Đờn ca tài tử là thuật ngữ để chỉ việc sinh hoạt đờn và ca của những người có tài và yêu thích về âm nhạc cổ truyền của dân tộc, lấy sự phối hợp trình diễn đờn và ca theo phong cách hoa mỹ, điêu luyện mà phóng khoáng, chân phương mà hoa lá, tao nhã mà ngẫu hứng với mục đích để thưởng thức, trao truyền, vui chơi, giải trí, di dưỡng tâm hồn sau giờ phút lao động giữa những người tri âm, tri kỷ với nhau. Nguồn gốc của đờn ca tài tử xuất phát và tách ra từ nhạc lễ cổ truyền, do môt số nghệ nhân nhạc lễ có lối đờn theo phong cách tao nhã sáng tạo ra, ban đầu chỉ có đờn mà không có ca, người ta gọi là nhóm đờn cây, còn gọi là đờn tài tử, khi xuất hiện hình thức ca thì gọi là đờn ca tài tử. Thuật ngữ “Đờn ca tài tử” có nhiều tên gọi khác nhau như âm nhạc tài tử, ca nhạc tài tử, nhạc tài tử… Thông qua đờn ca tài tử, các nghệ nhân còn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, sáng tác các bài bản tài tử cũng như giao kết thêm tình bạn bè tri kỷ.
Trang trí đường phố chào mừng Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất
– Bạc Liêu 2014. Ảnh: VPCQ
Đờn ca tài tử Nam bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân Nam bộ, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, được tạo ra từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của các địa phương, vùng, miền khác nhau của Nam bộ. Nền tảng của các bài bản của đờn ca tài tử là 20 bản tổ (6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán, 7 Bài), dân gian thường gọi là 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 bài. Giới đờn ca tài tử còn chia bài bản tài tử ra thành 10 loại, đồng thời lưu truyền câu đối: “ Thức thời tối thiểu làu thông nhị thập huyền tổ bản; Quán thế thậm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công”, nghĩa là người hiểu biết về đờn ca tài tử không chỉ am tường tối thiểu 20 bản tổ mà còn phải biết thông suốt 72 bài bản khác nhau.
Đờn ca tài tử Nam bộ từ khi ra đời đến nay đã được các thế hệ người Việt Nam không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc trong suốt chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước. Bạc Liêu là một trong những cái nôi lớn của đờn ca tài tử Nam bộ. Trước thế kỷ XX, cổ nhạc ở Bạc Liêu đã hình thành và phát triển khá mạnh, nhưng vì còn mang tính gia truyền tự phát nên chưa phát huy được vai trò quan trọng của nó. Đến thập niên cuối thế kỷ XIX, ông Lê Tài Khí thường gọi Nhạc Khị, là người đầu tiên đứng ra thành lập ban cổ nhạc Bạc Liêu. Lúc đầu ban nhạc này chỉ có một bộ phận duy nhất là một tập thể thầy đàn chuyên phục vụ các đám ma chay, tế lễ. Theo Hồi ký 50 năm mê hát của Vương Hồng Sển thì ở Nam kỳ lúc bấy giờ chỉ có nhạc lễ, ông viết: “Nam kỳ không có dàn đờn cổ nhạc Việt, chỉ có dàn nhạc lễ (tỷ dụ như ở Bạc Liêu có Nhạc Khị) thường dùng vào các đám ma, nhà héo…”.
Vài năm sau đó, để đáp ứng yêu cầu của một số người hâm mộ, ban nhạc của Nhạc Khị dần dần được bổ sung những người biết ca để phục vụ sau giờ hành lễ. Từ khi ban nhạc có thêm bộ phận ca thì phạm vi hoạt động cũng được nới rộng sang các đám cưới gả, tiệc tùng, liên hoan, khánh tiết… và cũng từ đó cái tên Đờn ca tài tử Bạc Liêu mới được dùng để gọi loại hình hòa tấu cổ nhạc “có đờn lẫn ca” để phân biệt với nhạc lễ là loại “có đờn không ca”.
