(KTSG Online) – Nợ xấu nội bảng tăng và thu nhập lãi thuần khó cải thiện được dự báo là những nguyên nhân khiến các ngân hàng khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm nay.
- Cổ phiếu ngân hàng: rủi ro tăng cung và nợ xấu!
- Cái lý của ngân hàng khi không chia cổ tức
Báo cáo mới đây của FiinGroup cho biết dự báo mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2022 ở mức 33% của 26/27 ngân hàng niêm yết sẽ khó có thể hoàn thành do phải đối mặt với ba thách thức chính.
Thứ nhất, thu nhập lãi thuần khó tăng mạnh khi yếu tố hỗ trợ tăng trưởng cho tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) như cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, điều chỉnh lãi vay sẽ cân bằng với việc tăng chi phí vốn trung bình (COF) do các yếu tố hỗ trợ giảm COF khác đã không còn nhiều dư địa cải thiện.
Cụ thể, COF trong quý 1-2022 đã giảm xuống mức 3,36% do tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) thuần tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục 101,1%. Còn đà tăng của tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong quý 1 chỉ nhích lên 23,93%.
Với những yếu tố này, FiinGroup dự báo COF không còn dư địa giảm xuống trong những quý tới, mà nhiều khả năng sẽ tăng do mặt bằng lãi suất tiền gửi bình quân được điều chỉnh tăng để đáp ứng nhu cầu tín dụng, cùng xu hướng tăng theo FED và các ngân hàng trung ương.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng các quý còn lại của năm 2022 khó có thể giữ mức cao như quý 1 do khả năng hạn chế hạn mức tín dụng (room tín dụng).
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đã chậm lại trong tháng 4, 5 với tăng trưởng tín dụng của hệ thống tính đến hết tháng 5 đạt 8,04%, tăng 2,07% so với thời điểm cuối quý 1-2022, theo thống kê của NHNN.
Nguyên nhân chủ yếu là nhiều ngân hàng lớn đã gần chạm room tín dụng.
Theo FiinGroup, tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại phụ thuộc vào mức độ nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, cơ quan quản lý này cần cân đối tăng trưởng tín dụng với kiểm soát lạm phát, thế nên tăng trưởng tín dụng trong các quý còn lại khó có thể đạt tốc độ cao như quý 1.
Bên cạnh đó, thu nhập từ các khoản phí khó tăng trưởng đủ cao để bù đắp cho tăng trưởng thu nhập lãi thuần.
Thứ hai, nợ xấu nội bảng sẽ tiếp tục tăng lên do các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, đặc biệt khi thời hạn cơ cấu nợ theo Thông tư 14/2021 của NHNN kết thúc vào 30-6-2022.
Theo NHNN, trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu gộp, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, nợ tái cơ cấu do Covid-19 ở mức 6,31% tính tới 31-12-2021.
Với bối cảnh này, FiinGroup đánh giá áp lực nợ xấu gia tăng không đáng lo ngại với những ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng với chi phí tín dụng và hệ số bao phủ nợ xấu (LLCR) cao. Theo đó, các ngân hàng đã trích lập 100% nợ tái cơ cấu sẽ có cơ hội hoàn nhập dự phòng.
Tuy nhiên, những ngân hàng có LLCR thấp và chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với áp lực nợ xấu gia tăng.
Ngoài ra, những rủi ro tiềm ẩn với nợ xấu khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi do khả năng vỡ nợ chéo, theo FiinGroup.
Thứ ba, một yếu tố khác cần theo dõi là sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản.
Theo FiinGroup, ngành bất động sản đang gặp nhiều trở ngại trong hiện tại và tương lai, điều này sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng.
Về sức khoẻ tài chính của các 27 ngân hàng niêm yết tính tới hết quý 1-2022, FiinGroup cho biết tổng tài sản sinh lãi tăng 4,7% so với thời điểm cuối quý 4-2021, tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) đạt 3,57% – tăng 8 điểm cơ bản.
Tăng trưởng tín dụng của 27 ngân hàng niêm yết tăng 6,6% so với thời điểm đầu năm, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng của cùng giai đoạn năm trước. Trong đó, cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp lần lượt tăng trưởng 6,4% và 13,8%.
Tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng tăng 8,2% so với quý liền trước. Trong đó, 13 ngân hàng ghi nhận suy giảm.
Xét theo cùng kỳ, tổng thu nhập hoạt động của 27 ngân hàng tăng 22,2% và chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận suy giảm là KienglongBank, NCB và OCB Bank.
Thu nhập lãi thuần tăng tăng 8,3% so với quý liền trước và 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ các hoạt động còn lại tăng 29,1% so với quý liền trước và 47,9% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi thuần từ dịch vụ giảm 12,1% quý liền trước sau khi tăng mạnh trong quý 4-2021, nhưng nhiên vẫn tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Theo FiinGroup, mức tăng trưởng cao so với quý trước của các hoạt động còn lại đến từ các hoạt động khác với mức tăng 83,3% và ngoại hối với mức tăng 21,7%, trong khi thu nhập từ chứng khoán giảm 52,7%.
Nhưng nếu loại trừ khoản gia hạn hợp đồng bảo hiểm trị giá 5.558 tỉ đồng của VPBank, các hoạt động khác chỉ tăng trưởng 10,7% so với quý liền trước. Còn tổng thu nhập hoạt động chỉ tăng 3,7%.
Lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng niêm yết tăng 51% so với quý trước và 31% so với cùng kỳ.
Có 5 ngân hàng ghi nhận suy giảm lợi nhuận so với quý liền trước là KienlongBank, OCB Bank, TPBank, VIB, VietBank. 5 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ là KienlongBank, NCB, ABBank, OCB Bank, VietBank.
Đáng lưu ý, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng tăng mạnh so với mức tăng tổng thu nhập hoạt động do chi phí dự phòng rủi ro giảm 26% và chi phí hoạt động giảm 8,1% so với quý 4-2021. Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản 5.558 tỉ đồng của VPBank, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng trưởng 35,7% so với quý trước và 17,7% so với cùng kỳ năm trước.