Ngữ pháp, dù là ngữ pháp tiếng Việt hay ngữ pháp tiếng Anh, hay bất kỳ tiếng nào, thì hình như cũng đều bị ghét cay ghét đắng. Vậy thử xem nó có thực sự đáng tội như vậy không.
Nếu bạn học tiếng Việt, chắc bạn cũng không lạ gì câu nói: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt nam”. Tiếng Anh cũng vậy, người ta cũng sợ ngữ pháp không kém, người ta không ví nó với phong ba, bão táp như trong tiếng Việt, nhưng lại ví nó như con quỷ – Grammar monster. Các ngôn ngữ khác thì chắc cũng vậy.
Và để tìm cách đối phó với nó, người ta tìm đủ mọi cách, khởi đầu là ép người học bằng những quy tắc cứng nhắc, không khác gì kỷ luật trong trại lính, rồi sau văn minh hơn, người ta nghĩ ra cách “vừa học vừa chơi”, coi như đánh lừa người học (chơi nhưng lại bắt học!). Đỉnh điểm hơn nữa là tránh hẳn nó, cạch mặt nó, không thèm tiếp xúc với nó, không thèm học nó.
Mỗi trường phái đều có cái lý của nó, và đều có thể áp dụng trong hoàn cảnh thích hợp cụ thể nào đó. Nhưng điều quan trọng là mỗi trường phái chỉ nên áp dụng cho một số trường hợp nhất định, không nên dùng cho mọi trường hợp. Không hề có đôi giày nào vừa với chân của tất cả mọi người. Not one-size fits all!
Ngữ pháp là gì?
Và tại sao cần có ngữ pháp…
Nếu dùng key word “what is grammar?” để tìm định nghĩa về ngữ pháp, bạn sẽ tìm được khoảng gần 100 triệu kết quả.
Đây là kết quả tìm trên Google:
Đây là kết quả tìm trên Bing:
Như vậy để thấy nó được bàn tán, hoặc chí ít là có liên quan, nhiều đến mức độ nào.
Chúng tôi chọn ra hai định nghĩa từ hai từ điển phổ biến nhất là Oxford và Cambridge. Về cơ bản, hai định nghĩa này là giống nhau. Cụ thể như sau:
Từ điển Oxford giải thích:
Grammar (noun): the structure and system of a language, or of languages in general, usually considered to consist of syntax and morphology. (xem ở đây)
Tạm dịch:
Ngữ pháp là cấu trúc và hệ thống của một ngôn ngữ, hoặc của ngôn ngữ nói chung, thường được cho là bao gồm cú pháp và hình thái học.
Giải thích thêm về cú pháp và hình thái học:
-
- cú pháp (syntax): là cách sắp xếp từ và cụm từ để tạo thành câu (Từ điển Cambridge định nghĩa ngữ pháp chỉ gồm phần này);
- hình thái học (morphology): là cách cấu tạo từ, đặc biệt là biến đổi từ theo giống, số, cách, thời, thể,…)
Đôi khi, người ta cũng thêm vào cả âm vị học (phonetics) và ngữ nghĩa học (semantics)
Nhận xét: Cách giải thích này khá học thuật và đầy đủ, nhưng không “hữu dụng” lắm đối với người học ở mức thông thường.
Từ điển Cambridge giải thích:
Grammar (noun): (the study or use of) the rules about how words change their form and combine with other words to make sentences (xem ở đây)
Tạm dịch:
Ngữ pháp là (việc nghiên cứu, sử dụng) các quy tắc về cách biến đổi từ và kết hợp từ với nhau để tạo thành câu.
Nhận xét: Cách giải thích của Cambridge thực dụng hơn, dễ hiểu hơn đối với người học ngôn ngữ.
Như vậy, có thể thấy, cách giải thích của hai từ điển này là giống nhau, ở chỗ: ngữ pháp là các “quy tắc” cấu tạo câu.
Ngữ pháp hình thành như thế nào?
Mặc dù các từ điển trên giải thích ngữ pháp là “hệ thống quy tắc” của một ngôn ngữ. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu xa về cội nguồn của ngôn ngữ thì không ngôn ngữ nào có quy tắc cả (ngoại trừ Esperanto, thứ ngôn ngữ do con người chế tạo theo kiểu máy móc, không xuất phát từ nhu cầu giao tiếp tự nhiên của con người. Và nếu Esperanto được sử dụng rộng rãi thì cái gọi là quy tắc của nó cũng sẽ thay đổi).
Nếu nói ngữ pháp là các quy tắc, tức là chúng ta ngầm hiểu với nhau rằng có ai đó bày đặt ra các quy tắc này, sau đó mang chúng ra sử dụng (đúng theo cách mà Esperanto được chế tạo), giống như kiểu xây dựng luật pháp của một quốc gia, nhà nước xây dựng luật, còn người dân thì chỉ có nghĩa vụ tuân thủ.