Theo thói quen của người Bạc Liêu thì không chỉ các tiệc vui như liên hoan, cưới hỏi mà cả các lễ giỗ, lễ tang đều có nhu cầu đàn ca thâu đêm suốt sáng, do vậy lực lượng ca nhạc tài tử này càng được củng cố thêm lực lượng để đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu của xã hội.
Có điều không ai ngờ là người sáng lập ra ban nhạc Bạc Liêu lại là một người tàn tật nặng, gần như một phế nhân – Nhạc Khị là một nhạc sư mù cả hai mắt lại bị liệt một bên chân. Ông đã ra công hiệu đính, hệ thống hai mươi bản tổ, phân chia làm bốn loại: Sáu Bắc, Ba Nam, Bốn Oán, Bảy Bài. Ông còn sáng tác những bản mới, bốn bản: Ngự giá đăng lâu, Minh hoàng thưởng nguyệt, Phò mã giao duyên, Ái tử kê của ông đã được giới cổ nhạc tôn xưng là Tứ Bửu (bốn món báu vật) của đờn ca tài tử.
Từ đó, sáng tác đã trở thành một phong trào, các học trò theo sự hướng dẫn của ông đã đua nhau sáng tác, nên chẳng bao lâu ở Bạc Liêu đã có một loạt bản mới, như: Thu Phong, Dạ cổ hoài lang, Giọt mưa đêm… của Cao Văn Lầu; Liêu giang, Ngũ quan, Lý con sáo, Mẫu đơn, Thuấn hoa, Huỳnh ba, Cảnh xuân, Hòa duyên, Vạn thọ, Tam quan nguyệt, Lưỡng long, Nhật nguyệt, Xuân nữ, Tứ bửu Liêu thành… của Ba Chột; Bát man tấn cống, Cổ thi… của Bảy Kiên; Khúc ca hoa chúc, Hoài tình, Lạc xuân hoa… của Bảy Nhiêu; Hứng trung thinh, Nặng tình xưa… của Nguyễn Văn Bình; Hận tình, Đông mai, Thu cúc, Xuân lan, Hạ liên… của Trịnh Thiên Tư; Quý phi túy tửu, Sơn Đông hướng mã, Kiều nương, Giang Tô điểu ngữ, Bá hoa, Phong nguyệt, Tấn phong, Tân xái phỉ, Sương chiều, Tú Anh… của Mộng Vân; Đăng sơn lãm thủy, Uyên ương hội vũ, Phục dược hồ… của Hai Thơm; Vọng cổ nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa; Phước châu, Tùng lâm dạ lãm, Sáu câu Vọng cổ nhịp 32 của Trần Tấn Hưng… Tổng cộng khoảng hơn 50 bản. Đặc biệt, bản Vọng cổ sau khi ra đời đã phát triển rất mạnh, chẳng bao lâu đã chiếm một vị thế quan trọng trong đờn ca tài tử từ trong và ngoài nước, người ta còn gọi Vọng cổ là bài ca “vua” trên sân khấu cải lương.
Về phần bài ca (lời ca), có nhiều bài mới nói về lịch sử, gồm những nhân vật lịch sử, những tấm gương yêu nước, như: Thỉ Tổ Hồng Bàng (Lưu thủy trường), An Dương Vương (Phú lục), Nhà Triệu nước Nam (Bình bán chấn), Hai Bà Trưng (Xuân tình), Tiền Lý Nam Đế (Tây thi), Hậu Lý Nam Đế (Cổ bản), Đinh Tiên Hoàng (Xàng xê)… Hoặc những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc đã phản ánh trung thực những hình ảnh có thật trong xã hội lúc bấy giờ như: Chinh phụ thán (Liêu giang), Đứa trẻ mồ côi (Liêu giang), Con tế mẹ (Ngũ quan), Gửi cha mẹ cho vợ đặng ra đi (Tam quan nguyệt), Trách con lêu lổng (Tô Vũ mục dương), Dạ cổ hoài lang (Dạ cổ hoài lang), Mừng khi gặp bạn (Thu phong), Tiếng chuông tảo mộ (Hứng trung thinh), Sầu chinh phụ (Hoài tình), Văng vẳng tiếng chuông chùa (Vọng cổ nhịp 8), Khóc mồ bạn (Vọng cổ nhịp 16)… Hầu hết các bài ca cổ trong nửa đầu thế thế kỷ XX đều là tác phẩm của hai soạn giả: Trịnh Thiên Tư và Mộng Vân, một số bài của các cụ: Cao Văn Lầu, Lư Hòa Nghĩa, Lê Kim Hải (Sáu Hải)…
