Bằng độc quyền sáng chế là một văn bằng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc một cơ quan khu vực nhân danh một số quốc gia) cấp trên cơ sở một đơn yêu cầu bảo hộ, trong đó mô tả một sáng chế và thiết lập một điều kiện pháp lý mà theo đó sáng chế đã được cấp bằng độc quyền chỉ có thể được khai thác một cách bình thường (sản xuất, sử dụng, bán, nhập khẩu) với sự cho phép của chủ sở hữu.
“Sáng chế” nghĩa là một giải pháp kỹ thuật cho một vấn đề cụ thể trong lĩnh vực công nghệ. Sáng chế có thể liên quan tới một sản phẩm hay một quy trình. Việc bảo hộ sáng chế bị giới hạn về mặt thời gian (thường là 20 năm).
Bằng độc quyền Sáng chế và Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích
Tại Việt Nam (và một số nước khác), sáng chế có thể được bảo hộ thông qua việc đăng ký dưới tên gọi là “giải pháp hữu ích”. Khi một giải pháp kỹ thuật không đáp ứng được điều kiện về trình độ sáng tạo thì giải pháp đó không thể bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế mà được bảo hộ dưới tên gọi là “giải pháp hữu ích”. Để hiểu rõ hơn về trình độ sáng tạo, các bạn xem bài viết này.
Xét một cách tổng thể, những tiêu chuẩn bảo hộ đối với giải pháp hữu ích trong chừng mực nào đó ít nghiêm ngặt hơn so với sáng chế (đặc biệt đối với tính sáng tạo), lệ phí cũng thấp hơn, thời hạn bảo hộ cũng ngắn hơn. Tuy nhiên các quyền theo giải pháp hữu ích cũng tương tự như các quyền đối với sáng chế.
Bằng độc quyền sáng chế thường được coi như “độc quyền”, tức là là sáng chế được cấp bằng độc quyền không thể bị người khác khai thác trong phạm vi quốc gia trừ khi chủ sở hữu đồng ý việc khai thác đó. Chủ sở hữu sáng chế có quyền ngăn cấm người khác khai thác thương mại sáng chế đó, mà thường là quyền ngăn không cho người khác sản xuất, sử dụng hoặc bán sáng chế của mình.
Độc quyền sáng chế là như thế nào?
Quyền khởi kiện chống lại bất kỳ người nào khai thác sáng chế được cấp bằng độc quyền trong phạm vi quốc gia đó mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu là quyền quan trọng nhất của chủ sở hữu, bởi nó cho phép anh ta thu được những lợi ích vật chất đối với những gì anh ta được quyền hưởng như một phần thưởng đối với nỗ lực và lao động trí tuệ của anh ta và bù đắp cho các chi phí nghiên cứu và thí nghiệm để tạo ra sáng chế.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng đúng là Nhà nước trao độc quyền sáng chế nhưng Nhà nước không tự động thực thi độc quyền sáng chế, điều này tuỳ thuộc vào chủ sở hữu khởi kiện, thường là theo luật dân sự, đối với bất kỳ sự vi phạm quyền sáng chế của chủ sở hữu. Vì vậy, người được cấp bằng sáng chế phải là “cảnh sát” của chính mình (Xem thêm: Thực thi quyền sở hữu trí tuệ)
Nói một cách giản lược bằng độc quyền sáng chế là văn bằng bảo hộ sáng chế do Nhà nước cấp cho một tác giả sáng chế nhằm ngăn chặn người khác khai thác thương mại sáng chế trong một thời hạn nhất định để đổi lại việc bộc lộ sáng chế và như vậy nhân loại có thể hưởng lợi từ sáng chế đó. Vì vậy, bộc lộ sáng chế là yếu tố quan trọng cần được xem xét trong bất kỳ quá trình cấp văn bằng.
Nguồn: Cẩm nang sở hữu trí tuệ WIPO
Ngày cập nhật: 11/09/2019
Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.