Khoảng 50% nhà biệt thự, nhà chia lô liền kề trong các khu đô thị mới (ĐTM) trên địa bàn quận Hoàng Mai có người ở, đó là thống kê của Công an quận Hoàng Mai vào thời điểm đầu tháng 8 năm nay. Tìm hiểu trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy ở các khu đô thị nằm rải rác ở các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, huyện Từ Liêm cũng có tình trạng trên. Còn ở các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều.
Qua câu chuyện của những chiến sỹ Công an làm nhiệm vụ quản lý địa bàn có những ngôi nhà hàng chục tỷ đồng đang để hoang này, có nghìn lẻ những chuyện cười ra nước mắt.
“Mái ấm” kinh hoàng
Chiều thứ 6, ngày 15/8, chúng tôi bước vào một ngôi biệt thự để hoang ở khu X2 mở rộng, khu ĐTM Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Theo những dấu chân đã đi thành lối trên đám cỏ dại um tùm, chúng tôi đi thẳng vào trong ngôi biệt thự. Một không gian rộng, thoáng nhưng có cái gì đó bức bối.
Sự hoang vu và nhếch nhác bao trùm lên từng viên gạch mộc trên các bức tường chưa trát, trên nền đất sàn sạn dưới chân và cả những bậc cầu thang không lan can. Rác, rác đầy gầm cầu thang, vương đầy nền nhà. Kim tiêm, cái cắm mũi xuống đất, cái nằm chỏng chơ trên nền đất. Quái đản hơn là phế thải hàng ngày của con người. Nó nằm chình ình ở giữa nhà, trên các bậc cầu thang…
Nếu không vào tận nơi, không tận mắt nhìn thấy những gì đang tồn tại trong ngôi biệt thự mà dân “cò” đất truyền tai nhau giá cỡ 12, 13 tỷ đồng này, chúng tôi không thể tin. Vừa xót xa, vừa tức giận, chúng tôi tự hỏi tại sao có những người để cả một đống tiền giữa trời, để cả một mái ấm mà hàng vạn người mơ ước cho thiên hạ đến phóng uế, hút chích. Phải chăng họ thừa tiền nên không trân trọng nó?
Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Công an phường Đại Kim, quận Hoàng Mai khi nghe chúng tôi nói lại những gì mình nhìn thấy ở các ngôi biệt thự bỏ hoang đã cười hiền lành bảo: “Với Công an phường Đại Kim nói riêng và những phường có nhiều nhà để hoang trong khu ĐTM thì đó là chuyện thường. Các nhà báo có thể đi thực tế một, hai lần và cũng chỉ “chiêm ngưỡng” nó chừng ấy lần, còn với Công an phường từ CSKV đến CSHS thì sự “khám phá” không chỉ một lần và dừng lại ở việc nhìn ngó”.
Bình thường, ban ngày các chiến sỹ ở tổ CSHS sẽ làm công tác nắm tình hình, nếu phát hiện bất thường trong ngôi nhà nào đấy sẽ kiểm tra hoặc mật phục. Mà để phát hiện được sự bất thường thì các anh phải thuộc đường đi, lối lại trong chính những ngôi nhà này. Rất nhiều, rất nhiều trường hợp như thế mà anh em mất công rình rập nhưng không đem lại kết quả.
Mà đôi khi, xuất hiện đúng lúc các đối tượng đang “làm tổ” ở đây nhưng chẳng xử lý được. Họ khai là đi chơi, buồn ngủ tạt vào đây. Kiểm tra trong người có giấy tờ đầy đủ, không có vật chứng nào trong người và tại hiện trường chứng minh họ phạm tội. Rõ ràng biết mười mươi những người tử tế chẳng ai vào đây ngủ, chơi cả nhưng không đủ căn cứ nên các anh đành để họ đi với lời khuyến cáo “lần sau đừng đến đây làm ồn”.
Độ nguy hiểm do những ngôi “nhà hoang” này chưa hoàn thành có thể gây ra cho chiến sỹ Công an khi thi hành nhiệm vụ rất dễ nhìn thấy. Đó là những chiếc cầu thang không có ban công. Thường thì đối tượng không chọn tầng một làm nơi tụ tập mà phải chọn tầng hai, tum nên khi phát hiện các chiến sỹ phải lên bằng nhiều đường khác nhau. Thấy các anh xuất hiện, đối tượng thường tìm cách lẩn tránh. Để thoát thân, nhiều đối tượng sẵn sàng giằng co với chiến sỹ Công an. Điều gì sẽ xảy ra khi chẳng may người chiến sỹ bị xô đẩy rớt xuống cầu thang?
Ngay tại những khu nhà chia lô liền kề, các đối tượng chỉ cần tọt lên tum rồi đi từ mái nhà này sang mái nhà khác. Để rượt đuổi các anh phải tăng cường lực lượng án ngữ phía dưới và đuổi bắt phía trên. Vụ bắt đối tượng có biệt danh “mèo hoang” gây ra 12 vụ trộm cắp ở khu biệt thự Linh Đàm năm 2004 là một ví dụ.
