Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Phú Cường
GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG
I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH
Giáo phận Phú Cường được Toà Thánh tách từ giáo phận Sài Gòn, bởi thế, có nhiều điểm chung về nguồn gốc và sự trưởng thành. Ngoài những điểm chung với Giáo phận Sài Gòn, Phú Cường đã được các thừa sai, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đóng góp mồ hôi và xương máu để làm nên những điểm chính yếu khai sinh ra giáo phận và góp vào trang sử của Giáo Hội Việt Nam.
Vùng đất thuộc Giáo phận Phú Cường trước đây rất hiểm trở nên trong cuộc bách hại dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, vùng Lái Thiêu được chọn làm cơ sở đặt Toà Giám mục. Vì thế các thừa sai, giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân bớt bị bách hại. Mở đầu cho trang sử được ghi bằng máu là linh mục Phêrô Đoàn Công Quí, tử đạo này 31.7.1859, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh ngày 19.6.1988. Tiếp theo là vụ tàn sát 27 vị tại họ đạo Thị Tính vào các ngày 09-10.07.1868.
Do sự phát triển vững mạnh và đông đảo của Giáo phận Sài Gòn, nên Đức Giáo hoàng Phaolô VI ban hành trọng sắc “In Animo Nostro” (Trong Lòng Ta), quyết định thành lập Giáo phận Phú Cường ngày 14.10.1965. Đồng thời, Đức Giáo hoàng bổ nhiệm linh mục Giuse Phạm Văn Thiên (02.5.1906 – 15.02.1997) – Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn làm Giám mục tiên khởi Giáo phận Phú Cường.
Năm 1966, khi mới thành lập Giáo phận Phú Cường, con số chính thức được ghi nhận là 51.488 Kitô hữu trên tổng số 715.000 dân (chiếm 7,2%); 43 linh mục; 6 giáo hạt (Bình Long, Lạc An, Phú Cường, Phước Thành, Tây Ninh và Thala); 39 họ đạo có cha chánh xứ hiện diện và 106 thánh đường lớn nhỏ. Bắt đầu từ năm 1967, Đức cha Giuse đã cho xây dựng nhiều về tinh thần và cơ sở vật chất trong giáo phận như: về tinh thần, Đức cha chú ý tổ chức sinh hoạt giáo phận theo tinh thần và đường hướng Công đồng Vatican II.
Về cơ sở vật chất, Đức cha đã cho xây dựng Tiểu Chủng viện ở Gò Cầy và Trung tâm Bác ái ở Lái Thiêu (1967); trường Thánh Giuse Thủ Dầu Một (1968); tiếp nhận dòng Con Đức Mẹ từ Nam Vang – Campuchia về và thiết lập các cơ sở (1970); thành lập Đệ Tử viện Truyền giáo cho công cuộc truyền giáo (1972), nay là Thừa Sai Đức Tin; và xây dựng Tòa Giám mục (1974).
Năm 1974, giáo phận có 54.494 giáo dân trên tổng số 887.056 người cư trú trong 49 giáo xứ, giáo họ với 58 linh mục triều và dòng, 30 đại chủng sinh, 35 nam tu sĩ, 171 nữ tu, 50 trường trung tiểu học và 13 cơ sở từ thiện bác ái.
Để đáp ứng nhu cầu phục vụ ngày càng cao trong giai đoạn mới của giáo phận sau chiến tranh, năm 1976, Đức cha Giacôbê Huỳnh Văn Của (01.11.1915 – 09.01.1995) được tấn phong làm Giám mục phó giáo phận, nhưng vì bệnh nên đã nghỉ hưu từ 1979.
Và năm 1982, Đức cha Luy Hà Kim Danh (02.6.1913 – 22.02.1995) được Tòa Thánh đặt làm Giám mục phó Giáo phận Phú Cường. Tháng 06.1993, Đức cha Giuse Phạm Văn Thiên nghỉ hưu sau 28 năm cai quản Giáo phận và Đức cha Luy Hà Kim Danh đã lên kế vị làm Giám mục Chánh tòa. Với tuổi cao, sức yếu, ngài đã từ trần và Giáo phận trống tòa gần bốn năm. Trong thời gian này, cha Micae Lê Văn Khâm làm Giám quản Giáo phận.
