“Đánh tráo khái niệm”, yêu thuật nguy hiểm – Tạp chí Tuyên giáo

“Đánh tráo khái niệm”, yêu thuật nguy hiểm – Tạp chí Tuyên giáo

đánh tráo khái niệm là gì

Theo Đại từ điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin năm 1999, “đánh tráo là hành động thay thế cái này bằng cái khác một cách khéo léo để giành phần lợi hoặc một mục đích nào đó”, còn “khái niệm là một hình thức tư duy của loài người giúp người ta hiểu biết những đặc trưng chung, chủ yếu của các sự vật và hiện tượng của hiện thực khách quan”. “Đánh tráo khái niệm” có thể hiểu là hành động thay thế khái niệm này bằng khái niệm khác, khiến người ta hiểu sai về sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan nhằm đạt một mục đích nào đó.

“ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM” VÀ NHỮNG MÀN KỊCH VỤNG VỀ

Trong lịch sử nhân loại, “đánh tráo khái niệm” là một thủ đoạn được các thế lực chính trị sử dụng từ rất sớm để thoán đoạt quyền lực. Triệu Cao, thừa tướng và cũng là gian thần trứ danh của nước Tần bị sử sách Trung Quốc “lưu danh thiên cổ” với chiêu trò đánh tráo khái niệm “chỉ hươu thành ngựa”. Chuyện kể rằng, Triệu Cao khi làm thừa tướng nhà Tần có mưu đồ làm loạn, xưng vương nhưng sợ lòng người không phục nên nghĩ cách thử lòng quần thần. Ông tiến dâng Tần Nhị thế một con hươu nhưng lại bảo đó là con ngựa. Nhị thế cho rằng đó là con hươu nhưng đa số quần thần vì sợ Triệu Cao nên hùa theo khẳng định đó là con ngựa. Qua việc này, Triệu Cao kiếm cớ phao tin Nhị thế bị chứng loạn óc, cô lập nhà vua và thanh trừng những quần thần trung kiên, dám nói thật đó là con hươu…

V.I. Lênin từng chiến đấu không biết mệt mỏi để chống lại các thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” của những người cơ hội chính trị V.I. Lênin từng chiến đấu không biết mệt mỏi để chống lại các thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” của những người cơ hội chính trị

V.I. Lênin từng chiến đấu không biết mệt mỏi để chống lại các thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” của những người cơ hội chính trị. Ví dụ, khái niệm “bảo vệ Tổ quốc” một khái niệm tiến bộ trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định đã bị bọn cơ hội chủ nghĩa trong Quốc tế II lợi dụng để mị dân trong cuộc chiến tranh đế quốc 1914 – 1918 khi khẩu hiệu đó không phù hợp với hoàn cảnh nữa. Trong khi tố cáo sự phản bội của bọn xã hội sô-vanh, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng khái niệm bảo vệ Tổ quốc thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử. Khi chiến tranh là một công việc của nhóm đế quốc tham lam theo đuổi lợi ích của chính chúng thì khái niệm đó có nghĩa là bảo vệ lợi ích giai cấp tư sản “nước mình”, là sự phản bội quyền lợi của giai cấp công nhân. Trái lại khi nhân dân tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa chống kẻ thù ngoại xâm khi họ bảo vệ tự do của họ thì khái niệm đó lại biểu lộ lợi ích của những lực lượng tiến bộ.

Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội, “đánh tráo khái niệm” là thủ đoạn “át chủ bài” được họ sử dụng rất nhuần nhuyễn, thuần thục trên mặt trận tư tưởng – văn hóa. Sự “đánh tráo khái niệm” của họ dựa trên nguyên lý “khái niệm xuyên tạc, bịa đặt được tuyên truyền lặp đi, lặp lại hàng nghìn lần thì sẽ trở thành sự thật”. Biến không thành có, biến thiện thành ác, xâu chuỗi những hiện tượng đơn lẻ để vu khống thành bản chất… Nhiều học giả phương Tây đã nghiên cứu và khái quát các thủ đoạn tuyên truyền “đánh tráo khái niệm” thành các cấp độ sau: 1. Làm cho khái niệm không quan trọng trở nên quan trọng. 2. Biến những khái niệm vốn không liên quan gì đến nhau thành một chỉnh thể mà trên thực tế không hề có chỉnh thể này. 3. Dùng những khái niệm ám thị để thể hiện một sự việc chân thực. 4. Đưa ra những khái niệm miêu tả đặc trưng với mức độ đặc biệt nhằm tạo sự sợ hãi và lo lắng mơ hồ, vô căn cứ trong công chúng.

Thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” từng được các thế lực thù địch sử dụng để lật đổ chế độ XHCN ở các nước Đông Âu. Năm 1989, các đài phát thanh phương Tây đã đưa ra khái niệm “bãi thảm sát” ở thành phố Đimixêva thuộc Rumani. Đây là khái niệm bịa đặt trắng trợn nhưng được truyền thông phương Tây phát tán với mật độ dày đặc đã tạo nên sự kiện chính trị chấn động thế giới. Trong các ngày 23 và 24-12-1989, hầu hết các phương tiện truyền thông phương Tây dồn dập đưa tin về sự phát hiện một “bãi thảm sát” ở Rumani với những hình ảnh mà chúng tung hô là “chân thực” như ảnh một bà mẹ bị mổ bụng chết cùng đứa con, ảnh một người đàn ông trần truồng, hai chân bị trói bằng dây thép dường như chết vì bị hành hạ. Với công chúng không hiểu rõ sự thật thì thông tin về “bãi thảm sát” quả đã lừa được họ. Nhiều nơi trên thế giới lên án “Đảng Cộng sản Rumani thực hiện một nền thống trị phát-xít”, “tàn ác vô nhân đạo”. Tâm lý chống đối chế độ trong nước Rumani được dấy lên từ khái niệm “bãi thảm sát” đã góp phần thúc đẩy diễn biến chính trị dẫn đến sự sụp đổ của chế độ XHCN. Sau khi đã đạt được mục đích, cũng chính báo chí phương Tây đã khẳng định không có “bãi thảm sát” nào cả. Những hình ảnh về “bãi thảm sát” đều là những xác chết được đào lên từ một nghĩa địa của một bệnh viện trong thành phố Đimixêvara. Ảnh hai mẹ con bị giết được ghép bởi một bé gái chết vì bệnh với một phụ nữ bị chết bị bệnh xơ gan biến chứng, đã chết trước em bé một tháng và chẳng có liên hệ nào với em bé. Bức ảnh người đàn ông bị hành hạ đến chết cũng là ảnh giả.

“Đánh tráo khái niệm” sau đó còn được áp dụng thành công ở nhiều màn kịch khác. Tháng 2-1994, tại một khu chợ ở Bosnia, các cơ quan truyền thông cũng tạo dựng nên những hố chôn người tập thể giả để tạo cớ cho NATO không kích chống lại người Serbia. Hay câu chuyện về “nạn diệt chủng” và “thảm họa nhân đạo” ở Kosovo thực chất là trò bịp bợm lớn về “đánh tráo khái niệm”, được một số cơ quan truyền thông phương Tây dàn dựng công phu, sau đó được nhiều cơ quan báo chí quốc tế phụ họa, khuếch trương hết cỡ đã gây phẫn nộ, bức xúc trong một bộ phận không nhỏ dư luận quốc tế về cái gọi là “các cuộc thanh lọc sắc tộc” và “các chiến dịch xua đuổi người gốc Anbani ở Kosovo của chế độ S.Milosevich”. Vì lẽ đó mà một bộ phận công chúng các nước phương Tây coi việc trừng phạt bằng vũ lực đối với Nam Tư là “điều cần thiết”. Trong những ngày Nam Tư bị không kích, một máy bay Mỹ ném bom nhầm vào đoàn xe của người tị nạn làm chết 75 người thì lập tức đã có tờ báo vu khống rằng “binh lính Xerbi nã súng vào đoàn người tị nạn rồi đổ vấy cho NATO để kích động lòng căm thù của người dân Nam Tư”. Có thể nói, “đánh tráo khái niệm” trong lần này đã đạt đến trình độ điêu luyện “vừa ăn cướp, vừa la làng”.

KHI “TRÒ CŨ” ĐƯỢC SOẠN LẠI

Đối với Việt Nam, kể từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp Đổi mới, các thế lực thù địch càng ra sức đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”. Trong đó, thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” được họ sử dụng với tần suất dày đặc hơn. Lợi dụng sự phát triển của Internet và mạng xã hội ở Việt Nam, họ coi đây là phương tiện thuận lợi nhất để “đánh tráo khái niệm” với giá thành rẻ nhất mà lại đạt được hiệu quả. Nội dung “đánh tráo khái niệm” của họ vẫn là những luận điệu lâu nay các “nhà tư tưởng” chống cộng đã từng nói và đã từng nhiều lần bị chúng ta vạch trần, phê phán, bác bỏ. Những khái niệm dù được che chắn dưới những vỏ bọc mới nhưng rốt cục vẫn là phủ nhận thành tựu của cách mạng; thổi phồng khuyết điểm, tồn tại của Việt Nam, bôi đen hiện thực, gieo rắc hoài nghi, phá rã niềm tin của nhân dân và cán bộ, quy kết là do đường lối sai, sự lãnh đạo, quản lý yếu kém của Đảng và Nhà nước. Phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ định con đường xã hội chủ nghĩa, định hướng xã hội chủ nghĩa; hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, phê phán, đổ lỗi cho Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng. Kích động chia rẽ nội bộ, tung ra những luận điệu trong Đảng, trong Trung ương, Bộ Chính trị có phe này, phái kia; bịa đặt, xuyên tạc lịch sử; vu cáo, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, kể cả Bác Hồ, tìm mọi cách “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”…

