Màng trinh có phải là tiêu chuẩn để đánh giá trinh tiết?
Màng trinh không bao phủ toàn bộ cửa âm đạo như nhiều người vẫn nghĩ. Màng trinh bình thường sẽ có hình khuyên (với lỗ ở giữa) hoặc hình trăng khuyết (lớp màng chỉ bao phủ phần dưới cửa âm đạo và chừa một lỗ ở trên). Điều này cho phép máu kinh nguyệt thoát ra ngoài và bạn cũng dễ dàng đưa tampon (băng vệ sinh dạng que) hoặc cốc nguyệt san vào âm đạo.
Hơn nữa, màng trinh rất mềm, thường bị mỏng đi và mất tính đàn hồi theo thời gian. Vì vậy, lớp màng này thường dễ bị rách bởi các hoạt động hàng ngày (đạp xe, dùng tampon, cốc nguyệt san…), chứ không nhất thiết là bị rách do quan hệ tình dục. Chưa kể đến trường hợp một số phụ nữ bẩm sinh không có màng trinh hoặc có rất ít lớp mô này. Chính vì lẽ đó mà theo quan niệm xưa, việc dùng màng trinh là tiêu chuẩn để đánh giá trinh tiết sẽ không hoàn toàn đúng trong nhiều trường hợp.
Điều gì xảy ra khi màng trinh của phụ nữ bị rách?
Một số người cảm nhận được khi màng trinh của họ bị rách, trong khi những người khác thì không. Giống như các mô khác trong cơ thể, màng trinh của bạn linh hoạt và có thể căng ra. Nó thường không rách ngay lần đầu tiên được ấn vào. Đúng hơn, nó bị hỏng do bị mài mòn.
Một số người cảm thấy đau hoặc chảy máu nhẹ khi màng trinh của họ bị rách, nhưng hầu hết sẽ không cảm thấy gì. Vì màng trinh là một mảnh mô mềm, mỏng dần theo thời gian từ các hoạt động hàng ngày.
Màng trinh có thể tự lành sau khi bị rách không? Không, màng trinh không trở lại sau khi nó bị rách.
>> Đọc ngay: Những sự thật không ngờ về màng trinh
Các loại màng trinh và một số dị tật màng trinh bạn cần biết
Có nhiều loại màng trinh khác nhau, phân loại dựa trên những hình dạng màng trinh đã được hình thành từ khi bạn còn trong bụng mẹ. Bên cạnh màng trinh bình thường thì cũng có những màng trinh bị dị tật. Sau đây là thông tin chi tiết về 5 loại màng trinh mà bạn có thể quan tâm:
Màng trinh bình thường (Annular or crescent-shaped hymen)
Màng trinh hình khuyên với lỗ ở giữa đủ lớn hoặc hình trăng khuyết với lỗ phía trên là những dạng màng trinh phổ biến và bình thường. Khi mới chào đời, màng trinh của bạn thường là lớp mỏng có hình khuyên. Theo thời gian, màng trinh sẽ thay đổi và có hình trăng khuyết hoặc còn được mô tả là hình lưỡi liềm.
Màng trinh dạng sàng (Cribriform hymen)
Màng trinh dạng sàng nghĩa là lớp màng trinh này sẽ bao phủ toàn bộ cửa âm đạo của bạn. Đồng thời sẽ có nhiều lỗ nhỏ trên đó để kinh nguyệt thoát ra ngoài. Tuy nhiên, bạn không thể đưa tampon hoặc cốc nguyệt san vào âm đạo dễ dàng nếu có màng trinh dạng sàng.
Màng trinh không thủng (Imperforate hymen)
Màng trinh không thủng đồng nghĩa rằng lớp màng trinh sẽ phủ kín toàn bộ cửa âm đạo. Điều này khiến cho máu kinh nguyệt không thể thoát ra ngoài. Thay vào đó, lượng máu này sẽ bị ứ lại ở bên trong âm đạo. Tình trạng ứ đọng máu kinh ở âm đạo gây đau bụng, đau lưng, khó đi tiểu hoặc đau khi đi tiêu. Tuy nhiên, đây là dị tật màng trinh rất hiếm, chỉ xảy ra ở khoảng 1/1.000 bé gái.
