Ngạch công chức là gì? Điều kiện nâng ngạch công chức?

Ngạch công chức là gì

Đối với công chức, việc nâng ngạch, chuyển ngạch gần như được coi là mục tiêu phấn đấu. Vậy ngạch công chức là gì? Điều kiện gì để được nâng ngạch công chức? Có các hình thức xét nâng ngạch nào?

1. Ngạch công chức là gì?

Khoản 4 Điều 7 Luật Cán bộ công chức năm 2008 định nghĩa về ngạch như sau: Ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.

Theo đó, có thể hiểu ngạch công chức là chức danh công chức, phân theo từng ngành và thể hiện cấp độ về trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Xem thêm: Quy định về việc sửa đổi, chuyển mã ngạch công chức mới nhất

2. Điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch công chức:

Từ năm 2019, điều kiện công chức được dự thi nâng ngạch có phần “cởi mở” hơn. Cụ thể, Nghị định 161/2018/NĐ-CP chỉ còn quy định 02 điều kiện mà công chức có nguyện vọng đăng ký dự thi nâng ngạch cần đáp ứng.

Gồm:

– Được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; Không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc đang xem xét xử lý kỷ luật.

– Có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch dưới liền kề với ngạch đăng ký dự thi tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ dự thi.

Trước đây, công chức phải được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 03 năm liên tục gần nhất; Đáp ứng các yêu cầu khác về văn bằng, chứng chỉ…

Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 45 Luật cán bộ, công chức 2008 được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức sửa đổi 2019:

Điều 45. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi nâng ngạch, xét nâng ngạch công chức

Công chức dự thi nâng ngạch phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện sau đây

a) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật này;

b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;

c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự thi;

Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đăng ký dự thi. Trường hợp có bằng tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục chuyên nghiệp hoặc cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện chương trình đào tạo chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học mà tương ứng với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự nâng ngạch thì không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học;

Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu đối với từng ngạch công chức quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức; Phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch dưới liền kề với ngạch đăng ký dự thi tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch.

Công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được xét nâng ngạch trong các trường hợp sau: Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận; Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

Đối với điều kiện đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ được quy định cụ thể như sau: Được khen thưởng từ Huân chương Lao động hạng Ba trở lên hoặc danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (áp dụng đối với xét nâng ngạch từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên); Đạt danh hiệu từ Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trở lên (áp dụng đối với xét nâng ngạch từ ngạch nhân viên lên cán sự hoặc tương đương; từ ngạch cán sự lên chuyên viên hoặc tương đương).

Quy trình đối với việc xét nâng ngạch công chức được thực hiện như sau: Căn cứ vào hồ sơ đăng ký dự xét nâng ngạch, Ban xét nâng ngạch công chức kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện của công chức dự xét nâng ngạch theo quy định, báo cáo kết quả lên Hội đồng nâng ngạch. Sau khi nhận được báo cáo kết quả kiểm tra, Hội đồng nâng ngạch phải tổ chức họp để thống nhất về kết quả xét nâng ngạch và báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức nâng ngạch công chức về kết quả xét nâng ngạch, danh sách công chức trúng truyển kỳ xét nâng ngạch (nếu có);

Kết quả xét nâng ngạch được thông báo công khai tại cơ quan tổ chức nâng ngạch. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức nâng ngạch công chức có quyền hủy bỏ kết quả xét nâng ngạch, không công nhận việc xét nâng ngạch trong trường hợp phát hiện công chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện xét nâng ngạch.

Xem thêm: Điều kiện và các trường hợp bổ nhiệm vào ngạch công chức

3. Môn thi, hình thức thi và thời gian thi nâng ngạch:

Trước đây, Nghị định 24/2010/NĐ-CP không quy định về điều này, nhưng hiện nay đã được nêu rõ trong Nghị định 161/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, công chức phải trải qua 02 vòng thi:

Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy tính hoặc trên giấy

Nội dung thi gồm 3 phần:

+ Phần 1: Kiến thức chung gồm 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước… Thời gian thi 60 phút

+ Phần 2: Ngoại ngữ gồm 30 câu hỏi, là một trong 05 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc. Thời gian thi 30 phút

+ Phần 3: Tin học gồm 30 câu hỏi. Thời gian thi 30 phút.

Vòng 2: Thi chuyên môn, nghiệp vụ

+ Thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp hoặc tương đương

Thi viết đề án, thời gian 08 tiếng

Thi bảo vệ đề án, thời gian 30 phút

Thang điểm 100 cho mỗi phần thi

+ Thi nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc tương đương

Thi viết thời gian 180 phút

Thang điểm 100.

+ Thi nâng ngạch lên cán sự, chuyên viên hoặc tương đương

Thi viết, thời gian 120 phút

Thang điểm 100.

*) Các trường hợp được miễn ngoại ngữ, tin học

Cũng giống như thi tuyển công chức, trong một số trường hợp đặc biệt, công chức dự thi nâng ngạch công chức sẽ miễn môn thi ngoại ngữ, tin học (ở vòng 1).

Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định như sau:

Trường hợp được miễn thi ngoại ngữ

– Nam từ đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi

– Công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số

– Người có bằng tốt nghiệp là bằng ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ quy định trong tiêu chuẩn của ngạch dự thi

– Có bằng tốt nghiệp theo yêu cầu trình độ đào tạo hoặc trình độ cao hơn so với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong tiêu chuẩn của dự thi học tập ở nước ngoài hoặc học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.

Trường hợp được miễn thi tin học

– Người có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông, tin học, toán – tin trở lên.

Xem thêm: Thi nâng ngạch chuyên viên chính theo Quyết định 1642/QĐ-BNV

4. Các hình thức nâng ngạch công chức:

Từ ngày 1.7, việc nâng ngạch công chức sẽ được thực hiện thông qua 2 hình thức là thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch, thay vì chỉ có một hình thức thi nâng ngạch như hiện nay.