Ngày 05.11.1998, cha Phêrô Trần Đình Tứ (02.3.1937) được bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận. Ngài được tấn phong Giám mục ngày 06.01.1999 tại Rôma do chính Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II chủ phong và về nhận Giáo phận ngày 26.01.1999. Giáo phận lúc ấy có 94.166 tín hữu trên tổng số 1.948.510 dân (chiếm 4,8%), 63 linh mục, 10 phó tế, 50 đại chủng sinh, 207 tu sĩ nam nữ, 53 giáo xứ trong 7 giáo hạt. Trong thời gian phục vụ giáo phận với vai trò Giám mục Chánh tòa, Đức cha Phêrô đã cho xây sửa Tòa Giám mục, sửa sang Nhà Chung để đưa vào phục vụ các sinh hoạt chung của giáo phận, xây dựng nhà thờ Chánh Tòa (2010-2014), thiết lập nhiều giáo xứ mới. Đức cha Phêrô đã truyền chức cho 1 Giám mục, 75 linh mục, tiếp nhận nhiều hội dòng, đặc biệt là Đan viện Cát Minh Phú Cường (Bến Sắn).
Ngày 14.03.2011, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Tấn Tước (22.9.1958) làm Giám mục phó giáo phận Phú Cường và được Đức cha Phêrô tấn phong Giám mục tại Nhà Chung Giáo phận Phú Cường vào ngày 29.4.2011. Đến ngày 30.06.2012, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI chấp thuận cho Đức cha Phêrô nghỉ hưu theo Giáo luật. Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước kế nhiệm tiếp tục coi sóc giáo phận Phú Cường trong vai trò Giám mục Chánh tòa cho đến ngày nay.
Sau khi chính thức nhận sứ vụ Giám mục Chánh tòa, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước đã tiếp tục đường hướng mục vụ của Đức cha Phêrô, nhưng ngay trong lúc bối cảnh giáo phận Phú Cường sắp tròn 50 tuổi từ ngày thành lập, nên Đức cha Giuse đã nhanh chóng xác định đường hướng mục vụ chuẩn bị từng bước để mừng Kim khánh giáo phận. Quá trình này được thực hiện trong ba năm theo tiến trình suy tư và tìm hiểu về Giáo Hội: “Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ”. Đồng thời, cuối năm 2017, ngài đã cho thống kê kiểm tra dân số Công giáo trong Giáo phận.
Hiện nay, Giáo phận Phú Cường có 157.008 tín hữu trên 3.997.581 dân (chiếm 3,9%); 136 linh mục giáo phận, 27 linh mục dòng (phục vụ tại các giáo xứ trong giáo phận); 67 đại chủng sinh; 26 chủng sinh dự tu; hơn 1.148 tu sĩ (nam: 354, nữ: 794) thuộc hơn 140 cộng đoàn của 60 hội dòng và tu hội khác nhau; và gần 1.074 giáo lý viên đang phục vụ trên cách đồng truyền giáo thuộc 7 giáo hạt (Bến Cát, Bình Long, Củ Chi, Lạc An, Phú Cường, Phước Thành và Tây Ninh), trải đều trong 105 giáo xứ, 07 giáo họ và 13 giáo điểm,
Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu mục vụ ngày càng phát triển trong Giáo phận, ngài đã cho xây mới chủng viện, xúc tiến cho xây sửa cơ sở mục vụ và chuẩn bị xây dựng Toà Giám mục của giáo phận.