Với thủ đoạn “đánh tráo khái niệm”, các thế lực thù địch đã kích động một số người dân biểu tình, gây rối ở Bình Thuận Với thủ đoạn “đánh tráo khái niệm”, các thế lực thù địch đã kích động một số người dân biểu tình, gây rối ở Bình Thuận

Những luận điệu của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị nói trên tuy không có gì mới, nhưng nó được tung ra, truyền bá vào từng thời điểm cụ thể, đánh trúng tâm lý một bộ phận nhân dân nên hết sức độc hại, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong nội bộ ta, tác động hòng làm đội ngũ ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ví dụ như mỗi khi Đảng ta chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc, họ tung tin trên mạng xã hội với tần suất dày đặc rằng nội bộ Trung ương cũng có phái “bảo thủ” và phái “cấp tiến”, phe “thân Tàu” và phe “thân Mỹ”; thậm chí dựng đứng những chuyện không thể tin nổi như “đồng chí này lên thì toàn dân phải học tiếng Trung, đồng chí kia lên thì Mỹ sẽ bảo vệ Việt Nam”.v.v. Hoặc như thời gian vừa qua, nhân việc Quốc hội khóa XIV đưa ra thảo luận, cho ý kiến dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Đánh vào lòng yêu nước chân chính của mỗi người dân Việt Nam, các thế lực thù địch đã xoáy vào một số nội dung, khái niệm còn tranh cãi được đề cập trong dự án luật để thổi phồng, xuyên tạc. Như việc chúng liên tục tung tin “cộng sản lập đặc khu hay nhượng địa” để “đánh tráo khái niệm” từ chủ trương thành lập “Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt” của Đảng thành chủ trương “bán đất cho Trung Quốc”. Thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” này đã kích động một số người dân biểu tình, gây rối ở Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh và một và địa phương khác.

DÙNG VŨ KHÍ SẮC BÉN ĐỂ CHỐNG LẠI TRÒ YÊU THUẬT

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần lưu ý những người làm công tác tuyên giáo rằng, kẻ thù luôn “kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là bốn đòn đột phá khẩu, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị”. Có thể khẳng định, “bốn đòn đột phá khẩu” này cũng là bốn nội dung mà các thế lực thù địch áp dụng thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” nhiều nhất. Với vấn đề dân chủ, họ không ngừng rêu rao, xuyên tạc về chế độ ta là “độc tài, toàn trị” và cho rằng, còn Đảng Cộng sản thì Việt Nam còn mất dân chủ trầm trọng. Với vấn đề nhân quyền thì họ ra sức tuyên truyền cho luận điệu “nhân quyền cao hơn chủ quyền” để kêu gọi các thế lực bên ngoài can thiệp nội bộ Việt Nam. Với vấn đề dân tộc thì họ ra sức kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động ly khai, xây dựng các “nhà nước độc lập” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với vấn đề tôn giáo thì họ dựng chuyện vu khống Việt Nam “đàn áp tôn giáo”… Một số đối tượng phản động vi phạm pháp luật Việt Nam rất rõ ràng, khi bị cơ quan chức năng khởi tố, điều tra thì lập tức họ lu loa rằng Việt Nam “đàn áp người bất đồng chính kiến” và gọi những kẻ phạm pháp là “tù nhân lương tâm”..v.v. Hàng nghìn khái niệm đã và đang bị họ đánh tráo một cách trơ trẽn nhưng hằng ngày, hằng giờ vẫn xuất hiện trên mạng xã hội, trên những trang web, trang blog giả danh, ngụy tạo có máy chủ đặt ở nước ngoài và tác động vào một bộ phận không nhỏ công chúng, bạn đọc trong nước, thậm chí tác động cả vào một số cán bộ, đảng viên.

Hiểu rõ bản chất, đặc điểm của thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” là yêu cầu cần thiết đối với mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên trong việc phòng ngừa nguy cơ suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Những khái niệm bị kẻ xấu đánh tráo, dù có thiên biến vạn hóa, dù núp trong vỏ bọc mỹ miều của ngôn từ cũng không thể giấu được bản chất của nó là không mang “đặc trưng chung, chủ yếu của các sự vật và hiện tượng của hiện thực khách quan”.

Vì lẽ đó, chỉ cần sử dụng thế giới quan, phương pháp luận biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin; nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng là coi như nắm được “kính chiếu yêu”, luôn cảnh giác, thận trọng và nhận ra chân tướng của những khái niệm bị đánh tráo dù nó “yêu tinh” đến mức nào.

Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của công tác lý luận, qua mỗi kỳ đại hội hay qua các hội nghị Trung ương quan trọng, các cơ quan của Đảng thường xuyên cung cấp sách, tài liệu đến cán bộ, đảng viên để phổ biến, cập nhật những khái niệm, thuật ngữ mới. Đây cũng là cơ sở rất quan trọng mà mỗi cấp ủy, chi bộ cần quan tâm phổ biến, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh, nhận thức để nhận diện, phân biệt và chiến thắng thủ đoạn “đánh tráo khái niệm” của các thế lực thù địch.

Nguyễn Hồng Hải

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 12