LEED Là Gì? Tiêu Chuẩn LEED Trong Các Tòa Văn Phòng

Leed gold là gì

Trong thời gian qua, Maison Office nhận được rất nhiều phản hồi từ các bạn hỏi về LEED cùng cách thức đánh giá của hệ thống chứng chỉ này.

Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ cùng các bạn hiểu rõ hơn về chứng nhận LEED: Giá trị mà chứng chỉ này đem lại tới các tòa nhà? Hệ thống tiêu chuẩn LEED hoạt động như thế nào? Một số công trình tiêu biểu trên thế giới đạt chứng chỉ LEED? Nào, hãy cùng khám phá thông tin chi tiết nhé!

> BMS là gì? Hệ thống quản lý tòa nhà BMS

LEED là gì?

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu định nghĩa về tiêu chuẩn LEED:

LEED, viết tắt của cụm từ “Leadership in Energy and Environmental Design” (tạm dịch là “Thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường”) là một giấy chứng chỉ được cấp bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (U.S. Green Building Council), một tổ chức phi chính phủ chuyên đánh giá các công trình, tòa nhà đạt chuẩn thân thiện với môi trường.

Tiêu chuẩn LEED là một trong những chứng nhận kiến trúc xanh được công nhận rộng rãi nhất trên thế giới. Các công trình xây dựng chiếu theo chứng chỉ LEED để đặt ra các tiêu chuẩn về mức độ thân thiện với môi trường, việc tạo ra các mảng xanh trên dự án bất động sản nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng yếu tố ngân sách mà chủ thầu đã đề ra.

Chính vì sự phổ biến của nó, rất nhiều các doanh nghiệp đã lựa chọn các tòa nhà đạt chuẩn LEED để đặt trụ sở, văn phòng làm việc của mình trên thế giới. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ với nhiều tòa nhà cao ốc lớn đạt chứng chỉ này như khu văn phòng của nhà máy ATAD Đồng Nai, văn phòng Johnson & Johnson Việt Nam, tháp đôi Capitial Place…

Phân hạng tiêu chuẩn LEED

Để đạt được chứng chỉ LEED, các công trình kiến trúc phải đáp ứng tất cả các điều kiện tiên quyết và đạt được điểm tín chỉ theo từng hạng mức. Điểm tín chỉ càng cao càng cho thấy dự án bất động sản này bền vững và thân thiện với môi trường hơn những công trình khác. Cấp độ chứng nhận của chuẩn LEED thường theo các ngưỡng dưới đây:

  • Certified: 40-49 điểm
  • Silver: 50-59 điểm
  • Gold: 60-79 điểm
  • Platinum: 80+ điểm

> 25 Tiêu chi đánh giá tòa nhà & văn phòng cho thuê

Sự khác biệt của LEED và những tiêu chuẩn khác

Hiện nay, ngoài LEED, các công trình kiến trúc tại Việt Nam còn có những tiêu chuẩn kiến trúc xanh khác như Green Mark, Green Star hay LOTUS. Chúng ta hãy thử điểm qua một vài chứng nhận kiến trúc xanh này qua nội dung dưới đây:

1. LOTUS

LOTUS là hệ thống chứng chỉ kiến trúc, công trình xanh do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) và tổ chức Hội đồng Công trình xanh Thế giới (WorldGBC) cấp. Điểm đặc biệt của tiêu chuẩn này là sự tham vấn, đối chiếu và đặt tiêu chuẩn theo luật và quy định xây dựng các công trình kiến trúc tại Việt Nam.

Các nhà thầu xây dựng thường cố gắng đạt cả 2 tiêu chuẩn LEED và LOTUS trong quá trình thi công và hoàn thiện dự án của mình.

2. EDGE

EDGE là hệ thống tiêu chuẩn do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank) cấp nhằm đánh giá mức độ bền vững và thân thiện của các dự án bất động sản với môi trường.

Hiện nay, chứng chỉ EDGE được công nhận tại nhiều quốc gia trên thế giới và ở tại Việt Nam, có tất cả 13 công trình kiến trúc đạt chuẩn này (tính đến hết năm 2018, theo thống kê của Bộ Xây dựng).

3. Green Mark

Green Mark là chứng nhận được cấp bởi Cơ quan Quản lý Thi công Singapore với mục đích tăng cường nhận thức của các chủ công trình kiến trúc trong việc thi công và xây dựng các tòa nhà, dự án bất động sản bền vững và thân thiện với môi trường.

Đây được xem là một trong những tiêu chuẩn kiến trúc xanh ra đời đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á. Các quy chuẩn được đối chiếu và đánh giá theo luật và quy định của Singapore.

4. Green Star

Green Star là hệ thống tiêu chuẩn công trình xanh được đánh giá bởi Hiệp hội Công trình xanh Australia. Khác với các hệ thống chứng nhận khác, Green Star đánh giá mức độ thân thiện của các dự án bất động sản thông qua hệ thống sao từ 0 đến 6 (tương đương với mức độ từ kém thân thiện với môi trường đến rất thân thiện với môi trường).