II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ
1. Địa lý
Giáo phận Phú Cường thuộc vùng Đông Nam Bộ, gồm các tỉnh thành: Tây Ninh, Bình Dương, với huyện Lộc Ninh, Bình Long, Hớn Quản, Chơn Thành và Bù Đốp của tỉnh Bình Phước và huyện Củ Chi thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng diện tích toàn Giáo phận là 9.543.35 km2. Đây là vùng kinh tế trọng điểm của niềm Nam và cũng là của cả nước. Thời gian gần đây, nhiều vùng đất trong giáo phận Phú Cường phát triển mạnh, nhiều khu công nghiệp, nhiều nhà máy, xí nghiệp được hình thành; và cũng thu hút đông đảo giới Thanh niên từ khắp mọi miền đất nước tuôn về kiếm kế sinh nhai và gầy dựng sự nghiệp mới. Chính điều đó thúc đẩy hình thành nhiều cách thức trong đường hướng mục vụ cho những người di dân. Riêng tại tỉnh Bình Dương, có các nghề truyền thống như: sơn mài, chế biến gỗ, gốm sứ, điêu khắc cũng góp phần không nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu.
2. Dân số
Vì tình trạng di dân mà dân số trong khu vực này ngày càng tăng cao, hiện nay là: 3.997.581 người, với nhiều sắc tộc khác nhau: Hoa, Khmer, Nùng, Tày. (tỉnh Bình Dương); Stiêng, Khmer, Nùng, Tày (tỉnh Bình Phước); dân tộc Chăm, Khmer, Mường, Tày, Nùng, Thái, Xinh Mun, Phù Lá, Ba Na (tỉnh Tây Ninh). Nhưng chủ yếu vẫn là sắc tộc Kinh.
Tôn giáo cũng là đặc điểm đáng chú ý trong địa bàn của Giáo phận Phú Cường. Ngoài Công Giáo còn có nhiều tôn giáo khác, mà tôn giáo chiếm số lượng tín đồ lớn nhất là Phật giáo với nhiều hệ phái. Riêng tỉnh Tây Ninh thì tập trung và phát triển mạnh Cao Đài – Tây Ninh. Về đạo Tin Lành, số giáo hữu không đông, nhưng hoạt động khá mạnh trong cộng đồng dân tộc Stiêng. Hồi giáo chỉ phát triển trong bộ phận người Chăm, số tín hữu không đáng kể. Đặc điểm này cũng tạo nên một nét đặc biệt trong mục vụ đối thoại liên tôn – đại kết, qua đó giúp nhau tìm về Chân – Thiện – Mỹ.
III. TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU HÀNH GIÁO PHẬN
– Giám mục: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước
– Tổng Đại diện: Linh mục Simon Nguyễn Văn Thu
– Các ban: Hội đồng Linh mục, Hội đồng Tư vấn, Hội đồng Mục vụ, Toà án giáo phận, Ban Đặc trách Ơn gọi, Ban đại diện Tu sĩ.
IV. CƠ SỞ GIÁO PHẬN
1. Toà Giám Mục – Nhà Chung
Hình thành năm 1966 – tiền thân của Nhà Chung giáo phận – Tiểu Chủng viện Thánh Giuse được Đức cha Giuse Phạm Văn Thiên xem như là trái tim của Giáo phận. Sau khoảng thời gian được sử dụng trong công tác xã hội, đến năm 1998, Tiểu Chủng viện Phú Cường được UBND tỉnh Bình Dương hoàn trả lại cho Giáo phận. Khi đón nhận lại cơ sở, mọi thành phần dân Chúa đã nỗ lực góp công sức để tu sửa. Cũng kể từ thời gian này, Chủng viện được mang tên Nhà Chung. Chính nơi đây, mọi hoạt động của dân Chúa trong giáo phận ngày càng sinh động hơn. Từ linh mục, tu sĩ, ứng sinh, cho đến thành viên của ban Hội đồng Mục vụ giáo xứ, các ban ngành đoàn thể, các giới, các phong trào, v.v. đã về đây tĩnh tâm, thường huấn, hội họp, sinh hoạt, v.v. Tất cả góp phần tạo nên sức sống mới cho Giáo phận.
