Hiện nay, việc đưa ra những chính sách quản lý ngoại hối đã ngày càng tạo thêm những điều kiện thuận lợi và bảo đảm được những lợi ích hợp pháp của tổ chức hay cá nhân tham gia hoạt động ngoại hối đồng thời thực hiện được tốt mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia và nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam. Vậy người cư trú là gì? Người cư trú theo Pháp lệnh ngoại hối được hiểu như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
– Pháp lệnh ngoại hối năm 2005;
– Luật Cư trú 2020.
Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568
1. Người cư trú là gì?
Cư trú chính là việc công dân sinh sống tại một địa điểm nào đó thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc thuộc đơn vị hành chính cấp huyện tại nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã). Người cư trú chính là các cá nhân, tổ chức phải thoả mãn những điều kiện về cư trú mà quy định pháp luật của Việt Nam quy định thì sẽ được coi là người cư trú trên phần lãnh thổ của Việt Nam.
Các đối tượng chủ thể khác nhau sẽ tương ứng với những điều kiện khác nhau để được thừa nhận là người cư trú, cụ thể như sau:
– Đối với những đối tượng là các cá nhân thì sẽ được xác định là người cư trú khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người đó là công dân mang quốc tịch Việt Nam và hiện tại đang cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam;
+ Người đó là người mang quốc tịch Việt Nam và hiện tại đang cư trú ở nước ngoài với thời hạn cư trú là dưới một năm;
+ Người đó là người mang quốc tịch Việt Nam nhưng ra nước ngoài làm việc tại các văn phòng đại diện hoặc họ được cử đi theo quyết định của cơ quan ngoại giao Việt Nam;
+ Người đó là người mang quốc tịch Việt Nam nhưng ra nước ngoài với mục đích du học, du lịch hay khám chữa bệnh…
– Đối với những đối tượng là các tổ chức, cơ quan thì sẽ được xác định là người cư trú khi họ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Họ là các tổ chức tín dụng, là các ngân hàng nước ngoài được thành lập chi nhánh ở Việt Nam;
+ Họ là các tổ chức kinh tế khác được thành lập và được hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
+ Họ là các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang hoặc là quân đội, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội….
+ Họ là cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện lãnh sự và các đơn vị sự nghiệp công lập khác;
Thêm nữa, để được thừa nhận là người cư trú hợp pháp trên phần lãnh thổ của Việt Nam thì các cá nhân cần phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Cá nhân phải có mặt và sinh sống trên lãnh thổ của Việt Nam ít nhất là 183 ngày và bắt đầu được tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng kể từ thời điểm đầu tiên mà người đó có mặt trên lãnh thổ Việt Nam.
– Cá nhân đó phải có nơi ở thường xuyên và hợp pháp tại Việt Nam, họ phải thực hiện đầy đủ các quy định về cư trú theo quy định của pháp luật Việt Nam (đăng ký tạm trú hoặc thường trú) hoặc có nhà thuê để ở theo quy định của Luật Nhà ở.
Do đó, người cư trú phải là người có nơi cư trú hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Mà nơi cư trú hợp pháp ta có thể hiểu là nơi người đó đăng ký cư trú (đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú).
Tại khoản 8 Điều 2 Luật Cư trú 2020 có giải thích: “Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú”. Có nghĩa là nơi thường trú của người cư trú là nơi người đó sinh sống ổn định, lâu dài và có đăng ký thường trú theo đúng quy định của pháp luật về cư trú.
Tại khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020 có giải thích: “Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú”. Có nghĩa là nơi tạm trú của người cư trú chính là nơi mà người đó sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định và phải đăng ký tạm trú theo thủ tục, quy trình mà pháp luật về cư trú quy định.
Xem thêm: Quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngoại hối
2. Ngoại hối là gì?
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định về thuật ngữ “ngoại hối”, tuy nhiên có những ý kiến cho rằng ngoại hối là một danh từ dùng để chỉ những phương tiện mà dùng trong thanh toán quốc tế ví dụ như ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế và các loại giấy tờ có giá ghi bằng ngoại tệ.
Theo quy định về Pháp lệnh Ngoại hối, thì ngoại hối bao gồm có:
– Đồng tiền của các quốc gia khác hoặc đồng tiền chung của châu Âu và đồng tiền chung khác được phép sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);
– Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, bao gồm séc, thẻ thanh toán hoặc hối phiếu đòi nợ hay hối phiếu nhận nợ và các loại phương tiện thanh toán khác;
– Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty hoặc kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;
– Vàng thuộc dự trữ ngoại hối của nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới các dạng như dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong những trường hợp mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam
– Đồng tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi địa phận lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
Như vậy, có thể hiểu ngoại hối chính là tài sản, quyền tài sản có thể định giá và được chuyển đổi thành tiền nước ngoài được các cộng đồng quốc tế chấp nhận dùng làm phương tiện thanh toán quốc tế mà một nước sử dụng trong các giao dịch quốc tế, bao gồm: ngoại tệ và các phương thức thanh toán quốc tế không phải ngoại tệ dưới những hình thức như khoản tiền gửi tại các ngân hàng nước ngoài hay các công cụ tín dụng, hối phiếu, lệnh phiếu, séc… hoặc các trái khoán, chứng khoán ghi bằng ngoại tệ.
Xem thêm: Quy định về việc sử dụng ngoại tệ trong hợp đồng thương mại
3. Người cư trú theo pháp lệnh ngoại hối?
Người cư trú theo pháp lệnh ngoại hối bao gồm có:
Đối với các tổ chức thuộc các đối tượng sau đây:
– Các tổ chức tín dụng, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;
– Các tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng được phép thành lập và hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);
– Các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang hay các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp hoặc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam được hoạt động tại Việt Nam;
– Những văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang; các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự hay cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài;
– Những chi nhánh tại Việt Nam thuộc tổ chức kinh tế nước ngoài, các hình thức hiện diện tại Việt Nam của các bên nước ngoài tham gia các hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, những văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với các cá nhân thuộc các đối tượng sau đây:
– Những công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; những công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài mà thời hạn cư trú sẽ có thời hạn là dưới 12 tháng; những công dân Việt Nam đang làm việc tại các văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang; các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự hay cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam tại nước ngoài và những cá nhân đi theo họ;
– Những công dân của Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;
– Những người nước ngoài được phép cư trú tại nước Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.
Tuy nhiên, những trường hợp sau đây sẽ không phải là người cư trú theo pháp lệnh ngoại hối:
– Những người nước ngoài mà học tập, chữa bệnh, du lịch tại Việt Nam
– Những người làm việc cho các cơ quan như cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam hoặc văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà không kể thời hạn.