Điểm đặc biệt là trong thời kỳ này ở Bạc Liêu có hàng trăm bản mới ra đời và nhiều bản cũ được cải tiến, nhưng đa số đều đã trở thành những bản nòng cốt của cổ nhạc Nam bộ, nhất là điệu Vọng cổ thì không thể thiếu trên sân khấu cải lương hay bất cứ buổi đờn ca tài tử nào. Những bài ca thuộc loại “tình cảm ướt át” ít thấy xuất hiện, có chăng chỉ có một số bài ca Vọng cổ của Trịnh Thiên Tư như: Tìm bạn lạc loài, Huyền Trân tủi phận, Gióng chuông cảnh tỉnh, Đưa chồng ra mặt trận, Trông chồng nơi biên ải… Các bài ca cổ nhạc ở Bạc Liêu trong những thập niên đầu thế kỷ XX đều tập trung vào việc phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước, truyền thống chống ngoại xâm, truyền thống anh hùng nhưng hòa ái của người dân đất Việt. Bên cạnh đó, có nhiều bài ca mang những hình ảnh đặc trưng của xã hội Nam bộ thời thuộc Pháp. Tất cả bài ca cổ này đã đóng góp tích cực trong việc cổ vũ tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Những người thừa kế của Nhạc Khị ngày càng đông, phong trào đờn ca tài tử ngày càng rộng thì sự cổ vũ ngày càng tích cực và có hiệu quả.
Từ sau khi nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ diễn tấu tại Hội chợ Thế giới Paris (Pháp) năm 1900 và Hội chợ đấu sảo thuộc địa ở Marseille (Pháp) năm 1906, bộ môn nghệ thuật này được nhiều người chú ý, một số người giàu và có địa vị lúc bấy giờ đã tỏ ra quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Các cuộc Hội chợ ở Sài Gòn tiếp theo sau đó đều có sự hiện diện của đờn ca tài tử, nở rộ nhất là thập niên 30 của thế kỷ XX, tổ chức nhiều cuộc giao lưu qua hình thức thi “ca nhạc tài tử” giữa các tỉnh thành với nhau. Lực lượng nghệ thuật gây sự chú ý nhất lúc bấy giờ là Bạc Liêu và Cần Đước, nên mới có câu “Nhất Bạc Liêu, nhì Cần Đước”, câu nói còn lưu truyền tới nay. Nghệ sĩ Bảy Kiên, cô Ba Vàm Lẽo đã nổi tiếng qua những lần hội chợ này (người ta gọi Bảy Kiên là Đệ nhất danh ca và cô Ba Vàm Lẽo là Nữ hoàng Nam Ai).
Một đóng góp rất quan trọng khác, đó là sự ra đời của dây Vọng cổ Bạc Liêu, làm tiền đề cho các dây Rạch Giá, dây Sài Gòn, dây Lai, dây Ngân Giang, dây Tứ Nguyệt… để bản Vọng cổ càng ngày càng phát triển.
Phong trào đờn ca tài tử ở Bạc Liêu ngay từ đầu thế kỷ XX đã chiếm được một vị trí lớn trong nền ca nhạc Nam bộ và cứ phát triển theo thời gian càng lúc càng rộng, nó là công cụ rất tốt để cổ vũ tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân, cũng vừa là cơ sở để hình thành các phong trào ca ra bộ và sân khấu cải lương sau này. Nghệ sĩ nhân dân Lê Long Vân (Ba Vân) đã xác nhận: “Bạc Liêu là cái nôi của phong trào đờn ca tài tử, vùng đất sản sinh rất nhiều tài tử, nhạc sĩ nổi tiếng. Người được xem là thầy của cổ nhạc là ông Hai Khị cũng là người Bạc Liêu, con ông là anh Ba Chột cũng đã trở thành nhạc sĩ tài danh…”.
CQ.