Sỏi thận thường gây những cơn đau quặn vùng thắt lưng gần thận, cơn đau ở mỗi người có thể khác nhau nên việc nhận biết cũng như phân biệt gặp nhiều khó khăn. Trong bài viết này, MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu để nhận biết và phân biệt cơn đau do sỏi thận với những nguyên nhân khác.
23/05/2021 | Sỏi thận hình thành như thế nào? Bệnh có nguy hiểm không?18/05/2021 | Tán sỏi thận qua da – phương pháp điều trị sỏi thận hiệu quả và ít gây đau11/04/2021 | Vì sao sỏi thận dễ tái phát – Giải pháp phòng ngừa là gì?
1. Bác sĩ hướng dẫn nhận biết cơn đau do sỏi thận
Sỏi thận hình thành do sự lắng cặn và kết tủa của các chất, tích tụ dần dần hình thành sỏi thận có kích thước lớn. Sỏi thận ban đầu có thể không gây triệu chứng gì, song nếu kích thước lớn hoặc số lượng nhiều, bệnh nhân sẽ xuất hiện cơn đau vùng thận đặc trưng cùng các triệu chứng khác.
Cơn đau do sỏi thận thường dữ dội
1.1. Đặc điểm cơn đau do sỏi thận
Triệu chứng đau do sỏi thận rất đặc trưng:
Đau âm ỉ
Sỏi thận thường gây đau khởi phát từ một bên vùng thắt lưng, có thể là cả hai bên vùng hạ sườn. Đôi khi, cơn đau sẽ lan dần xuống phía dưới hoặc phía trước hố chậu, đùi, thậm chí cả vùng bộ phận sinh dục.
Đau nhẹ hơn nếu sỏi nhỏ
Nếu sỏi thận nhỏ nhưng nằm ở vị trí đặc biệt, bệnh nhân vẫn có thể bị đau nhẹ, đau âm ỉ vùng lưng, hông và thắt lưng. Cẩn thận có cả sỏi ở niệu quản và bể thận.
Đau khởi phát khi ngồi lâu
Khi ngồi lâu hoặc thay đổi tư thế đột ngột, sỏi thận có thể mắc kẹt làm tăng áp lực lên các khu vực khác, khiến đau lan tỏa xung quanh các mô thận.
Ngồi lâu khiến cơn đau sỏi thận nghiêm trọng hơn
1.2. Dấu hiệu khác của sỏi thận
Bên cạnh cơn đau thận đặc trưng, người bệnh còn có những triệu chứng như:
Nôn hoặc buồn nôn
Đây cũng là hai dấu hiệu đặc trưng của tình trạng sỏi thận gây tắc nghẽn thận, khiến nước tiểu di chuyển ít hoặc hoàn toàn không di chuyển đến bàng quang. Dây thần kinh trong ruột và thận lại có mối liên hệ, khi xảy ra sự tắc nghẽn thận, dây thần kinh liên quan cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể, người bệnh sẽ bị co thắt dạ dày, khó chịu, buồn nôn, nôn mửa,…
Sỏi thận có thể khiến bạn đi tiểu ra máu
Đi tiểu ra máu
Khi sỏi thận không chỉ gây tắc nghẽn mà còn làm tổn thương niêm mạc đường tiết niệu, máu chảy ra sẽ lẫn vào nước tiểu. Khi đó khi đi tiểu, bạn sẽ thấy nước tiểu có màu nâu hoặc hồng.
Nước tiểu đục
Nước tiểu đục cũng là dấu hiệu dễ nhận biết của sỏi thận – tiết niệu khi có quá nhiều chất cặn bã lắng đọng trong đường tiểu. Nếu nước tiểu đục kèm mùi hôi, lắng cặn nhất là cuối bãi thì nên đi khám sớm, có thể sỏi đang hình thành và tăng kích thước nhanh chóng.
Sốt, ớn lạnh
Nữ giới bị sỏi thận thường gặp triệu chứng này nhiều hơn, chủ yếu do vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng thận.
