Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Cà độc dược, Mạn đà la, Độc giã, Cà diên, Cà dược, Sùa tùa (H’mông), Plờn (Kho), Cà lục lược (Tày), Hìa kía piếu (Dao)
- Tên khoa học: Datura metel L., Datura fastuosa L.
- Họ: Solanaceae (Cà)
- Công dụng: Thuốc giảm cơn hen. Chữa ho (Lá hoặc hoa cuốn hút). Đau dạ dày, say sóng (Lá ngâm rượu uống từng giọt) – Thuốc độc chú ý khi dùng.
Mô tả cây Cà Độc Dược
Cây cà độc dược là cây thuộc thảo, mọc hàng năm, cao chừng 1 – 1,5m ra toàn thân hầu như nhẵn, cành non và các bộ phận non có những lông tơ ngắn.
Lá đơn, mọc cách nhưng ở gần ngọn gần như mọc đối hay mọc vòng. Phiến lá hình trứng dài 9 – 16 cm, rộng 4 – 9cm, gốc lá lệch, ngọn lá nhọn, mép lá ít khi nguyên, thường lượn sóng hoặc hơi xẻ 3 – 4 răng cưa; mặt lá lúc non có nhiều lông, sau rụng dần.
Hoa to, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, cuống hoa dài 1 – 2 cm, đài hoa hình ống có 5 gân nổi lên rõ rệt, dài 5 – 8cm, rộng 1,5 – 2 cm. Khi hoa héo, một phần còn lại trưởng thành với quả giống hình cái mâm. Tràng to, hình phễu có màu trắng hoặc tím.
Ở loài Datura metel L. forma violacea quả hình cầu, mặt ngoài có gai, đường kính tầm 3cm. Quả non màu xanh, khi chín màu nâu. Khi già nứt theo 3-4 đường hoặc nứt lung tung phía trên.
Hạt nhiều, hình trứng, dẹt, màu vàng hoặc đen từ đường kính 3-5mm, dày 1mm.
Căn cứ vào màu sắc của hoa và thân cây người ta chia ra nhiều dạng cà độc dược. Ở nước ta hiện nay có ba dạng cây cà độc dược:
- Cà độc dược hoa trắng thân xanh: Datura metel L. forma alba.
- Cà độc dược hoa đốm tím, thân, cành tím: Datura metel L. forma violacea.
- Cà độc dược lai từ 2 loại trên.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Cà độc dược là loài thực vật có nguồn gốc từ 2 quốc gia Nam Mỹ là Peru và Mexico. Loại cây này dần được du nhập về thị trường Việt Nam, thường mọc hoang ở những nơi đất hoang, đất mùn, hơi ẩm, xuất hiện nhiều nhất ở khu vực thuộc các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Thu hái lá vào lúc cây sắp và đang ra hoa (tháng 5 – 6 đến hết tháng 9, 10). Hoa hái vào các tháng 8, 9, 10. Hạt lấy ở những quả chín ngả màu nâu. Sau khi thu hoạch, cả hoa, lá và hạt đều sẽ được đem đi phơi hoặc sấy nhẹ. Sau khi sơ chế, thảo dược sẽ được bảo quản ở những nơi khô thoáng, tránh nước và ẩm ướt.
Sau khi phơi, sấy khô tán thành bột, có thể chế cao lỏng hay dạng cồn, có khi làm thuốc thang sắc uống.
Bộ phận sử dụng của Cà Độc Dược
Đối với cây cà độc dược, không phải bộ phận nào trên cây cũng có thể sử dụng để làm thuốc. Cụ thể, chỉ có lá (Folium Daturae metelis) và hoa (Flos Daturae metelis) là hai yếu tố được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh trong Đông y. Ngoài ra còn dùng hạt (Semen Daturae metelis) nhưng ít phổ biến hơn.
Thành phần hóa học
Trong lá, hoa, hạt và rễ cà độc dược có chứa chất hyoscin hay scopolamine. Ngoài ra còn có hyoscyamine và atropin.
Tỷ lệ các alkaloid trên thay đổi tùy theo bộ phận và tùy theo thời kỳ thu hái. Thường trong lá là 0,10 – 0,50%, có khi tới 0,60 – 0,70%; trong rễ 0,10 – 0,20%, trong hạt 0,10 – 0,50%, trong quả 0,12% và trong hoa 0,25 – 0,60%. Trong lá và hoa chứa nồng độ 2 chất trên với tỉ lệ nhiều nhất và có thể thu hoạch nhiều lần, trong thời gian dài. Vì vậy người ta chỉ sử dụng lá và hoa để làm thuốc.
Hàm lượng alkaloid thay đổi tuỳ theo thời kỳ sinh trưởng của cây và cách trồng trọt chăm sóc, thường cao nhất vào lúc cây ra hoa. Khi quả chín các alkaloid di chuyển từ vỏ quả vào trong hạt. Việc bón phân đạm đã làm tăng hàm lượng alkaloid toàn phần. Nếu tỉa bớt cành hoặc cắt ngọn lượng alkaloid sẽ giảm.