Để đồng nhất với các hệ thống quy chuẩn khác, mỗi sao đều tương ứng với từng thang điểm số (như trên 75 điểm là đạt 6 sao theo Green Star).

Ngoài ra, trên thế giới còn áp dụng các hệ thống quy chuẩn đánh giá công trình, kiến trúc xanh khác như NatHERS, NABERS… Về cơ bản, việc đánh giá mức độ thân thiện của một dự án bất động sản là như nhau với mọi hệ quy chuẩn. Điểm khác biệt ở đây chủ yếu nằm ở cơ quan đánh giá, quốc gia mà tổ chức đánh giá đặt trụ sở và một vài quy định của nước sở tại.

Vì sự xuất hiện của nhiều quy chuẩn, nhà thầu xây dựng và chủ đầu tư nên cân nhắc lựa chọn hệ thống đánh giá phù hợp, được công nhận bởi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

Lợi ích và điểm hạn chế của tiêu chuẩn LEED

Khi xây dựng công trình theo chứng nhận LEED, chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng có thể nhận được nhiều giá trị lợi ích khác nhau, cụ thể là:

Ưu điểm của LEED

  • Chứng chỉ LEED được công nhận ở nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ. Việc dự án bất động sản đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe có thể là một yếu tố khiến các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia lựa chọn địa điểm của bạn làm nơi đặt trụ sở, văn phòng làm việc.
  • Những tòa nhà thân thiện với môi trường, đạt chuẩn quốc tế là một cách làm vô cùng hữu hiệu để quảng bá dự án với công chúng, nâng cao hình ảnh và vị thế của chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đến đối tác, khách hàng, nhà cung ứng và với công chúng.
  • Việc xây dựng dự án bất động sản đạt chuẩn LEED cũng là cách để doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của chính phủ và các tổ chức, cơ quan nhà nước về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, quy chuẩn LEED cũng tồn tại một vài hạn chế đối với nhà thầu và các chủ đầu tư:

Nhược điểm của LEED

  • Việc đáp ứng các yêu cầu, quy định để đạt chứng chỉ LEED đòi hỏi các doanh nghiệp phải bỏ nhiều chi phí trong quá trình thiết kế, thi công và bảo trì dự án bất động sản. Điều này khiến giá thuê văn phòng của các dự án bất động sản chuẩn LEED thường cao hơn so với mặt bằng chung trên thị trường.
  • Một số các quy định liên quan tới chuẩn LEED có thể không phù hợp với đặc thù tại Việt Nam. Đây là lý do mà nhiều chủ đầu tư cố gắng để dự án của mình đạt cả 2 quy chuẩn: LEED và LOTUS.

Dù tồn tại một vài điểm bất cập, xong với những lợi ích của mình, tiêu chuẩn LEED vẫn đang là một trong những hệ thống đánh giá công trình xanh phổ biến tại Việt Nam. Tính đến hết năm 2018, có 53 công trình đạt chứng chỉ LEED tại Việt Nam theo thống kê của Bộ Xây dựng.

Hệ thống tiêu chuẩn LEED

Trong phần tiếp theo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về hệ thống tiêu chuẩn LEED. Những kiến thức sau hy vọng sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết để dự án bất động sản của mình có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của quy chuẩn LEED.

Cách thức hoạt động của chứng chỉ LEED

Chứng chỉ LEED (LEED Certification) được cấu thành bởi các điều kiện tiên quyết và tín chỉ. Điều kiện tiên quyết là yếu tố bắt buộc mà bất kỳ công trình kiến trúc xanh nào cũng phải có để nhận được chứng nhận LEED. Tín chỉ là những yếu tố tùy chọn mà chủ đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn để nâng điểm số đánh giá LEED của dự án mình lên.

Mặc dù việc đưa ra các điều kiện tiên quyết và tín chỉ ở mỗi dự án kiến trúc có thể khác nhau đôi chút (tùy vào loại tòa nhà và hệ thống xếp hạng có liên quan), nhìn chung, các yếu tố đánh giá thường thấy để đạt tiêu chuẩn LEED bao gồm:

  • Địa điểm và hệ thống giao thông lân cận.
  • Cách sử dụng năng lượng.
  • Cách sử dụng tài nguyên, nguồn lực trong quá trình thi công công trình.
  • Chất lượng môi trường không gian bên trong tòa nhà.
  • Cách sắp xếp mảng xanh trong tòa nhà.

Hệ thống đánh giá LEED đã được cập nhật nhiều lần. Sau năm 2016, các công trình xây dựng phải đáp ứng các quy chuẩn được đề cập trong LEED v4.

Chứng chỉ của hệ thống đánh giá LEED

1. Các tiêu chuẩn cho tòa nhà xanh:

  • Tiêu chuẩn LEED cho công trình xây dựng mới.
  • Tiêu chuẩn LEED cho phần móng và giai đoạn thô.
  • Tiêu chuẩn LEED cho trường học,
  • Tiêu chuẩn LEED cho trung tâm thương mại (cả công trình mới và công trình cải tạo).
  • Tiêu chuẩn LEED cho bệnh viện, trung tâm y tế.