Rối loạn tiểu tiện
Bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như:
- Tiểu rắt, tiểu buốt: Thông thường, sỏi thận khi rơi xuống niệu quản hoặc từ bàng quang ra niệu đạo dễ gây tắc đường dẫn tiểu, gây ra tình trạng tiểu buốt, tiểu khó. Ngoài ra, sỏi chà xát vào niêm mạc niệu đạo và niệu quản cũng gây đau rát khi đi tiểu, nếu kéo dài dẫn đến viêm nhiễm, tình trạng khó chịu càng trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đi tiểu nhiều lần: Do bít tắc đường tiểu nên người bệnh có cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên, nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ một lượng nhỏ. Tình trạng này nếu kéo dài, tiểu tiện nhiều lần và nhỏ giọt thì khả năng cao sỏi thận đang đi qua niệu quản.
Sỏi thận to làm tắc nghẽn niệu quản sẽ gây ra tín hiệu buồn tiểu giả, nghĩa là bạn có cảm giác buồn tiểu nhưng lại không đi tiểu được.
Nếu đau sỏi thận đi kèm với vô niệu, cần cấp cứu càng sớm càng tốt
Thực tế, cơn đau do sỏi thận rất dễ nhầm lẫn với những cơn đau bụng khác như: đau quặn gan, đau dạ dày tá tràng, viêm ruột thừa cấp tính,… Cần phân biệt cơn đau do sỏi thận thường gặp ở vùng lưng và gây ra các bất thường đường tiểu khác để xử lý đúng.
2. Phân biệt đau lưng và đau do sỏi thận
Phân biệt đau lưng thông thường với đau do sỏi thận qua các yếu tố sau:
2.1. Vị trí cơn đau
Cơn đau do sỏi thận cũng ở vùng lưng nhưng tập trung chủ yếu ở vùng thắt lưng 2 bên. Tùy vào sỏi thận ảnh hưởng đến bên nào mà bạn sẽ bị đau tương ứng hoặc cả hai bên cơ thể. Cơn đau quặn thận còn lan đến các khu vực khác như: bụng, háng, bộ phận sinh dục,…
Cơn đau lưng có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của lưng dọc theo sống lưng nếu đau từ xương hoặc tập trung ở vùng vai nếu đau cơ. Đau lưng phổ biến nhất là đau thắt lưng.
2.2. Mức độ nghiêm trọng
Mức độ nghiêm trọng của đau do sỏi thận còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước viên sỏi, nếu nhỏ hơn 5mm, viên sỏi có thể tự ra ngoài qua đường tiểu và không đau. Sỏi càng lớn thì di chuyển cọ sát càng nhiều, người bệnh càng bị đau dữ dội, quặn thắt vô cùng khó chịu, nhất là nếu sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản.
Đau lưng thường không dữ dội như đau do sỏi thận
Đau lưng thường ở dạng đau nhức không kéo dài hoặc đau âm ỉ, người bệnh đau nhiều hơn khi di chuyển, tác động đến vùng này. Điểm khác biệt khi đau dây thần kinh lưng là cảm giác nóng rát, kim châm ở cả các khu vực khác của cơ thể. Nếu đau do bất thường ở xương đốt sống, cơn đau thường đến bất ngờ và nghiêm trọng hơn khi vận động.
Điều trị đau lưng chủ yếu sử dụng thuốc giảm đau kết hợp với vật lý trị liệu hỗ trợ. Còn cơn đau do sỏi thận muốn điều trị dứt điểm thì cần loại bỏ sỏi bằng các phương pháp tán sỏi, nội soi, phẫu thuật,…
Hiện nay, MEDLATEC là địa chỉ tin cậy của nhiều bệnh nhân khi gặp các vấn đề về sức khỏe, trong đó có các cơn đau do sỏi thận. Với đội ngũ y bác sĩ nhiều năm trong nghề, chuyên môn cao, tận tình cùng trang thiết bị hiện đại, chắc chắn sẽ chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của bạn.