Nỗi đau của người cha
Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi tìm về phố Sàn, huyện Lục Nam, Tỉnh Bắc Giang nơi xảy ra vụ thảm án giết người cướp tài sản rúng động cả nước vào năm 2011.
8 năm trôi qua, tiệm vàng Ngọc Bích, nơi sát thủ máu lạnh Lê Văn Luyện (SN 1993) ra tay gây án sau thời gian để không nay đã có người ở, thành nơi buôn bán đồ dùng cho học sinh.
Cách tiệm vàng xảy ra vụ án đau lòng khoảng 6km, tại xã Thanh Lâm (Lục Nam, Bắc Giang) ngôi nhà nhỏ của người thân Luyện đang sinh sống từ đó đến nay im bặt.
Thời gian trôi đi, nhưng những gì con trai gây ra vẫn còn khiến khuôn mặt và ánh mắt của ông Lê Văn Miên và bà Trương Thị Thơm (là bố và mẹ của Luyện) đượm buồn và mệt mỏi.
Trong vụ án này, ông Miên bị truy tố, xét xử tội “che giấu tội phạm”, phải nhận mức án 48 tháng tù giam. Tại phiên tòa xét xử con trai, ông Miên đã thốt lên: “Sau khi biết sự thật, bị cáo đã rất đau đớn…”.
Ông Miên tâm sự, khoảng thời gian đầu khi sự việc xảy ra, ông đã suy sụp hoàn toàn. Ông Miên mang trong mình nỗi lo về người con nghịch tử đang phải thụ án ở trại giam khác và mặc cảm về người cha của kẻ sát nhân máu lạnh. Nỗi dằn vặt khiến ông đã từng nghĩ về cái chết, chết đi để trút bỏ mọi gánh nặng, buồn phiền.
“Thời gian đó tôi đã không nghĩ mình có thể vượt qua được, mọi thứ như đóng sập lại hoàn toàn với gia đình tôi, tôi gần như đã buông xuôi tất cả. Chỉ trong phút chốc, cuộc sống gia đình tôi đang êm ấm trở nên hỗn độn chỉ vì tội ác tày trời của con mình”, ông Miên nhớ lại.
Lá thư xúc động ngày trở về
Ông Miên chia sẻ, những tháng ngày tăm tối của cuộc đời trong chốn ngục tù, ông may mắn gặp được cán bộ Phó giám thị và Trưởng ban nhân lực trại giam giàu lòng nhân ái.
Họ không phải giúp ông về tiền bạc mà động viên ông vượt qua và tạo điều kiện cho ông làm việc, cải tạo tốt.
Thân là phạm nhân, không tiền của, không còn gì cả nhưng được các cán bộ quan tâm như vậy, ông xúc động vô cùng.
Ngày 29/8/2014 ông Miên mãn hạn tù, trở về nhà, để bày tỏ sự cảm ơn nên đã viết hai lá thư gửi cho hai cán bộ trại tạm giam, những người đã giúp đỡ ông trong quãng thời gian suy sụp nhất.
Trong thư ông Miên gửi cán bộ trại giam có đoạn: “Ban ạ, con người ta từ lúc sinh ra cho tới hết cuộc đời ai cũng có những sai lầm. Cho dù là sai lầm đó là lớn hay nhỏ mà thôi. Cuộc đời cháu cũng vậy, chỉ vì những sai lầm đó mà cháu và anh em trong gia đình đã phải đối mặt với sự đàm tiếu, kỳ thị của xã hội…
Và một điều thật là may mắn, trong những ngày cải tạo tại nơi đây, cháu gặp được người cán bộ giàu lòng nhân ái như Ban, đã tiếp thêm nghị lực giúp cháu cải tạo tốt hơn…”.
Lá thư ngắn ngủi, với nét chữ nguệch ngoạc nhưng đầy sự chân thành của ông Miên có lẽ đã khiến những người nhận được cảm thấy ấm lòng.
Tiếp tục sống để trả nợ đời cho con trai
Trở về với cuộc sống đời thường dù còn mang mặc cảm nhưng nghĩ đến vợ con bên cạnh, ông Miên cố gắng làm việc để bù đắp lỗi lầm mà người con nghịch tử đã gây ra.
Ông Miên biết rằng, những chuyện đã qua dù có suy nghĩ tiêu cực hay buông xuôi thì cũng không thể thay đổi được gì.
Ông chỉ biết cật lực làm việc ngày đêm để có tiền bồi thường thiệt hại do thằng con nghịch tử gây ra, giúp gia đình dần tìm lại ánh sáng.
Hằng ngày vào dịp thời vụ, vợ chồng ông Miên đi làm đồng, trồng cây ăn quả. Khi hết thời vụ, ông Miên đi xây, phụ hồ, kiếm thêm thu nhập.
Những khi không có việc, ông ở nhà phụ vợ đan lát làm đồ vàng mã, dành dụm để nuôi người con út ăn học và đền bù thiệt hại do Lê Văn Luyện gây ra.
Nhìn về phía cậu con út trong gia đình năm nay lên lớp 6 đang lụi mụi nghịch quả bóng đã cũ mèm phía góc nhà dưới ánh đèn tiết kiệm điện tối mập mờ, ông Miên nói: “Giờ tôi chỉ còn biết đổ cho số phận, cũng không suy nghĩ tiêu cực nữa.
Chỉ biết động viên vợ con cố gắng, thằng con thứ hai sau chuyện của anh thì nó cũng bỏ học giờ đi làm công ty kiếm thêm phụ giúp bố mẹ, còn thằng út thì còn quá nhỏ nên nó cũng không biết gì.
Miễn là ông trời còn để tôi sống, tôi sẽ làm để đền bù thiệt hại, trả hết nợ. Tôi không nghĩ tiêu cực vì xác định nó là cái số rồi nên phải chấp nhận, có muốn chán hay tìm đến cái chết cũng không được vì không giải quyết được vấn đề gì nữa cả.
Làng xóm cũng bình thường, người nọ người kia chứ không còn áp lực như những ngày đầu”, ông Miên chia sẻ.
Do kinh tế khó khăn nên 2 năm một lần, người thân trong gia đình Lê Văn Luyện mới đi thăm Luyện vào dịp đại hội gia đình gặp mặt phạm nhân.
Về phía gia đình nạn nhân, thời gian đầu ông Miên cũng ngỏ ý muốn đến thăm hỏi, xin lỗi nhưng bị từ chối nên ông cũng đành chấp nhận.
Cũng đã cởi mở hơn những ngày trước, bà Trương Thị Thơm đã bớt nghĩ tiêu cực và gắng làm để đền bù thiệt hại do con gây ra.