Còn các nhà chức trách Israel thì đuổi một số người Palestine ra khỏi nhà của họ để nhường chỗ cho những người định cư Israel. Đỉnh điểm, những người Palestine quá khích đã ném đá, chai lọ và pháo hoa về phía cảnh sát Israel; cảnh sát đáp trả bằng đạn cao su và lựu đạn gây choáng để vãn hồi trật tự ở những khu vực quanh đền thờ Al-Aqsa và phía đông Jerusalem. Hậu quả, gần 200 người bị thương vong.
Thành phố thánh địa Jerusalem. Ảnh: Word Press
Jerusalem nằm ở phía đông thành phố Tel Aviv, là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới và được coi là ngã ba gặp gỡ của các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Hồi giáo, Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo. Do vậy, đây là vùng đất Thánh đối với cả 3 tôn giáo này, được cả Nhà nước Do Thái và Nhà nước Arập tuyên bố là thủ đô.
Thành lập từ khoảng thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên, Jerusalem đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, với hai lần bị tàn phá, hàng chục lần bị vây hãm, tấn công, xâm chiếm và tái thiết. Ở trung tâm Jerusalem là Khu phố Cổ với một số địa điểm linh thiêng đối với người Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo.
Đó là nhà thờ Mộ Chúa Jesus, hàng năm có hàng triệu tín đồ Thiên Chúa giáo hành hương về để cầu nguyện; nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa, nơi nhà tiên tri Muhammad từ thánh địa Mecca tới và cầu nguyện cho linh hồn của tất cả những nhà tiên tri và đền thờ Mái vòm Dome of Rock cách đó không xa, được cho là nơi nhà tiên tri Muhammad đã bay lên thiên đàng trên con ngựa có cánh. Cuối cùng là “Bức tường Than khóc”, nơi Abraham – tổ phụ của người Do Thái dâng con trai mình là Isaac làm sinh tế, vì vậy tín đồ Do Thái từ khắp nơi trên thế giới về đây để cầu nguyện và kết nối với lịch sử của họ.
Tháng 12/1917, Anh giành quyền kiểm soát Jerusalem từ đế chế Ottoman và xúc tiến đưa người Do Thái tha phương ở nhiều nơi trên thế giới trở về Palestine để thiết lập một nhà nước cho dân tộc Do Thái. Điều này đã đẩy vùng đất này vào biến động và bạo lực do người Arập phản đối người Do Thái có chủ quyền tại đây.
Tháng 11/1947, Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua Nghị quyết 181 chấm dứt quyền uỷ trị của Anh và chia vùng đất này thành 2 nhà nước: Nhà nước Do Thái chiếm 57,47% diện tích (14.100km2) với 498.000 người Do Thái, 325.000 người Arập; Nhà nước Arập chiếm 42,53% diện tích với 807.000 người Arập và 10.000 người Do Thái. Riêng thành phố Jerusalem với 100.000 người Do Thái và 105.000 người Arập, là “thực thể chia cắt giữa 2 bên”, có quy chế đặc biệt về chính trị và luật pháp do LHQ quản lý.
Tuy nhiên, ngày 14/5/1948, Hội đồng Dân tộc Do Thái tuyên bố thành lập Nhà nước Israel với thủ đô là Jerusalem, bất chấp tinh thần Nghị quyết 181 của LHQ. Biểu thị tình đoàn kết với những người anh em Palestine, ngay hôm sau, các nước Arập phát động cuộc chiến (chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất) chống Israel. Kết quả cuộc chiến kéo dài 15 tháng này (có giai đoạn ngừng bắn) là Israel chiếm được một vùng lãnh thổ rộng 6.700km2, gồm dải Gaza và bờ Tây sông Jordan. Jerusalem bị chia cắt, nửa phía Tây trở thành một phần của quốc gia mới Israel, nửa phía đông bao gồm Khu phố Cổ được Jordan kiểm soát. Gần 1 triệu người Palestine phải rời quê hương đi tị nạn.
Sau chiến tranh Trung Đông lần thứ ba (tháng 6/1967), Israel tuyên bố sáp nhập phần phía đông Jerusalem vào lãnh thổ của mình và xúc tiến thành lập các khu định cư người Do Thái ở những vùng đất mới chiếm đóng. Năm 1980, Quốc hội Israel thông qua dự luật tuyên bố ”Jerusalem, hoàn chỉnh và thống nhất, là thủ đô của Israel”.
Cho đến nay, đã diễn ra 6 cuộc chiến tranh Arập – Israel cùng nhiều cuộc xung đột phản kháng khác. Tuy nhiên, tất cả những cuộc chiến tranh, xung đột này đều không những không giải quyết được vấn đề cốt lõi là quan hệ Israel – Palestine, mà còn gây sự thù hằn giữa hai bên, dẫn đến những hậu quả nặng nề mà cho đến nay vẫn chưa giải quyết nổi.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12/2017 tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố này, hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra khắp thế giới Hồi giáo. Các cuộc đụng độ căng thẳng nhất đã xảy ra ở Jerusalem, Bờ Tây và dải Gaza, gây nhiều thương vong. Ngày 22/12/2017, Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu (với 128 phiếu thuận và 9 phiếu chống) lên án quyết định của Mỹ. Hai ngày sau, 24/12, Quốc hội Iran bỏ phiếu ủng hộ dự luật công nhận Jerusalem là thủ đô của Palestine.
Như vậy, đã hơn một thế kỷ, quan hệ Arập – Israel, tiến trình hòa bình Trung Đông vẫn bế tắc, nay lại bùng lên ở mức độ nóng bỏng hơn bởi nguy cơ Thánh địa Jerusalem trở thành chiến địa giữa các bên liên quan.
Thực tế, căng thẳng nơi đây tồn tại đã hàng ngàn năm. Song, nổi bật nhất vẫn là câu chuyện xảy trong hơn 100 năm qua, với căn nguyên từ chủ nghĩa dân tộc và lợi ích ích kỷ của các thế lực bên ngoài luôn nhòm ngó, xâu xé vùng đất linh thiêng này.
Nguyên Phong