Là người được phân công phụ trách 10 tổ dân phố, trong đó có 10 nhà chung cư cao tầng và gần 52 biệt thự, nhà chia lô (trong số này chỉ có 26 nhà biệt thự, chia lô có người ở), Thượng uý Trịnh Bình Nguyên, CSKV cho biết không chỉ anh mà nhiều cán bộ chiến sỹ khác ở Công an phường hiểu rõ sự nguy hiểm này. Chính vì thế, anh em luôn bảo nhau nếu xảy ra đụng độ, phải cố tránh xa khu cầu thang để đảm bảo an toàn cho mình và cả đối tượng.
Thượng uý Trịnh Bình Nguyên được giao nhiệm vụ làm CSKV địa bàn nêu trên từ năm 2006, sau khi được điều chuyển từ Đội Điều tra của Công an quận Hoàng Mai về Công an phường Đại Kim. Thời điểm này, người dân đến ở khu chung cư mới được khoảng 70-80%, còn tỷ lệ ở nhà biệt thự, nhà chia lô mới chỉ được khoảng 40%. Để làm tốt công tác quản lý nhân hộ khẩu, quản lý địa bàn, anh đã đề xuất lãnh đạo Công an phường sáp nhập 20 hộ dân ở lẻ tẻ trong các khu biệt thự thành một tổ dân phố.
Việc thành lập tổ dân phố ở khu vực này không chỉ giúp làm tốt công tác quản lý con người ở một khu dân cư mới mà còn góp phần hạn chế những vụ phạm pháp xảy ra ở những ngôi nhà chưa có người ở. Qua đây, CSKV đã tìm ra một số chủ nhân của những ngôi nhà này và đề nghị họ đặt vật cản lấp lối đi vào nhà, nhờ đó phần nào tránh được những kẻ lang thang tụ tập. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn có khoảng 70% những ngôi “nhà hoang” chưa tìm được chủ, chính vì thế biện pháp rào chắn cửa, lối vào không được thực hiện nên dẫn đến tình trạng bị nhiều đối tượng tệ nạn xã hội xâm phạm.
Nhân viên bảo vệ… bất đắc dĩ
Theo lịch phân công của Ban chỉ huy Công an phường Đại Kim, Tổ CSHS thường xuyên làm công tác trinh sát địa bàn cả ban ngày và ban đêm. Ngoài ra, tổ tuần tra của Công an phường mỗi đêm chia thành hai ca: 24h-2h và 2-4h. Còn CSKV một tuần 2 buổi tối tham gia vào tổ tuần tra, các giờ cố định trong ngày là 7h30-8h và 19h-19h30′ tiếp dân tại trụ sở Công an phường, thời gian còn lại xuống địa bàn mình phụ trách nắm tình hình. Không riêng gì phường Đại Kim, tại các phường Hoàng Liệt, Định Công, quận Hoàng Mai, chúng tôi đều thấy lịch công tác của các anh đều như vậy.
Trung tá Nguyễn Văn Tâm, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính Công an quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn quận có 8 khu đô thị mới với 74 nhà chung cư cao tầng; 1.363 nhà xây lô liền kề; 102 biệt thự (ngoài ra còn có khoảng 650 nhà biệt thự, nhà liền kề các chủ đầu tư chưa giao cho chính quyền quản lý).
Khu ĐTM ra đời đồng nghĩa với việc sẽ có một bộ phận dân cư mới đến sinh sống, học tập. Để giúp người dân ổn định cuộc sống cũng như giữ gìn ANTT là bài toán khó nhưng không thể không tìm lời giải, nhất là khi chủ đầu tư đã bàn giao các khu nhà cho chính quyền.
Thành lập tổ dân phố đầu tiên trong khu ĐTM là cả một quá trình bởi người dân đến sinh sống ở đây khá đa dạng về tỉnh, thành và không phải ngay lập tức lấp đầy cả nhà chung cư hay khu biệt thự. Thế nhưng, quán triệt tinh thần phải xây dựng cơ sở từ ban đầu, cứ 50 hộ dân đến sinh sống là Công an phường lại thành lập một tổ dân phố.
Cứ thế, khi các hộ dân đến ở nhiều hơn thì lại tách ra thành lập tổ dân phố mới. Đến nay, tại các khu ĐTM trên địa bàn quận Hoàng Mai đã thành lập 53 tổ dân phố; 14 Chi bộ; 48 tổ liên kết giữ gìn ANTT; 225 nhóm liên gia.
Công an quận Hoàng Mai cũng có hẳn kế hoạch “Tăng cường công tác quản lý nhà nước đảm bảo ANTT tại các khu đô thị mới và chung cư cao tầng” từ năm 2005 đến nay. Thực hiện kế hoạch này, Công an các phường tăng cường công tác đảm bảo ANTT tại các khu ĐTM trên địa bàn mình.
Ngoài ra, Công an quận, phường cũng giao trọng trách cho 12 CSKV trực tiếp làm công tác quản lý địa bàn tại 8 khu ĐTM. Việc làm này không những làm tăng cường trách nhiệm của Công an phường trong việc đảm bảo ANTT ở khu dân cư mà có người còn nói vui, chính các chiến sỹ Công an đã trở thành những nhân viên bảo vệ các khối tài sản bạc tỷ cho các ông chủ, bà chủ có nhà để hoang – Một công việc mà trước khi chủ đầu tư bàn giao cho chính quyền, bảo vệ của các đơn vị này phải thực hiện