Màng trinh có lỗ thủng nhỏ (Microperforate hymen)
Đây là dạng màng trinh với lớp màng bao phủ toàn bộ cửa âm đạo ngoại trừ một lỗ nhỏ. Máu kinh nguyệt có thể chảy ra từ lỗ đó. Thế nhưng, nếu muốn sử dụng tampon hoặc cốc kinh nguyệt, bạn có thể gặp khó khăn khi đưa các loại băng vệ sinh này vào trong.
Màng trinh có vách ngăn (Septate hymen)
Đây là lớp màng trinh có hai lỗ nhỏ và được ngăn cách bởi một lớp mô thừa ở giữa. Nếu mắc dị tật này ở màng trinh, bạn sẽ gặp khó khăn khi đưa tampon vào hoặc lấy ra. Phương pháp xử lý màng trinh có vách ngăn là tiến hành tiểu phẫu để loại bỏ dải mô thừa và giúp cửa âm đạo có kích thước bình thường.
Làm thế nào để biết màng trinh của bạn có bình thường hay không?
Nếu màng trinh của bạn có vấn đề, điều này thường dễ phát hiện khi đến tuổi dậy thì. Hầu hết các loại dị tật màng trinh đều khiến bạn khó đưa tampon vào hoặc lấy ra khi “tới tháng”. Trong một số trường hợp hiếm hơn, bạn có thể không thấy kinh nguyệt xuất hiện do màng trinh bao phủ kín cửa âm đạo làm cho máu kinh không thoát ra ngoài.
Nếu nghi ngờ màng trinh không bình thường, bạn nên sớm đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp xử lý phù hợp.
Những hoạt động nào có thể khiến màng trinh bị rách?
Khi đã nhận biết được màng trinh nằm ở vị trí nào cũng như tính chất của màng trinh ra sao, chắc hẳn bạn sẽ hiểu việc quan hệ tình dục qua đường âm đạo không phải là hoạt động duy nhất gây rách màng trinh.
Một số người có thể nhận biết được màng trinh bị rách nhờ những dấu hiệu như chảy một chút máu, đau hoặc khó chịu ở vùng kín. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể không nhận ra màng trinh còn nguyên vẹn hay không. Trên thực tế, màng trinh của bạn vẫn có thể bị rách trước khi “yêu” bởi một số hoạt động như:
- Đi xe đạp
- Tập thể dục dụng cụ
- Cưỡi ngựa
- Tham gia các hoạt động leo trèo
- Vận động mạnh
- Thủ dâm
- Sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san khi có kinh
- Khám phụ khoa, chẳng hạn như làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung.
Nhìn chung, bất cứ tác động mạnh nào đến vùng âm đạo đều có thể khiến màng trinh bị rách. Đừng quá ngạc nhiên khi chính bạn cũng không nhận ra mình bị rách màng trinh khi nào. Bởi vì hình dạng và kích thước màng trinh của mỗi người là khác nhau. Không phải ai cũng bị chảy máu, đau hoặc rách màng trinh khi quan hệ lần đầu tiên.
Chủ đề liên quan đến màng trinh và âm đạo
- 5 lý do khiến quan hệ lần đầu không ra máu: Đừng vội nghĩ về trinh tiết!
- 9 nguyên nhân gây đau rát vùng kín, rát âm đạo và cách khắc phục
- 9 nguyên nhân khiến bạn bị sưng âm đạo và cách điều trị
- Thuốc đặt âm đạo: Công dụng và hướng dẫn cách dùng
Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về màng trinh. Giờ thì bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc: “Màng trinh nằm ở đâu trong bộ phận sinh dục nữ?” Tóm lại, màng trinh là một mảnh mô mỏng ở cửa âm đạo. Màng trinh của mỗi người là khác nhau. Một số người bị chảy máu và đau đớn, trong khi những người khác thì không.