SpO2 được coi là một trong các chỉ số quan trọng để xác định dấu hiệu sinh tồn của cơ thể con người. Đặc biệt trong thời gian gần đây khi cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19, người ta đề cập tới chỉ số này rất nhiều. Để hiểu rõ hơn SpO2 là gì, hay cùng chúng tôi phân tích thông qua bài viết sau đây.
19/08/2021 | Xử trí đúng cách và chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp14/05/2021 | Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: triệu chứng và cách phòng ngừa14/05/2021 | Bác sĩ chỉ ra các yếu tố gây viêm đường hô hấp dưới
1. SpO2 là gì? Tầm quan trọng của SpO2
Tên đầy đủ của chỉ số SpO2 là cụm từ Saturation of peripheral oxygen, dịch ra có nghĩa là độ bão hoà oxy trong máu ngoại vi. Hiện tượng này có thể được giải thích như sau: Hemoglobin (viết tắt là Hb) là một thành phần quan trọng của máu. Khi các phân tử Hb trong máu liên kết với các phân tử oxy sẽ tạo thành HbO2 giúp cho máu có thể đưa oxy đi nuôi dưỡng tất cả các cơ quan trong cơ thể.
HbO2 giúp thúc đẩy quá trình máu đưa oxy đi nuôi dưỡng cơ thể
Mỗi phân tử Hb có 4 nguyên tử sắt, chính các nguyên tử sắt này sẽ liên kết với 4 phân tử oxy và tạo ra liên kết HbO2. Hiện tượng bão hoà oxy trong máu tức là khi có đủ 4 phân tử oxy gắn vào Hb, và hiện tượng này được gọi tắt với cái tên SpO2. Chỉ số SpO2 chính là thước đo lượng oxy đang được vận chuyển bởi các tế bào hồng cầu và duy trì sự cân bằng SpO2 trong máu có ý nghĩa sống còn đối với sức khỏe con người. Do đó, cần phải theo dõi chặt chẽ chỉ số này để có thể phát hiện nhanh chóng ra những bất thường khi có sự thiếu hụt oxy trong máu, từ đó giúp xử lý và điều trị cho bệnh nhân một cách kịp thời, tránh biến cố đáng tiếc xảy ra.
2. Khi nào cần đo và theo dõi chỉ số SpO2?
-
Khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật.
-
Trẻ sơ sinh bị đẻ non, bị suy hô hấp.
-
Người bị suy tim, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, cấp cứu ngừng tuần hoàn, truỵ mạch, sốc, tụt huyết áp.
-
Người mắc bệnh nặng, cần phải hồi sức như nhược cơ, đột quỵ não, chấn thương tuỷ cổ có kèm theo liệt cơ hô hấp.
-
Đo chỉ số SpO2 nhằm chẩn đoán bệnh hoặc đánh giá hiệu quả điều trị.
3. Cách theo dõi chỉ số SpO2
-
Nhằm có được số đo chính xác, cần theo dõi chính xác sóng SpO2 theo nhịp đập của mạch.
-
Theo dõi chặt chẽ, liên tục để cảnh giác các báo động xảy ra để xử trí kịp thời khi SpO2 xuống thấp.
Các chú ý khi đo chỉ số SpO2:
-
Nếu bệnh nhân dùng máy đo dài ngày thì cần phải lưu ý vì có thể bị tổn thương ở ngón tay dùng để đo, hoặc khi đầu dò kẹp tay quá chặt.
-
Nếu bệnh nhân có SpO2 quá thấp, cần phải quan sát những biểu hiện lâm sàng để cấp cứu kịp thời.
-
Giá trị SpO2 cũng có thể không chính xác nếu bệnh nhân bị tụt huyết áp hoặc co mạch khiến dòng máu và độ nảy ở tiểu động mạch bị giảm.
-
Trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO thì ngoài việc đo SpO2 cần phải thực hiện xét nghiệm khí máu động mạch để đánh giá chính xác độ bão hoà oxy trong máu.
4. Ý nghĩa của chỉ số Spo2 đối với bệnh nhân Covid-19
Cũng giống như các trường hợp khác, máy đo SpO2 giúp sớm phát hiện ra tình trạng thiếu hụt oxy trong máu ở bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhằm cấp cứu kịp thời trong trường hợp bệnh nhân trở nặng trước khi có dấu hiệu lâm sàng như tím tái.
Thiết bị đo chỉ số SpO2 khá phổ biến, tiện lợi, các gia đình hoàn toàn có thể tự trang bị được và máy dễ sử dụng cho bất kỳ bệnh nhân nào gặp tình trạng hạ oxy máu như bị hen phế quản, viêm phổi do vi khuẩn, hội chứng ngưng thở khi ngủ, hoặc viêm phổi do Covid-19.
Máy đo SpO2 có tác dụng hỗ trợ theo dõi sức khỏe ngay cả khi bệnh nhân điều trị bệnh tại nhà
Nguyên lý hoạt động của máy đo SpO2:
-
Kẹp máy đo vào đầu 1 ngón tay, giữ nguyên vị trí không được cử động.
-
Ánh sáng hồng ngoại sẽ được phát ra từ đầu dò của máy, ánh sáng này có thể đi xuyên qua mô có các mao mạch nhỏ chứa hồng cầu.
