Khe Sanh nằm trong một thung lũng đất đỏ cao hơn mặt nước biển 400 m. Khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam do đế quốc Mỹ phát động phát triển mạnh, giới quân sự Mỹ phát hiện ra vị trí quan trọng của làng Khe Sanh, vì nó nằm án ngữ trên Đường 9, con đường chiến lược ở cực bắc miền Nam Việt Nam, con đường dẫn sang Lào và dẫn tới con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Năm 1965-1966, Quân đội Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn đã xây dựng Khe Sanh thành cứ điểm lớn nhất trong tuyến phòng thủ Đường 9. Đây là một trong ba “mắt thần” (Khe Sanh, Làng Vây và Tà Cơn) của hàng rào điện tử McNamara, với hy vọng sẽ ngăn chặn được sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam của Quân đội Nhân dân Việt Nam và sẽ chia cắt được đường mòn Hồ Chí Minh. Tại Khe Sanh đã diễn ra những trận đánh lớn trong chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh năm 1968, chiến dịch Đường 9 – Nam Lào năm 1971.
Khe Sanh được cả thế giới biết đến vào đầu năm 1968, khi quân và dân ta mở chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh, kéo hàng vạn lính thủy đánh bộ Mỹ lên rừng, làm cho những người cầm quyền nước Mỹ bối rối, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải thiết lập một “Phòng tình hình đặc biệt” trong Nhà trắng và cho làm ở đó một mô hình căn cứ Khe Sanh.
Sau 170 ngày đêm tiến công, vây hãm và đánh đuổi, quân Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh, ngày 9-7-1968, Khe Sanh hoàn toàn giải phóng, Hướng Hoá huyện đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Khe Sanh còn là mảnh đất chứng tích về sự thất bại nặng nề và sụp đổ hoàn toàn chiến dịch Lam Sơn 719 của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Khe Sanh rất đỗi tự hào đã góp phần xứng đáng cùng với quân và dân huy động sức người, sức của tham gia chiến dịch, phục vụ chiến dịch góp phần vào thắng lợi giải phóng hoàn toàn Trị – Thiên- Huế và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Sau chiến tranh thị trấn Khe Sanh vẫn còn những khó khăn do những hậu quả của bom mìn, chất độc còn sót lại từ thời chiến tranh. Theo thống kê thì số lượng bom được thả xuống Việt Nam được cho là nhiều hơn số bom được thả trong cả hai đại thế chiến. Với tỷ lệ bom không nổ lên tới 30%, có đến 800.000 tấn bom và thiết bị khác chưa nổ còn được chôn vùi tại Việt Nam, cản trở các hoạt động phát triển và gây thương tích cũng như thương vong. Có đến 40% các nạn nhân bị thương hoặc bị thiệt mạng vì bom mìn chưa nổ là trẻ em dưới 16 tuổi.
Thị trấn Khe Sanh hôm nay thật sự là một điểm sáng của huyện Hướng Hoá về những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, Quốc phòng – An ninh và hình hài của một phố núi đang hiện ra. Bất cứ ai đến đây cũng sẽ thấy một thị trấn Khe Sanh, trung tâm của huyện lỵ Hướng Hóa đang trên đường phát triển. Từ thời chiến tranh ở vị trí hoang tàn đổ nát, từ lau sậy của đồi núi hoang vu, thị trấn Khe Sanh giờ đây đã ngập tràn ánh điện, nhiều nhà cao tầng được mọc lên, người người khắp nơi đổ về làm ăn làm cho miền đất thị trấn này lúc nào cũng tấp nập, rộn rã, tươi vui.
Con Đường 9 – “con đường không vui” một thời của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ được nâng cấp trở thành con đường xuyên Á trên trục Hành lang kinh tế Đông Tây trong thời kỳ hội nhập và phát triển đi qua thị trấn Khe Sanh. Đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc được cải thiện đáng kể. Các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, Kinh anh em ngày trước đã chung lưng đấu cật, nay lại sát cánh bên nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, giữ gìn an ninh trật tự, cùng phấn đấu xây dựng cho một sự thịnh vượng chung của địa phương cũng như cả nước. Bản sắc văn hóa các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô luôn được giữ gìn, phát huy, làm phong phú thêm đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc sống trên mảnh đất này.
Thị trấn Khe Sanh – Hướng Hoá vùng đất mà những con người nơi đây dưới sự lãnh đạo của Đảng đã cùng quân và dân viết lên bản anh hùng ca bất diệt, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, Nam Bắc sum họp một nhà, cả nước bắt tay đoàn kết hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng nhau xây dựng đất nước theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Thành Vinh