Chính sách xây dựng kinh tế mới đã chuyển một khối lượng lớn dân cư từ các vùng đồng bằng và thành phố tới các vùng trung du, miền núi, biên giới, hải đảo.
Nhớ thời lán lá phát cây dựng làng
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9 năm 1960) về phát triển nông nghiệp miền núi với quyết tâm: “Làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc đa số”, giai đoạn 1961-1965, các địa phương của tỉnh Thái Nguyên đã chào đón hàng chục nghìn hộ gia đình từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam… lên xây dựng phát triển kinh tế – văn hóa ở miền núi.
“Lão làng” Song Thái là cụ Đoàn Viết Điệt, năm nay 102 tuổi, sôi nổi nhớ về những ngày cả làng, cả xã háo hức rủ nhau đăng ký xung phong đi xây dựng quê hương mới ở vùng chiến khu kháng chiến Thái Nguyên.
Ấy là vào đầu năm 1965, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ phát động nhân dân đồng bằng đi xây dựng vùng kinh tế văn hóa miền núi. Cán bộ và nhân dân thuộc 8 thôn của 4 xã: Vũ Nghĩa, Vũ Lạc, Vũ Tiến, Vũ Phong (huyện Vũ Tiên, nay là Vũ Thư và Kiến Xương), gồm 53 hộ, 300 nhân khẩu từ biệt nơi chôn nhau cắt rốn để lên đường. Đoàn đã được chính quyền và nhân dân xã Điềm Mặc (huyện Định Hóa) tiếp đón nồng hậu và cho ở nhờ nhà trong thời gian đầu để ổn định cuộc sống.
Nằm tại trung tâm Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Điềm Mặc là nơi đóng trụ sở của hàng loạt cơ quan Trung ương. Trong những năm kháng chiến đầy gian khổ hy sinh ấy, nhân dân Định Hóa nói chung và nhân dân Điềm Mặc nói riêng đã hết lòng bảo vệ An toàn khu Trung ương, chở che cho cán bộ cách mạng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.
Chính vì lẽ đó, các gia đình tham gia đoàn vô cùng phấn khởi và tự hào, mặc dù biết sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thực tế diễn ra đúng như vậy, ngày đầu mới lập nghiệp gian khổ không kể đâu cho hết, mặc dù đã được bà con địa phương hết lòng chia sẻ, bao bọc. Khu vực khai hoang là rừng núi ấm u rập rạp ở Bản Lùng. Mất cả tháng trời mở lối, chặt cây, dựng cột, mở rộng con đường mòn từ các xóm tới bản để có lối đi lại, các hộ khai hoang dựng nhà bằng tranh nứa để chuyển tới ở. Bà con nhất trí lấy tên làng là Song Thái với ý nghĩa ngôi làng của tình đoàn kết, gắn bó giữa quê cha đất tổ Thái Bình và quê mới Thái Nguyên.
Ông Đoàn Viết Hưởng, con trai của cụ Điệt, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc tự hào, khi theo cha lên đây, tôi mới được 10 tuổi, được theo cha mẹ đi phát bãi, trồng ngô, đậu. Phải nói thật lòng là các cụ phải vững chí bền gan lắm mới trụ lại được. Cuộc sống đồng bằng dẫu gì cũng đã ổn định từ nhiều đời, đông đúc quây quần, lên miền núi chỉ thấy có cây cối, rừng thiêng nước độc rắn rết, cái gì cũng thiếu. Cùng với nỗi nhớ quê đến cháy lòng thì trận gió lốc ập tới quét đổ toàn bộ những căn nhà mới dựng khiến không ít gia đình nản lòng muốn quay trở về quê cũ. Song, được sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền và đồng bào, mọi người đã chung tay dựng xây cuộc sống mới.