-
Hồng cầu sẽ hấp thu một phần ánh sáng hồng ngoại. Máy sẽ tính ra được số lượng hồng cầu chứa oxy từ lượng ánh sáng còn lại chưa bị hồng cầu hấp thu.
-
Chỉ số SpO2 được hiển thị theo tỷ lệ % trên máy đo (giới hạn từ 0 – 100%):
-
SpO2 ≥ 97%: bình thường, tình trạng bão hoà oxy trong máu ở mức ổn.
-
SpO2 từ 92 – 97%: người bệnh cần đặc biệt lưu ý và theo dõi tình trạng sức khỏe tại nhà.
-
SpO2 < 92%: đây là lúc bệnh nhân gặp hiện tượng thiếu oxy trong máu một cách nghiêm trọng, gây nên các triệu chứng như tím tái ở ngón tay, ở môi, bệnh diễn tiến nặng,… Khi đó cần hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân, thở oxy bằng thiết bị chuyên dụng. Nếu đã được hỗ trợ thở oxy lưu lượng từ 5 – 10 lít/phút nhưng SpO2 không thể đạt > 92% thì bệnh nhân có nguy cơ cao bị suy hô hấp, cần nhập viện cấp cứu để can thiệp sâu hơn.
Theo dõi chỉ số SpO2 ở bệnh nhân Covid-19:
Ở nước ta, cụ thể là tại TP. HCM trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, từ ngày 13/7/2021 thành phố đã bắt đầu triển khai thí điểm việc rút ngắn thời gian điều trị đối với các F0 không biểu hiện triệu chứng lâm sàng (như sốt, ho, khó thở, đau họng,…). Bệnh nhân cần tự theo dõi và chăm sóc sức khỏe tại nhà, tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, bao gồm:
-
Tự giác cách ly bản thân với người nhà theo quy định.
-
Đo thân nhiệt 2 lần/ngày.
-
Sử dụng phần mềm khai báo điện tử để khai báo các triệu chứng.
-
Tự theo dõi chỉ số SpO2 tại nhà. Đây là một biện pháp an toàn, cần thiết và hiệu quả khi bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà khi không có sự hỗ trợ trực tiếp từ nhân viên y tế.
Khi điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân có thể được thở máy không xâm lấn, nếu chỉ số SpO2 vẫn không được cải thiện, mạch đập chậm (< 60 lần/phút), có nguy cơ bị ngưng tim,… thì bác sĩ sẽ cần phải đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân thở máy có xâm lấn.
Hiện nay máy đo SpO2 được nhiều hãng khác nhau sản xuất với mức giá đa dạng. Những loại máy cầm tay tiện sử dụng tại nhà có giá dao động trong khoảng 800.000 – 5 triệu đồng. Còn tại các cơ sở y tế dùng máy chuyên dụng có thể được tích hợp trong máy Monitor theo dõi cả điện tim và SpO2, huyết áp cùng lúc.
Nhận thấy tác dụng của máy đo SpO2, nhiều người đã tìm mua sản phẩm này gây nên tình trạng “cháy hàng”, đồng thời đẩy giá thành của máy đo lên cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi TP. HCM bùng phát mạnh dịch Covid-19. Tuy nhiên việc đổ xô đi mua máy đo SpO2 thực sự không cần thiết, bởi vì trừ những người đang mắc các bệnh mạn tính, phải điều trị tại nhà đồng thời bắt buộc phải theo dõi sức khỏe bằng máy SpO2 thì việc “săn lùng” máy đo SpO2 sẽ gây lãng phí không đáng có, bệnh nhân cần sử dụng lại không có máy để dùng.
Chính vì thế, điều đầu tiên để bảo vệ bản thân và gia đình trước đại dịch đó là mỗi người dân cần tuân thủ quy định của Chính phủ, chấp hành nghiêm các Chỉ thị, hạn chế việc ra khỏi nhà khi không có nhu cầu thiết yếu. Nếu không mắc bệnh, không đang phải điều trị bệnh thì không cần dùng máy.
Thay vì lo sợ bị suy hô hấp trước dịch Covid-19 bằng cách tích trữ máy đo SpO2, mỗi người hãy tự ý thức bảo vệ mình theo hướng dẫn của Chính phủ
Bên cạnh đó, mọi người cũng cần hết sức lưu ý đó là ngoài những tác dụng của máy đo SpO2, cũng tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm nếu máy không hiển thị đúng chỉ số phản ánh chính xác thực trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nhiều trường hợp có thể hoảng hốt, lo lắng quá độ mà tự áp dụng những biện pháp cấp cứu sai. Một điều quan trọng hơn đó là đối với các bệnh nhân mắc Covid-19 thì không thể đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe chỉ qua chỉ số SpO2.
Như vậy bài viết đã giải thích chỉ số SpO2 là gì và những lưu ý xung quanh chỉ số này. Ngoài ra, quý bạn đọc nếu còn nhiều lo ngại đối với các vấn đề về sức khỏe khác của bản thân và gia đình, có thể trực tiếp liên hệ tới hotline 1900565656, tổng đài của MEDLATEC luôn sẵn sàng giải đáp các câu hỏi của quý bạn đọc.