Sản xuất nông nghiệp là hoạt động cơ bản, lâu đời của loài người. Nhân dịp ra đời Nghị định 13 của Chính phủ thành lập hệ thống Khuyến nông Việt Nam, chúng ta cùng nhau nhìn lại giai đoạn 1993 – 2023. Đó là thành quả lớn nhờ sự kết hợp chân lý (khoa học, kỹ thuật, công nghệ) pháp lý và đạo lý (chân, thiện, mỹ). Khuyến nông đã giúp cho sự chỉ đạo sản xuất của các cấp ủy Đảng, chính quyền về nông nghiệp bước lên nấc thang giá trị mới.
Sứ mệnh của HTX nông nghiệp (cũ)
Từ năm 1946 (Chính phủ quy định Ngày truyền thống HTX – 11/4/1946), 1958 (Bác Hồ ký thành lập tổ chức HTX), năm 1969 (Bác Hồ ký Điều lệ HTX ngày 01/5/1969)… Lịch sử sản xuất nông nghiệp coi HTX là quan hệ sản xuất, là quy luật tất yếu khách quan. HTX nông nghiệp có vai trò sứ mệnh to lớn “bát cơm thơm cả chiến hào”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1945 – 1975).
Tuy nhiên, sau khi hòa bình lập lại, việc duy trì cơ chế kế hoạch tập trung trong HTX nông nghiệp quá lâu nên phải đổi mới mô hình HTX kiểu cũ để giải phóng lực lượng sản xuất, thoát ra khủng hoảng kinh tế.
Vai trò của hệ thống khoa học khuyến nông tiếp nối vai trò HTX nông nghiệp
Từ năm 1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký nghị định ra đời hệ thống Khuyến nông Việt Nam, buổi đầu là Ban Khuyến nông (2/1992), Cục Khuyến nông (4/1993), Cục Khuyến nông và Khuyến lâm (6/1994), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (từ 2004 đến nay). Bộ NN-PTNT chuyển hệ thống nghiên cứu khoa học nông nghiệp từ tập trung sang xây dựng các viện vùng, trung tâm chuyển giao vùng làm nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao.
Hệ thống khuyến nông làm nhiệm vụ cầu nối, tập hợp, chuyển giao, thúc đẩy truyền cảm hứng, tham gia chỉ đạo sản xuất trong khi HTX nông nghiệp cũ chuyển sang Luật HTX mới. Đến nay, hệ thống khuyến nông từ trung ương đến địa phương đã có 16.978 người (trong đó 6.685 xã có khuyến nông, 7.534 xã có thú y, 5.000 có thú y viên tư nhân, 19.000 thôn bản có cộng tác viên khuyến nông – theo số liệu điều tra nông nghiệp năm 2020).
Dấu ấn khuyến nông nổi bật giai đoạn này là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ phục vụ chủ trương thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất, xây dựng nông thôn mới.
“Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (thơ Nguyễn Đình Thi)
Nông nghiệp Việt Nam 30 năm qua có 3 nhảy vọt lớn lên tầm cao mới: Xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu, xây dựng NTM. Tổ chức sản xuất nông nghiệp có 3 thay đổi lớn: Sản xuất từ phân tán sang tập trung, chuyên canh (từ 1.000m2 lên 2.000m2 đất/hộ, từ 10 thửa giảm còn 3 thửa/hộ…); xuất hiện 3 chân dung mới trong nông nghiệp (7.471 doanh nghiệp, 7.418 HTX kiểu mới, 20.000 nông trại …); nông nghiệp từ sản xuất tự tiêu sang xuất khẩu (15 FTA, xuất khẩu 53 tỷ USD năm 2022, thặng dư thương mại 8,5 tỷ USD…).
Bộ mặt nông thôn đã đổi thay lớn (70% số xã đạt tiêu chuẩn NTM …). Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam đánh giá sự đóng góp của nhân tố KH-CN chiếm khoảng 30 – 40% tăng trưởng nông nghiệp. Hội Nông dân Việt Nam đã tuyên dương 3,6 triệu lượt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Khuyến nông khẳng định nông dân sản xuất có trí thức giàu hơn nông dân sản xuất bằng kinh nghiệm. Dàn hợp xướng Khuyến nông Việt Nam đã và đang hình thành rõ nét (khuyến nông chuyên trách, khuyến nông của các tổ chức, cá nhân xã hội…).
Dịp tổng kết 20 năm ra đời Khuyến nông Việt Nam, tôi đã nêu 4 vẻ đẹp của hệ thống khoa học khuyến nông là dũng khí (trong XĐGN), nhân văn (tận tụy, trách nhiệm), hữu ích (tăng thu nhập), sáng tạo (tiếp biến công nghệ, kỹ thuật).