Tuy nhiên, ngôn ngữ không khởi nguồn như vậy. Ngôn ngữ xuất phát từ nhu cầu giao tiếp, ban đầu chỉ dưới dạng âm thanh đơn giản, sau dần phát triển thành từ, ngữ, câu, và có dạng chữ viết.
Không có ngôn ngữ tự nhiên nào là cố định. Tất cả đều biến đổi theo thời gian. Đó là lý do người ta coi ngôn ngữ như một một sinh thể, có đời sống, có sự sinh ra và mất đi, ở cấp độ cao nhất là sự sinh ra và mất đi hoàn toàn của cả một ngôn ngữ (rõ nhất là các ngôn ngữ thiểu số), hoặc ở cấp độ thấp hơn là sự sinh ra và mất đi của một số thành phần của hệ thống ngôn ngữ (rõ nhất là ở hệ thống từ vựng và các cụm từ phổ biến – expressions).
Cái mà chúng ta gọi là “ngữ pháp” của một ngôn ngữ thực chất chỉ là sự phản chiếu các thông lệ của ngôn ngữ đó ở một thời điểm nhất định. Sang một thời điểm khác, các thông lệ đó sẽ thay đổi, không ít thì nhiều.
Đóng góp vào sự ra đời của các thông lệ của một ngôn ngữ chính là con người, đông đảo những người sử dụng ngôn ngữ đó. Không có cơ quan, tổ chức nào đặt ra được ngữ pháp cả, có chăng, họ chỉ ghi lại, hệ thống lại những thông lệ phổ biến nhất của hầu hết người dùng. Và oái oăm thay, những tài liệu kiểu này dần được hiểu một cách sai lệch rằng, đó là các quy định do tổ chức này, cơ quan kia đặt ra làm chuẩn cho xã hội. Điều này là hoàn toàn sai.
Tất nhiên không thể phủ nhận vai trò của các tổ chức (ví dụ, các trường đại học lớn, các nhà xuất bản lớn, các tòa báo lớn …), và cá nhân lớn (ví dụ, các nhà ngôn ngữ lớn, nhà văn lớn, nhà báo lớn, thầy giáo lớn …). Họ là những người am hiểu và tâm huyết với ngôn ngữ. Chính họ là những người đầu tiên hệ thống lại các thông lệ, bổ sung thêm phần của riêng mình, công bố để trước hết là bản thân mình và tổ chức của mình sử dụng, và sau đó, nếu hội đủ điều kiện thì được nhiều người chấp nhận và sử dụng theo.
Đó là hình ảnh khái lược về quá trình hình thành cái gọi là ngữ pháp của ngôn ngữ nói chung.
Tại sao cần phải học ngữ pháp?
Vậy để học sử dụng một ngôn ngữ thì có cần học ngữ pháp của ngôn ngữ đó không?
Có hai câu trả lời cho câu hỏi này.
Câu trả lời thứ nhất: Không. Hoàn toàn không. Neeeever…er…er…!!!!!!!
Lý do: Hàng triệu người trên thế giới này nói ngôn ngữ mẹ đẻ của họ mà không cần học ngữ pháp của ngôn ngữ đó. Trẻ con thậm chí còn biết nói và nói thành thạo ngôn ngữ của chúng trước khi chúng biết đến khái niệm “ngữ pháp”.
Câu trả lời này đúng cho trường hợp bạn sinh ra, lớn lên ở đất nước của bạn và nói thứ tiếng mẹ đẻ của bạn. Hoặc chí ít là bạn đang sinh sống ở vùng đất mà thứ tiếng đó đang được sử dụng hàng ngày, quanh bạn tràn ngập thông tin và nhu cầu giao tiếp bằng thứ tiếng đó.
[Cũng cần mở ngoặc thêm là không phải tất cả mọi người trong cùng một thứ tiếng mẹ đẻ thì sẽ nói giống nhau. Chính vì vậy mới có nhiều cách biểu đạt ngôn ngữ trong cùng một hệ thống ngôn ngữ: “formal”, “informal”, “slang”, “uneducated”, “educated”, “colloquial”…]Còn nếu bạn không phải sinh ra và lớn lên ở đó, hoặc bạn không sinh sống trong môi trường đó mà chỉ là người học sử dụng ngôn ngữ đó như một ngoại ngữ thì việc không học ngữ pháp chỉ khiến bạn mất thêm thời gian và công sức, thậm chí đi sai đường. Có nhiều người ra sức khuyến khích người học ngoại ngữ đi theo cách này. Cơ sở để họ bám vào và khăng khăng quan điểm của mình, dù họ nói bằng cách này hay cách khác, cũng đều rút về quan điểm như nói trên. Nhưng họ quên hoặc cố tình quên rằng, để ngôn ngữ thẩm thấu tự nhiên và trở thành kỹ năng tự nhiên theo cách đó thì không có con đường nào khác là phải bơi trong môi trường đó, hàng ngày, hàng giờ. Nếu không có môi trường đó thì không khác gì tập bơi trên cạn.
