1. Hợp đồng thương mại là gì? Có những loại nào?
Pháp luật hiện hành Việt Nam hiện không đưa ra khái niệm hợp đồng thương mại cũng như khái niệm “thương mại” nói chung mà thông qua khái niệm hoạt động thương mại trong Luật Thương mại 2005 để làm rõ đặc điểm của khái niệm thương mại.
Theo đó, khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 giải thích về hoạt động thương mại như sau:
1. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Theo quy định trên, có thể hiểu hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên để thực hiện hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi.
Cũng theo Luật Thương mại 2005, hoạt động thương mại gồm: Mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Tóm lại, có thể hiểu hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên về việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, xúc tiến thươn mại…. để nhằm mục đích sinh lợi.
Một số loại hợp đồng thương mại phổ biến hiện nay gồm:
– Hợp đồng mua bán hàng hóa, gồm: Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước; hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế; hợp đồng mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa.
– Hợp đồng dịch vụ, gồm: Hợp đồng cung ứng dịch vụ liên quan đến mua bán hàng hóa; hợp đồng cung ứng dịch vụ chuyên ngành (hợp đồng dịch vụ tài chính, bảo hiểm,…).
– Hợp đồng trong các hoạt động đầu tư thương mại khác…
2. Nội dung, hình thức của hợp đồng thương mại
Nội dung hợp đồng thương mại gồm đầy đủ các điều khoản đã được cả hai bên thỏa thuận thống nhất, cả hai bên cần tuân thủ các điều khoản này trong thời gian hợp đồng có hiệu lực.
Các loại hợp đồng thương mại khác nhau sẽ có những quy định về các điều khoản riêng. Đối với hợp đồng thương mại, các điều khoản này sẽ liên quan đến hoạt động thương mại của các thương nhân. Tuy nhiên, các điều khoản này vẫn cần đảm bảo được theo quy định của pháp luật hợp đồng nói chung và thường gồm các điều khoản cơ bản sau:
– Đối tượng của hợp đồng;
– Chất lượng;
– Giá trị hợp đồng;
– Phương thức, thời hạn thanh toán;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Các phương thức giải quyết khi xảy ra tranh chấp;
– Thời gian, địa điểm ký kết hợp đồng…
Về hình thức hợp đồng thương mại được thực hiện theo thỏa thuận các bên, có thể được thiết lập dựa trên lời nói, văn bản cụ thể hay hành động thực tế nào đó.
Với những hợp đồng có giá trị lớn, các bên thường thỏa thuận hình thức hợp đồng được lập thành văn bản với các điều khoản cụ thể, rõ ràng. Việc lập thành văn bản còn giúp cho quá trình thực hiện hợp đồng thương mại được thực hiện một cách đảm bảo và hiệu quả hơn, phòng tránh những rủi ro về sau.
3. Mẫu Hợp đồng thương mại mới nhất 2023
4. Cách soạn thảo hợp đồng thương mại
– Điều khoản thông tin các bên:
Đây thường là điều khoản đầu tiên và luôn phải có trong một hợp đồng thương mại, để xác định được tư cách chủ thể của các bên thì cần phải có các thông tin cơ bản sau:
+ Đối với cá nhân: Tên, số chứng minh thư và địa chỉ thường trú. Nội dung này ghi chính xác theo chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc hộ khẩu và cũng nên kiểm tra trước khi ký kết.
+ Đối với tổ chức, doanh nghiệp: Tên, Trụ sở, Giấy phép thành lập và người đại diện theo pháp luật. Các nội dung trên phải ghi chính xác theo Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp.
– Điều khoản về đối tượng của hợp đồng
Hợp đồng thương mại là hợp đồng nói chung của rất nhiều hoạt động thương mại. Đối với mỗi hoạt động, tên hợp đồng được ghi cụ thể. Ví dụ như hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng gia công hàng hóa… Do vậy, đối với mỗi loại hợp đồng thì đối tượng của nó là khác nhau.
+ Với hợp đồng dịch vụ hoặc gia công hàng hóa: Đối tượng của hợp đồng là các công việc cụ thể.
+ Với hợp đồng mua bán hàng hóa: Đối tượng của hợp đồng là hàng hóa được mua bán, khi soạn thảo, các bên phải xác định rõ tên hàng hóa, loại hàng hóa, chất lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa… tất cả các yếu tố trên phải được xác định rõ ràng, cụ thể trong hợp đồng.
– Điều khoản về giá cả
Các bên khi thoả thuận về giá cả cần đề cập các nội dung: Đơn giá, tổng giá trị và đồng tiền thanh toán.
– Điều khoản thanh toán
Trong điều khoản này, các bên cần có thỏa thuận về phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán và thời hạn thanh toán.
+ Đối với phương thức thanh toán: Các bên có thể lựa chọn một trong các phương thức thanh toán phổ biến hiện nay: Thanh toán trực tiếp; Thanh toán thông qua chuyển khoản và thanh toán nhờ thu và tín dụng chứng từ L/C (thường được sử dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế).
+ Đối với đồng tiền thanh toán: Các bên thỏa thuận cụ thể đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng hoặc USD hay một đồng tiền khác tùy theo ý trí các bên. Tuy nhiên chỉ nên để một loại đồng tiền thanh toán duy nhất.
+ Đối với thời hạn thanh toán: Mặc dù pháp luật quy đinh các bên không thỏa thuận thời hạn thanh toán thì vẫn có phương thức xác định. Tuy nhiên, các bên vẫn nên thỏa thuận một thời hạn thanh toán cụ thể.
– Điều khoản về phạt vi phạm
Đây là điều khoản do các bên tự thỏa thuận, trường hợp các bên không thỏa thuận điều khoản này thì khi xảy ra vi phạm sẽ không được phạt vi phạm hợp đồng.
– Điều khoản quyền và nghĩa vụ các bên:
Pháp luật có quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản cho các bên. Thực tế, các bên có thể thỏa thuận thêm một số quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với giao dịch của mình để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
– Điều khoản giải quyết tranh chấp
Riêng các giao dịch thương mại thì ngoài Tòa án còn có một thiết chế khác có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó là Trọng tài thương mại. Do đó, bên có thể thỏa thuận lựa chọn một trong hai cơ quan trên để giải quyết tranh chấp phát sinh.
– Các điều khoản khác.
Trên đây là mẫu Hợp đồng thương mại mới nhất 2023. Nếu còn thắc mắc về hợp đồng thương mại và cách soạn thảo, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.