Tuy nhiên, chúng ta còn một số tồn tại: Hệ thống chậm về phát triển công nghệ, chưa khắc phục được những nhược điểm mang tính chu kỳ (lấy công làm lãi, trồng – chặt, được mùa mất giá, “giải cứu” nông sản…); có nơi, có chỗ còn vội vàng, nhầm lẫn (di thực nguồn gen, rập khuôn kinh nghiệm nước ngoài…); thiếu cơ sở lí luận khoa học về Khuyến nông Việt Nam, hệ giá trị văn hóa nông nghiệp Việt Nam chưa được nghiên cứu đầy đủ và có hình hài rõ nét, còn chú trọng nhiều vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa có nhiều mô hình vùng, cực tăng trưởng hiệu quả cao…
Khuyến nông Việt Nam vươn lên là nhạc trưởng “Diễn đàn Davos” của nông nghiệp Việt Nam
– Một là, giai đoạn 2023 – 2045, giá trị gia tăng của hệ thống khoa học khuyến nông là đội ngũ nòng cốt và đi tiên phong trong chuyển đổi số nông nghiệp để đạt mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ. Toàn bộ trí tuệ nhân loại đang được số hóa. Kinh tế số đang là thị trường toàn cầu.
Số hóa, kết nối sản xuất – thương mại là phương thức phát triển mới sinh ra giá trị mới, gia tăng vô hạn, vừa thu hoạch đã bán xong nhờ kết nối với doanh nghiệp, HTX kiểu mới…
Chúng ta sẽ số hóa hơn 10 triệu ha đất canh tác (trong đó có 1 triệu ha mặt nước), 15 triệu ha đất lâm nghiệp, 1 triệu km2 thềm lục địa và hàng chục triệu lao động nông nghiệp để có chíp, mật khẩu, mã vạch, tên miền, thương hiệu nông sản “Made in Việt Nam”… theo lộ trình 3 giai đoạn: Xây dựng dữ liệu và kết nối (viện, chuyên gia, tổ chức…); Sản xuất thiết bị và phần mềm (doanh nghiệp, chuyên gia…) và chuyển đổi số toàn hệ thống (từ Chính phủ, Bộ đến nông dân).
Dữ liệu số sẽ vượt qua tài nguyên vật lí cũ (đất, nước, phân bón…), sử dụng cả lợi thế vũ trụ (nhiệt độ, ánh sáng, gen nhiệt đới, quang hợp, năng lượng sạch…). Như vậy, chuyển đổi số nông nghiệp là quản trị nông nghiệp thông minh, đưa nông nghiệp Việt Nam lên bước phát triển đỉnh cao.
Ở nước ta chỉ mới có 20 năm công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã có doanh nghiệp tỷ USD xếp hạng thế giới, 80% lao động trưởng thành có điện thoại thông minh, nhiều cây con đã trở thành ngành nông công nghiệp, một số sản phẩm mới đã vượt thời gian 100 năm cũ…
– Hai là, khuyến nông cần cụ thể hóa chiến lược phát triển nông nghiệp thành lí luận và thực tiễn khuyến nông Việt Nam để làm cơ sở cho công nghệ sáng tạo đột phá. Đó là nội hàm khoa học kinh tế (tối ưu), khoa học thị trường (thị hiếu), khoa học sinh học (nhiệt đới), khoa học môi trường (CO2), khoa học giáo dục (chuyên nghiệp, nhân tài), khoa học tổ chức (“5 trong 1”), khoa học văn hóa (chân, thiện, mĩ), khoa học phát triển (cân bằng), khoa học xã hội (an sinh)… có đủ các thành tố tư tưởng, triết lí, văn hóa, định tính, định lượng…
Đó là cách tiếp cận “quyền lực” và “cấu trúc” khuyến nông: “Quyền” hành chính (chuyên trách, nhạc trưởng), “quyền” tài chính (chương trình mục tiêu quốc gia, hợp tác công tư), “quyền” khoa học kỹ thuật công nghệ, sở hữu trí tuệ…, “quyền” tư vấn, dịch vụ, chuỗi (win – win – win…)…
Đó là sự sắp xếp lại và giao thoa các không gian, dư địa phát triển, từ thị trường, “từ dưới lên”, đổi mới sáng tạo, logistic khuyến nông, “từ trên xuống” (nhưng cũng phải thấm đẫm nhu cầu “từ dưới lên”…
– Ba là, tạo ra nguồn lực vật chất và tinh thần lớn hơn cho toàn hệ thống, kể cả việc giảm rủi ro thị trường và biến đổi khí hậu, đầu tư không hối tiếc… Đó là nội hàm hợp tác công tư (PPP), hợp tác quốc tế, mở rộng khuyến nông tư nhân, khuyến nông doanh nghiệp, HTX nông nghiệp mới…; xây dựng bộ chính sách, cơ chế khoa học khuyến nông hoàn chỉnh để thực hiện phương châm hành động tạo hiệu ứng hai đầu gồm nâng đầu trên (làm giàu), hạ đầu dưới (thoát nghèo).
Bộ NN-PTNT nên đề nghị có ngày Khuyến nông Việt Nam (ví dụ Lễ Tịch điền mùng 7/1 âm lịch hàng năm) và Bộ NN-PTNT tôn vinh danh hiệu “Hiệp sĩ Khuyến nông Việt Nam”…