Ở nơi địa đầu Tổ quốc

địa đầu tổ quốc ở đâu

CNQP&KT – Nhắc đến Hà Giang, chúng ta liên tưởng ngay đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc mang vẻ đẹp hùng vĩ miền sơn cước. Nhưng nếu ai chỉ thoáng qua sẽ không thể hiểu hết truyền thống lịch sử, văn hóa, đời sống cũng như những nỗ lực chuyển mình của mảnh đất này…

Để kết nối những câu chuyện về mảnh đất Hà Giang, chúng tôi tìm gặp nhà thơ Hùng Đình Quý, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang. Không chỉ là “từ điển sống” về văn hóa H’Mông, ông Quý còn là nhân chứng lịch sử chứng kiến con đường Hạnh Phúc hoàn thành (năm 1965); trực tiếp dựng cột cờ Lũng Cú (năm 1978). Theo nhà thơ Hùng Đình Quý, suốt hàng nghìn năm lịch sử, tuy Hà Giang là mảnh đất địa đầu của Tổ quốc nhưng chính quyền Trung ương chưa thực sự quản lý nơi này bởi đường sá xa xôi, cách trở; vùng “rừng đá” tai mèo trùng trùng điệp điệp chỉ có dấu chân ngựa và lữ khách đi qua. Khoảng thế kỷ 17, dưới thời nhà Thanh, đã có nhiều đợt di dân lớn của người H’Mông từ Quý Châu (Trung Quốc) sang Hà Giang. Từ đó, Hà Giang trở thành nơi cư ngụ và quê hương của tộc người này ở nước ta; đồng thời là một lãnh địa gần như cách biệt với bên ngoài. Từ khi có chính quyền cách mạng, với tài thu phục nhân tâm của Bác Hồ, người H’Mông tin Đảng, đi theo cách mạng, xây dựng quê hương Hà Giang ngày một giàu đẹp. Minh chứng cho niềm tin về cuộc sống no đủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 55 năm về trước, quân và dân các dân tộc Hà Giang đã không tiếc công sức để làm nên kỳ tích mở con đường Hạnh Phúc dài gần 200km nối thành phố Hà Giang với huyện Đồng Văn và Mèo Vạc.

Xen lẫn niềm tự hào về câu chuyện lịch sử hào hùng của mảnh đất Hà Giang, nhà thơ Hùng Đình Quý cũng không khỏi trầm ngâm. Đúng là so với hàng chục năm trước, đời sống của người dân Hà Giang đã thay đổi tích cực nhưng hiện tỉnh vẫn còn rất nghèo. Không khó để dẫn ra những con số “đội sổ” về kinh tế, xã hội, đòi hỏi chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang phải nỗ lực rất nhiều mới đạt mục tiêu trở thành tỉnh khá giả. Hà Giang khó khăn hơn nhiều địa phương khác bởi đồi, núi chiếm phần lớn diện tích và chia ra nhiều địa hình phức tạp; chưa kể thời tiết không ủng hộ sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, với niềm tin “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, người Hà Giang cố gắng chắt chiu làm ăn từ trên mảnh đất cằn cỗi. Giờ đây, nhiều hộ gia đình ở Hà Giang đã đổi mới tư duy sản xuất, thay thế diện tích vườn tạp, vườn trồng cây hỗn giao bằng những mô hình sản xuất tiên tiến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Với những mô hình nhỏ và vừa, trước mắt, vào những ngày giáp hạt, thời tiết bất lợi, đường sá ách tắc do sạt lở, người dân hoàn toàn tự cung tự cấp lương thực, thực phẩm. Dần dà, sản phẩm thừa có thể đem bán để tích lũy làm nguồn vốn tái sản xuất. Những hộ sở hữu diện tích đất lớn, mô hình vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là những mô hình lấy ngắn nuôi dài: rau, cây ăn quả, gia cầm, gia súc mang lại nguồn thu trước mắt giúp các hộ gia đình yên tâm chăm sóc cây lấy gỗ, cây dược liệu lâu năm. Nông sản Hà Giang rất được thị trường ưa chuộng, như: cam sành, hồng không hạt, mật ong, chè… Nổi tiếng phải kể đến là chè Shan Tuyết – đặc sản của xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn), được sản xuất thủ công và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khai khoáng cũng là một lợi thế của Hà Giang với gần 30 loại khoáng sản khác nhau nằm rải rác ở hàng trăm điểm mỏ; trong đó quặng sắt, chì, kẽm… là những loại khoáng sản chính, có trữ lượng và hàm lượng tương đối lớn. Tuy nhiên khai thác, chế biến khoáng sản ở Hà Giang mới chỉ đang ở giai đoạn đầu, chưa có nhiều công nghệ khai thác quy mô, tiên tiến và còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Hà Giang phải tập trung đầu tư nhiều để khai thác khoáng sản trở thành lĩnh vực thế mạnh mà vẫn giữ vững môi trường sinh thái.