Từ năm 2006, Nhà Chung cũng trở thành nơi vun trồng và nuôi dưỡng những mầm non ơn gọi linh mục giáo phận, nơi huấn luyện những dự bị chủng sinh trước khi gửi họ đi học tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
Năm 2015, Toà Giám mục giáo phận được chuyển về Nhà Chung. Từ nay, khi trở về nơi đây, mọi thành phần dân Chúa cùng có thể cảm nhận và sống tâm tình gia đình trong Giáo phận với Đức Giám mục, vị cha chung của Giáo phận.
Để đáp ứng như cầu đào tạo ơn gọi linh mục ngày càng cao, nên năm 2014, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước đã khởi công xây dựng Cơ sở Đào tạo Chủng sinh trên mảnh đất này. Sau ba năm xây dựng, ngày 08.7.2017, cơ sở này được khánh thành và chính thức đi vào sử dụng.
2. Nhà thờ Chánh Toà
Về lịch sử, không ai biết rõ nguồn gốc họ Phú Cường, mà trước kia gọi là họ Thủ Dầu Một, nhưng tính đến ngày nay, họ Phú Cường đã có bốn ngôi nhà thờ: Ngôi thứ nhất (1864); ngôi thứ hai (1897); ngôi thứ ba (1941-2009). Sau gần 70 năm sử dụng, ngôi nhà thờ được xây dựng năm 1941, tức là ngôi nhà thờ thứ ba, đã quá chật hẹp và xuống cấp trầm trọng, nên vào ngày 13.6.2009, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ chính thức cho xây dựng ngôi nhà thờ mới. Sau 5 năm xây dựng, vào ngày 25.4.2014, Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước đã cung hiến nhà thờ mới này.
Nhà thờ Chánh Toà Phú Cường có vị trí giữa trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, nằm trên một gò cao, như muốn gọi mời mọi người vươn lên, vượt ra khỏi những vướng bận của cuộc sống để đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn mạch yêu thương.
V. CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO PHẬN
1. Sinh hoạt mục vụ các giới: Thiếu nhi, Thanh niên, Hiền mẫu, Gia trưởng, Cao niên, Legio Mariae, Dòng ba Đa Minh, Phan Sinh, Camêlô, v.v. vẫn thường xuyên sinh hoạt theo chiều hướng canh tân.
2. Huấn luyện đào tạo: Phú Cường ngay từ ngày thành lập được xác định là giáo phận truyền giáo. Ưu tiên hàng đầu vẫn là đào tạo theo tinh thần thừa sai: linh mục, chủng sinh, tu sĩ, nhưng nhất là thành phần giáo dân trưởng thành, trong đó thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ, giáo lý viên, các thành viên chủ chốt trong các giới được đặc biệt quan tâm.
3. Các tổ chức, công tác an ninh xã hội: Trường Câm điếc Lái Thiêu, Trại phong Bến Sắn, Trung tâm chăm sóc những người mắc bệnh AIDS giai đoại cuối tại Củ Chi, Viện Dưỡng lão tại giáo xứ Vinh Sơn (Tây Ninh), Nhà nuôi dưỡng người già neo đơn tại giáo xứ Tân Thông và Lai Uyên, Hội Chữ thập đỏ tại nhà thờ Chính Toà, chương trình tín dụng tiết kiệm tại giáo xứ Tân Châu, các điểm mẫu giáo-nhà trẻ, các lớp học tình thương tại nhiều giáo xứ, v.v
VI. ĐỊA CHỈ TOÀ GIÁM MỤC
– Tòa Giám mục Phú Cường: 104 Lạc Long Quân, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
– Điện thoại: 0274 382 2860; Fax: 0274 385 5343
– E-mail: vptgmphucuong@gmail.com
– Website: giaophanphucuong.org
Văn phòng TGM Giáo phận Phú Cường
Cập nhật ngày 31/12/2017