh tế hoặc dữ liệu lịch sử.
Các nhà đầu tư cần nghiên cứu kĩ khi xem xét nên đầu tư vào một công ty hay chứng khoán không. Báo cáo tài chính cung cấp nhiều thông tin về sức khỏe của một tổ chức và có thể được sử dụng để xác định các cờ đỏ tiềm năng.
Tuy nhiên, việc xác định cờ đỏ là gần như không thể nếu nhà đầu tư không thể đọc báo cáo tài chính đúng cách. Hiểu biết chắc và có thể đọc báo cáo tài chính giúp đảm bảo thành công hơn khi đầu tư.
Một số cờ đỏ phổ biến cho thấy những vấn đề của các công ty bao gồm tăng tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, giảm doanh thu liên tục và dòng tiền biến động. Cờ đỏ có thể được tìm thấy trong số liệu và trong các ghi chú của báo cáo tài chính.
Các vấn đề Cờ đỏ
Cờ đỏ trong báo cáo tài chính
Cờ đỏ thường xuất hiện trong báo cáo tài chính hàng quí, được biên soạn bởi giám đốc tài chính (CFO), kiểm toán viên hoặc kế toán viên của một công ty giao dịch công khai. Những lá cờ đỏ này có thể chỉ ra một số khó khăn tài chính hoặc vấn đề tiềm ẩn trong công ty.
Cờ đỏ có thể không xuất hiện rõ trên báo cáo tài chính, vì vậy cần nghiên cứu và phân tích thêm để xác định chúng. Cờ đỏ thường xuất hiện một cách nhất quán trong các báo cáo trong nhiều quí liên tiếp, nhưng một nguyên tắc là nên kiểm tra các báo cáo có giá trị trong vòng ba năm để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt.
Cờ đỏ trong doanh nghiệp
Các nhà đầu tư có thể nhìn vào xu hướng doanh thu để xác định tiềm năng tăng trưởng của một công ty. Một vài quí liên tiếp doanh thu theo xu hướng giảm có thể gây ra sự sụp đổ cho công ty.
Khi một công ty nhận thêm nợ mà không tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu có thể tăng lên trên 100%. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao sẽ là cờ đỏ cho các nhà đầu tư. Khi đó, nhà đầu tư sẽ nhận thức có thể đó là công ty hoạt động không tốt và là một khoản đầu tư quá rủi ro.
Dòng tiền ổn định là dấu hiệu của một công ty khỏe mạnh và phát triển mạnh, trong khi sự biến động lớn của dòng tiền có thể báo hiệu một công ty đang gặp khó khăn.
Các khoản phải thu tăng và hàng tồn kho cao có thể có nghĩa là một công ty đang gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ của mình. Nếu không được khắc phục kịp thời, các nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi tại sao công ty không thể bán hàng tồn kho của mình và điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Cờ đỏ trong kinh tế
Các nhà kinh tế và nhà đầu tư có thể xác định các tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang gặp khó khăn hoặc đang dẫn tới suy thoái. Bong bóng thị trường chứng khoán có thể là một dấu hiệu. Đây là nguyên nhân của cuộc Đại khủng hoảng năm 1929.
Doanh số bán lẻ ít cũng có thể là một cờ đỏ cho một nền kinh tế suy yếu. Chỉ số này chiếm khoảng hai phần ba nền kinh tế Mỹ, khiến chỉ số này trở thành một chỉ số cần cân nhắc. Người tiêu dùng bắt đầu hạn chế chi tiêu, không muốn mua những thứ như đồ nội thất, quần áo, thực phẩm, đồ điện tử và thiết bị. Điều này có thể là do mức nợ cao hơn, không có sự thay đổi trong mức thu nhập. Doanh số bán lẻ càng yếu thì nền kinh tế càng yếu.
(Theo Investopedia)