Hà Giang đã và đang đầu tư mạnh mẽ để du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn với hướng đi bền vững là du lịch văn hóa, lịch sử.

Nhận thức được việc phát triển phải bền vững, Hà Giang đã và đang đầu tư mạnh mẽ để du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Thành quả của sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với lĩnh vực này được thể hiện bằng lượng khách du lịch đến Hà Giang, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đạt trên 1,4 triệu người/năm, mang lại doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng. Ở những huyện trọng điểm của Hà Giang, đâu đâu cũng thấy các làng du lịch cộng đồng. Điểm hấp dẫn của Hà Giang là có nhiều tộc người (H’Mông, Dao, Lô Lô…) với bản sắc văn hóa được giữ gìn nguyên vẹn. Đến đây, du khách sẽ được “ba cùng” với bà con, hòa mình vào thiên nhiên trong lành, sống những giây phút yên bình quên đi lo toan, gấp gáp của cuộc sống. Khí hậu Hà Giang thuộc về miền ôn đới, núi đá trùng điệp được UNESCO công nhận là “Công viên địa chất toàn cầu”. Mỗi mùa, kể cả mùa đông, lên Hà Giang là được trải nghiệm bầu không khí khác lạ. Những rừng hoa mơ, hoa mận trắng xóa, những “thảm hoa” tam giác mạch phơn phớt hồng đủ làm du khách say lòng. Khác với miền ôn đới ở các quốc gia phát triển đông đúc, Hà Giang có những con đường như sợi chỉ vắt qua dãy núi, phía dưới là dòng Nho Quế trong xanh nên thơ đẹp đến nao lòng bởi sự hùng vĩ, hoang sơ hiếm có. Hà Giang còn là mảnh đất có nhiều di tích lịch sử gắn với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979), đã trở thành những điểm đến lịch sử, tâm linh, như: Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, hang Làng Lò, hang Dơi, Đài hương 468, làng Pinh… Mỗi dịp tháng 7 về, du khách đến thăm viếng, thắp những nén hương thơm tỏ lòng thành kính trước những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã tiến hành khảo sát và lập hồ sơ xây dựng tour du lịch tâm linh, lịch sử “Thăm chiến trường xưa” tạo thành một chuỗi điểm đến mang dấu ấn riêng trên bản đồ du lịch Hà Giang. Vậy nên hướng đi bền vững của du lịch Hà Giang vẫn là du lịch văn hóa, lịch sử.

Chiến tranh đã đi qua nhưng hậu quả để lại trên mảnh đất Hà Giang vẫn còn nặng nề, nhất là bom mìn còn sót lại trên diện tích 20.000ha. Với tốc độ mỗi năm xử lý 150ha thì phải mất 133 năm, vùng biên giới Hà Giang mới trở thành vùng đất an toàn. Rà phá bom mìn vốn đã nguy hiểm, lại chồng chất thêm khó khăn bởi núi cao, vực thẳm, song các đơn vị của Quân khu 2 tham gia rà phá bom mìn trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang nỗ lực hết sức để giải phóng những “vùng đất chết”, trả lại đất đai an toàn làm nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang tỉnh Hà Giang không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập khu vực phòng thủ, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vùng đất phên giậu Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng hàng trăm căn nhà cho cựu chiến binh, gia đình chính sách và hộ nghèo khu vực biên giới… góp phần từng bước làm đổi thay một vùng biên cương.

Chặng đường để Hà Giang vươn lên thành một tỉnh giàu mạnh vẫn còn nhiều gian nan và lắm chông gai. Hy vọng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đồng lòng của đồng bào các dân tộc Hà Giang, mảnh đất địa đầu Tổ quốc sẽ từng bước vươn lên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trở thành tỉnh khá giả; tiếp tục củng cố vững chắc thế trận quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

HOÀNG LINH