Kỳ trước: GIÁ TRỊ CỦA TỰ DO
Trong hồi trước chúng ta đã biết khi lỡ sống trong cuộc đời này, chúng ta nỗ lực cố gắng để tìm sự tự do, cái mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được, do đó chẳng có phút giây nào chúng ta vừa ý cả.
Bên cạnh đó, chúng ta được đặt trong cái xã hội. Cái xã hội này lại có một cái gọi là “quan hệ hữu cơ”.
Xin đừng lầm tưởng “quan hệ hữu cơ” với “liên kết hóa học hữa cơ”. Quan hệ hữu cơ không phải là liên kết đơn, liên kết đôi, liên kết tay ba, tay tư hay liên kết mạch vòng benzene. Quan hệ hữu cơ chỉ đơn thuần là quan hệ giữa các cá thể hữu cơ trong một môi trường đồng sinh cộng tử, xin lỗi, môi trường cộng sinh.
Nói thì có vẽ khó hiểu, nhưng ví dụ này sẽ dễ hiểu hơn:
Ngày xưa, trong một khu rừng nọ, có một loài chim trĩ rất quý. Để bảo vệ loài này người ta tìm diệt kẻ thù số một của chúng là những con đại bàng. Nhưng sau một thời gian hạn chế số lượng đại bàng, người ta thấy số lượng chim trĩ không những không tăng mà còn giảm đáng kể. Khi đó người ta mới phát hiện ra rằng do chim đại bàng chỉ bắt ăn thịt được những con chim trĩ bị bệnh, mà bệnh của loài này thì lại truyền nhiễm. Do đó khi hạn chế số lượng đại bàng thì vô tình chung đã làm tăng số lượng chim trĩ bị bệnh dẫn đến việc suy giảm số lượng của loài này. Sự quan hệ giữa đại bàng và chim trĩ chính là quan hệ hữu cơ.
(Source: Thầy S.) [bài này học năm lớp 12 mà tới giờ vẫn thuộc, ghê chưa?!]
Qua ví dụ trên chúng ta thấy rằng trong thế giới của những quan hệ hữu cơ, đôi khi lý trý và học thuật trở nên quá bé nhỏ. Thật không may, mỗi cá thể “con người” chúng ta bao giờ cũng được đặt trong cái mối quan hệ hữu cơ đó. Vậy mối quan hệ hữu cơ đó ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta như thế nào?
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao thằng Tèo con bà Hai bỏ nhà đi bụi? Tại sao con chị Tám thích đua xe để làm buồn lòng cha mẹ? Tại sao các anh chị nhà bác Ba không ưa cô em dâu mới? Tại sao thím Sáu cứ hay đi nói xấu thím Bảy? Tại sao anh em nhà chú Năm cứ kiếm chuyện đánh lộn? Tại sao hai người yêu nhau mà không cưới được nhau? Tại sao cái áo Bà Ba mà bà Tư bả mặc (?).
Đó chính là biểu hiện của quan hệ hữu cơ. Mà quan hệ hữu cơ có bản chất là… vô cùng phức tạp. Nó làm cho cuộc sống này bị xáo trộn, phiền toái và vô trật tự.
Hãy tưởng tượng một ngày đẹp trời nào đó, anh ML nào đó quyết định giải trí bằng cách xem bóng đá. Anh ML bỏ tiền mua vé vào sân xem trận đấu giữa đội mà anh yêu thích với một đội bóng khác. Không có chuyện gì để nói cho đến khi đội của anh ML… thua. Như thế anh ML không những tốn tiền mua vé, mà thậm chí, cái anh mua được không phải là niềm vui mà là nỗi buồn. Vấn đề ở chỗ anh ML sẵn sàng lập lại cái sai lầm này lần nữa, lần nữa và lần nữa. Điều vô lý này chính là sự phức tạp của quan hệ hữu cơ. Đôi khi nó tồn tại ngay trong quan hệ nội tại của mỗi người trong chúng ta, chứ không cần phải chờ đến khi một mối quan hệ giữa con người với con người được hình thành.
Nhưng nếu không có cái quan hệ hữu cơ đó thì cuộc sống sẽ ra sao?
Hãy tưởng tượng [câu này của Samsung] mọi thí sinh đều thi đậu; mọi nhân viên đều được thăng chức; tất cả các đội nhà đều thắng đội khách; mọi điều ước đều trở thành sự thật; và cuối cùng mọi cặp yêu nhau đều… thành vợ chồng, thì cuộc sống này sẽ nhàm chán biết bao.
Như vậy cái mối quan hệ hữu cơ này không chỉ làm cuộc sống thêm phức tạp, mà còn làm cuộc sống thêm sinh động.
Kết luận: Quan hệ hữu cơ mặc dù hình thành trong môi trường “xã hội học” nhưng mang tính tự nhiên. Mặc dù mang tính tự nhiên, nhưng lại không có quy luật. Mặc dù không có quy luật, nhưng vẫn hấp dẫn sự nghiên cứu của nhiều người. Mặc dù rất hấp dẫn, nhưng có thể khiến người đọc nhàm chán. Mặc dù khiến người đọc nhàm chán nhưng vẫn phải đọc cho đến hết.
Nghe có vẻ hơi lộn xộn nhưng cũng có thể coi là trong khuôn khổ của quy luật của quan hệ hữu cơ vậy.
Nguyễn Hạnh Dzuy