Câu trả lời thứ hai: Nếu bạn thực sự muốn học một ngoại ngữ một cách nghiêm túc và bài bản thì câu trả lời là: Có. Ngữ pháp có thể giúp bạn học một ngôn ngữ nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Tại sao vậy?
Hãy tưởng tượng, một ngoại ngữ đối với bạn cũng giống như một vùng đất mới mà bạn chưa đặt chân tới bao giờ, có chăng chỉ mới nghe nói đến nó, hoặc xem qua vài hình ảnh về nó. Bây giờ, bạn học để sử dụng nó, tức là thực sự bước chân vào vùng đất đó.
Nếu là người xuất sắc, bạn không cần phải hỏi ai cả, chỉ cần tự quan sát và tìm hiểu là bạn có thể dần thích nghi được với vùng đất mới. Số này không nhiều lắm.
Nếu không, bạn sẽ cần hỏi han, tư vấn, sử dụng hết các giác quan của mình để thu thập và trang bị cho mình đủ thông tin để có thể thích nghi với vùng đất mới này.
Dù bạn thuộc nhóm xuất sắc hay thuộc nhóm còn lại thì việc có một tấm bản đồ, một cuốn cẩm nang hướng dẫn về vùng đất đó đều sẽ là một việc vô cùng hữu ích, khiến cho thời gian để bạn thích nghi với vùng đất đó rút ngắn hơn rất nhiều.
Tấm bản đồ hay cuốn cẩm nang của vùng đất đó cũng tương tự như ngữ pháp của ngôn ngữ mà bạn đang học sử dụng.
Điều quan trọng là cần xem ngữ pháp như một trợ lý của bạn, và chỉ như vậy thôi; không nên đặt nó thành ông chủ của bạn, khiến bạn khổ sở tìm cách đáp ứng yêu cầu của nó.
Khi bạn hiểu ngữ pháp của một ngôn ngữ (hoặc nói khác đi là hệ thống của một ngôn ngữ) thì bạn có thể tự hiểu được nhiều thứ mà ít cần phải hỏi ai khác hoặc tra cứu sách vở, chí ít là như vậy.
Vậy, hãy coi ngữ pháp như một người bạn tốt, tích cực, có khả năng giúp mình (chứ không làm hại mình). Giống như hệ thống biển báo trên con đường sử dụng ngoại ngữ của mình.
Như trên chúng tôi đã nói, dù gì đi nữa, bạn không thể phủ nhận sự cần thiết của ngữ pháp. Vấn đề tranh cãi chỉ là làm thế nào để học nó.
Về vấn đề tranh cãi này, chúng tôi không phản bác bất kỳ trường phái nào. Trường phái nào cũng có lý của nó. Vấn đề là áp dụng chúng một cách hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của mình.
Trường phái 1: Ngữ pháp à? Không liên quan! (thực ra là có học, nhưng là thụ động)
Nếu bạn thấy rằng mình có thể tạo ra môi trường nói tiếng Anh thường xuyên quanh mình thì có lẽ cũng không cần phải quan tâm nhiều lắm tới vấn đề ngữ pháp. Tự nó sẽ len lỏi vào trong bạn một cách tự nhiên.
Đây là cách học cao nhất.
Cách học này thường phù hợp với các bạn đang sinh sống ở một nước nói tiếng Anh, hoặc trong một ngôi trường quốc tế (mặc dù cũng không phải 100% thời gian). Hoặc khi bạn có một “đối tác” (vợ, chồng, người yêu) là người nói tiếng Anh.
Tức là nó phù hợp với người “có điều kiện”.
Trường phái 2: Đường vòng (vừa học vừa chơi)
Nếu bạn không thể tạo ra cho mình môi trường sử dụng tiếng Anh như trong tình huống 1, nhưng vẫn có thể tạo ra cho mình những hoạt động “vừa học vừa chơi” thì vấn đề ngữ pháp cũng không phải là vấn đề đáng quan tâm lắm (hoặc nói khác đi, nó được che giấu bởi một thứ khác thú vị hơn).
Tuy nhiên, để tự tạo ra các hoạt động kiểu này thì vô cùng khó khăn, tốn kém, mất thời gian và công sức.
Đây là kiểu học thường chỉ phù hợp với trẻ con, mẫu giáo, các lớp tiểu học, và một số mô hình câu lạc bộ tiếng Anh hoặc tương tự. Tuy nhiên, để duy trì được nó thì đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian, và cả tiền bạc.
Cách học này cũng phù hợp với những người “có điều kiện”.
Đây là cách học ở mức trung bình.
Trường phái 3: Nhai trực tiếp
Đối diện với nó, húc đầu vào nó, nhai nó, tiêu hóa nó, một cách trực diện, như nhai xương.
Đây là cách học phù hợp với những ai không thuộc 2 nhóm đối tượng trên.
Nó là cách học phù hợp với người “không có điều kiện”.
Đây là cách học ở mức thấp nhất. Nhưng đỡ tốn tiền, và cũng rất hiệu quả.
Còn bạn thì sao? Bạn chọn cách học nào cho ngữ pháp?