Chỉ với những phương tiện sản xuất thô sơ như dao, cuốc, xẻng cùng với đức tính cần cù chịu khó của người Thái Bình, trong vòng 3 năm, dân làng đã khai phá trên 20 ha rừng giang, nứa để trồng những đồi chè xanh biếc. Đến năm 1975, diện tích chè thu hái là 35 ha, sản lượng đạt 4 tấn/ha, mỗi năm nộp nghĩa vụ cho nhà nước 100 tấn búp tươi. Cho đến nay, Song Thái vẫn dẫn đầu về cây chè của xã Điềm Mặc và của huyện Định Hóa, năng suất trên 11 tấn/ha.
Ông Đoàn Viết Hưởng cho hay, Song Thái luôn là lá cờ đầu trong 26 HTX khai hoang của huyện Định Hóa và HTX tiên tiến toàn tỉnh, được Chính phủ, UBND tỉnh, huyện tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Từ 53 hộ với 300 nhân khẩu ban đầu, hiện Song Thái có trên 180 hộ với hơn 600 khẩu, được chia thành 3 xóm Song Thái 1, Song Thái 2, Song Thái 3.
Vẫn đi đầu cách làm ăn mới
Năm 2017, hai xóm Song Thái 1 và Song Thái 2 được UBND tỉnh công nhận “Làng nghề chè truyền thống”. Đây là thành quả của hơn 50 năm người dân Song Thái khai khẩn trồng chè. Ngay từ khi bắt đầu trồng chè, người dân đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, nhiều diện tích chè tuổi thọ đã hơn nửa thế kỷ vẫn phát triển tốt, cho năng suất cao. Nhờ chè, các hộ dân sớm có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang, mua được nhiều vật dụng đắt tiền.
Những năm gần đây, dân trong xóm đã mua thêm được nhiều diện tích ruộng và vườn tạp của bà con lân cận để cải tạo trồng các giống chè cao sản cho thu nhập cao. Được sinh ra, lớn lên trên quê hương thứ hai, anh Phạm Khánh Nam, 41 tuổi, thực sự gắn bó với nghề làm chè ở Song Thái. Hiện, vợ chồng anh có gần 2 mẫu chè, giống PH1 và TRI777, mỗi năm thu hái 5 lứa chính và 2 lứa phụ, mỗi lứa từ 2-4 tạ, giá bán bình quân từ 120 – 150 nghìn đồng/kg, chè xuân lên tới 200 nghìn đồng/kg.
Anh cũng vừa được nhà nước hỗ trợ ống trị giá gần 30 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tự động trên diện tích chè sản xuất theo hướng an toàn. Với việc được công nhận làng nghề và chất lượng tốt, chè Song Thái sớm có thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường.
Ông Vi Văn Thư, nguyên Bí thư Huyện ủy Định Hóa, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên, từng rất tâm huyết, quan tâm sâu sắc đến khu vực các xóm xã có bà con làm kinh tế mới, chia sẻ, đối với các xã rất khó khăn trước đây của huyện Định Hóa, bà con dưới xuôi đã có công rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội.
Bà con không chỉ đóng góp sức lao động để khai phá đất đai, làm ra của cải vật chất mà còn luôn là nòng cốt trong các phong trào xây dựng quê hương mới trước đây và NTM hiện nay. Cách sinh hoạt văn minh cũng như cách tổ chức, quản lý sản xuất khoa học, hiệu quả đã ảnh hưởng đến đồng bào ở địa phương rất nhiều. Nếp sống cũng được thay đổi, cứ nơi đâu có bà con dưới xuôi lên khai hoang là có phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao rất mạnh.
Mặc dù xa quê đã hơn nửa thế kỷ, đến nay nhân dân Song Thái vẫn cơ bản giữ được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bằng Bắc bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đến tình làng nghĩa xóm. Những nét đẹp đó kết hợp với sự chất phác, hồn hậu, thật thà của người dân ATK đã tạo thành mối quan hệ khăng khít, bền chặt, đoàn kết, gắn bó như thể anh em ruột thịt. Sự giao thoa, đan xen văn hóa giữa các vùng miền đã làm nên nét đặc sắc, quyến rũ của ATK Định Hóa hôm nay.