> 7 Bước sửa chữa, cải tạo tòa nhà văn phòng

2. Các tiêu chuẩn cho không gian trong tòa nhà:

  • Tiêu chuẩn LEED cho không gian bên trong tòa nhà thương mại (văn phòng, nơi cư trú…).
  • Tiêu chuẩn LEED cho không gian bên trong trung tâm thương mại.

3. Tiêu chuẩn cho các toà nhà hiện có:

  • Tiêu chuẩn LEED cho việc cải tạo và bảo trì tòa nhà.

4. Tiêu chuẩn cho khu đô thị

  • Tiêu chuẩn LEED cho việc phát triển khu đô thị.

5. Tiêu chuẩn cho nhà tư, nhà ở

  • Tiêu chuẩn LEED cho nhà ở

Một số công trình kiến trúc theo tiêu chuẩn LEED

Chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn một vài công trình kiến trúc tiêu biểu đạt chứng chỉ LEED nổi tiếng trên thế giới và tại Việt Nam.

1. Manitoba Hydro Place – Canada

Tòa nhà Manitoba Hydro Place tại Canada là một trong những tòa cao ốc văn phòng thân thiện với môi trường nhất toàn khu vực Bắc Mỹ và là công trình kiến trúc duy nhất đạt chứng chỉ Platinum của LEED tại Canada.

Tọa lạc tại Winnipeg, Canada với 22 tầng nổi cùng 2 tầng hầm, Manitoba Hydro Place với độ cao 115m (tính đến mái). Tòa tháp văn phòng này sử dụng phần mái phía nam để đặt các loại pin mặt trời, từ đó thu nhập nguồn năng lượng tái tạo để sử dụng mà không làm ảnh hưởng tới môi trường. Một nỗ lực vì môi trường khác, tòa Manitoba còn tận dụng nguyên liệu kính để thu nguồn ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài.

2. Apple Park – Hoa Kỳ

Vào năm 2016, tổ hợp văn phòng của tập đoàn Apple, Apple Park đã được nhận chứng chỉ Platinum LEED của tổ chức U.S. GBC.

Đây là kết quả của nỗ lực sử dụng 100% năng lượng tái tạo của tập đoàn Apple khi vận hành tổ hợp văn phòng của mình. Ước tính, những tấm pin mặt trời đặt trên mái của tòa văn phòng có thể sản sinh ra tới 17 megawatt, đủ để đáp ứng tới 75% nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm tại trụ sở tập đoàn.

Trong tổ hợp rộng lớn tới 71ha của Apple Park có nhiều tiện ích khác nhau như: Tiệm cafe, quảng trường, công viên, khu thể thao, bệnh viện, khu lưu niệm (bao gồm gian trưng bày và Apple Store)…

3. Tháp đôi Capital Place – Hà Nội

Là văn phòng cho thuê hạng A, Capital Place tọa lạc tại đường Liễu Giai, thành phố Hà Nội. Dự án với hơn 128.000 m2 sàn là một trong những tòa nhà chọc trời đầu tiên tại Hà Nội nhận chứng chỉ LEED Gold.

Về thông số, tòa nhà có 2 tòa tháp 37 tầng nằm chung trên khối đế cùng 3 tầng hầm. Với việc sử dụng kính là nguồn nguyên liệu chính, Capital Place có thể tiết kiệm tới 13% năng lượng điện so với các tòa nhà khác.

Ngoài ra, một vài điểm nổi bật của Capital Place gồm: Nằm ở trung tâm thành phố với cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện, xung quanh tòa nhà có nhiều tiện ích như trung tâm thương mại, nhà hàng khách sạn 5 sao, cơ quan hành chính nhà nước…

> Khám phá chi tiết tòa nhà Capital PLace

4. Deutsches Haus – TP. Hồ Chí Minh

Deutsches Haus là một trong số ít các tòa cao ốc văn phòng tại Đông Nam Á đạt chứng chỉ LEED Platinum. Nằm ở đường Lê Duẩn, một trong những con đường đẹp nhất tại TP. Hồ Chí Minh, tòa Deutsches Haus gồm 25 tầng nổi và 4 tầng hầm. Đây là nơi làm việc của nhiều cơ quan hành chính, tổ chức doanh nghiệp lớn của Việt Nam, CHLB Đức tại Sài Gòn.

Các vật liệu được sử dụng trong tòa nhà có mức độ thân thiện cao với môi trường, đảm bảo tiết kiệm năng lượng tối đa. Điều này có được là bởi đội ngũ kiến trúc sư tòa nhà đã tính toán kỹ lưỡng để công trình có thể phù hợp nhất với điều kiện khí hậu tại nước ta.

> Khám phá chi tiết tòa nhà Đức – Deutsches Haus

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về LEED cùng những tất tần tật những thông tin cần biết về tiêu chuẩn công trình, kiến trúc xanh này. Nếu bạn có những điều thắc mắc liên quan tới LEED, đừng ngại ngần mà gửi comment ở phần dưới bài viết này nhé. Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi bài viết!

> Danh sách văn phòng hạng A tại TP.HCM; văn phòng hạng A tại Hà Nội