Bên cạnh đó, trong cà độc dược còn có thêm một số thành phần khác bao gồm: flavonoid, saponin, coumarin, tanin nhưng với lượng không đáng kể.
Tác dụng của Cà Độc Dược
Tính theo vị đông y: cà độc dược có vị cay, tính ôn và có độc. Một số công dụng nổi bật mà loại thảo dược này mang lại có thể kể đến như:
- Chữa hen suyễn, hen phế quản.
- Chữa bệnh viêm xoang.
- Chữa bệnh đau nhức xương, phong thấp.
- Điều trị chứng co thắt dạ dày ruột.
- Chữa đau thần kinh tọa, động kinh.
- Điều trị nôn mửa.
- Trị mụn nhọt và sưng đau.
Theo y học hiện đại: Tác dụng của cà độc dược là tác dụng của hyoscin và của atropin:
- Atropin làm cơ vòng của mắt dãn ra, nên đồng tử giãn. Nhãn cầu dẹt lại, áp lực mắt tăng lên. Sự tiết nước bọt, mồ hôi, dịch vị, dịch ruột ngừng lại.
- Làm nở khí đạo khi khí đạo bị co thắt và phó giao cảm bị kích thích. Lúc bình thường, atropin không tác dụng. Ít tác động trên nhu động ruột và co thắt ruột.
- Liều độc của atropin có thể ức chế, tê liệt thần kinh trung ương.
- Tác dụng của hyoscin gần giống atropin, nhưng làm giãn đồng tử trong thời gian ngắn hơn.
- Liều độc của hyoscin ức chế thần kinh trung ương.
- Vì vậy hyoscin được dùng ở khoa thần kinh để chữa cơn co giật của bệnh Parkinson, phối hợp với atropin để chống say phi cơ hoặc tàu thủy, làm thuốc dịu thần kinh.
- Cà độc dược khi được khảo sát về hiệu lực, hoạt động tiêu diệt nấm Aspergillus kém hơn amphotericin B. 9,2 lần. Tuy nhiên, điều quan trọng là độc tính tế bào của Cà độc dược thấp hơn amphotericin B. 117,8 lần.
Các tác dụng khác:
- Ngoài các tác dụng kể trên, Cà độc dược được ứng dụng nhiều trong nông nghiệp như: thuốc trừ sâu sinh học, thuốc kháng nấm trên cây, thuốc diệt nhện rệp, diệt mối…
- Cà độc dược còn có tác dụng đuổi muỗi và côn trùng: muỗi vằn gây sốt xuất huyết Aedes aegypti, muỗi trung gian truyền bệnh sốt rét Anopheles stephensi và muỗi gây viêm não Nhật Bản Culex quinquefasciatus.
Lưu ý khi sử dụng Cà Độc Dược
Cà độc dược tuy có tác dụng chữa được rất nhiều căn bệnh nhưng vì có hàm lượng độc tính cao, nếu không sử dụng đúng cách sẽ làm nguy hại đến tính mạng. Khi sử dụng cà độc dược, người bệnh có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:
- Bị khô miệng.
- Bị sốt.
- Bị bí tiểu.
- Thường xuyên đổ nhiều mồ hôi.
- Tình trạng co thắt.
- Làn da bị khô và ửng đỏ.
- Nhịp tim đập nhanh hơn.
- Có thể gây ra tình trạng ảo giác.
- Bị hôn mê khi sử dụng quá liều.
- Thị lực trở nên mờ hơn.
Cây cà độc dược có độc, được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A. Chính vì vậy tuyệt đối không nên sử dụng cho những người có thể lực yếu như:
- Người bệnh tim mạch: Tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành.
- Người bệnh nhãn khoa: Tăng nhãn áp.
- Người bệnh tiêu hóa: Táo bón, tắc ruột, nhiễm trùng tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng.
- Phụ nữ có thai, cho con bú.
Cây có độc khi sử dụng với liều lượng cao không đúng sẽ xuất hiện có những biểu hiện ngộ độc phải dừng ngay lập tức. Do đó trước khi sử dụng cây cà độc dược phải hỏi ý kiến của những người thuộc chuyên ngành Đông Y hoặc bác sĩ y học cổ truyền.
Cà độc dược đã bắt đầu được nghiên cứu ứng dụng vào y học hiện đại trong sản xuất thuốc. Sản phẩm từ cà độc dược trên thị trường hiện nay phải kể đến Thuốc Bình Vị Nam, sản phẩm lưu hành nội bộ thuộc Viện Quân Y 354 với công dụng điều trị các vấn đề về tiêu hóa đặc biệt là viêm loét dạ dày, dự phòng chảy máu dạ dày và dự phòng tái phát.