Nới lỏng định lượng (QE) là một trong những phương pháp nới lỏng tiền tệ mới mẻ. Thông qua chính sách này, Chính phủ sẽ kịp thời điều chỉnh và kích cầu cho nền kinh tế. Trong bài viết hôm nay, DNSE sẽ lý giải nới lỏng định lượng là gì cũng như ảnh hưởng có nó tới thị trường chứng khoán.
Nới lỏng định lượng là gì?
Nới lỏng định lượng hay QE (Quantitative Easing) là việc Ngân hàng trung ương bơm tiền vào nền kinh tế bằng cách mua lại các loại chứng khoán từ Chính phủ hoặc các ngân hàng thương mại.
Một số chuyên gia tin rằng QE được sử dụng lần đầu tiên vào cuối những năm 1990 bởi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ). Tuy nhiên điều này vẫn gây nhiều tranh cãi. Cho đến nay, nhiều quốc gia đã áp dụng QE như một nỗ lực làm giảm thiểu khủng hoảng kinh tế.
Bản chất của nới lỏng định lượng
Ví dụ:
Ngân hàng trung ương mua 1000 tỷ đồng chứng khoán từ ngân hàng thương mại X. Khi đó, ngân hàng thương mại X mất đi số cổ phiếu trị giá 1000 tỷ. Đồng thời họ nhận lại khoản tiền mặt 1000 tỷ đồng. Ngân hàng X có thể đem số tiền mặt này cho vay sinh lời. Vì thế lượng tiền mặt lưu hành trên thị trường tăng lên. Mặt khác, khi cung tiền trở nên dồi dào thì lãi suất sẽ giảm xuống.
Hiểu một cách đơn giản thì bản chất của chính sách nới lỏng định lượng là:
- Chuyển các khoản chứng khoán thành tiền mặt
- Làm tăng cung tiền, giảm lãi suất
- Kích thích các khoản vay
Tại sao phải thực hiện nới lỏng định lượng?
Khi nền kinh tế của một quốc gia đi xuống, GDP giảm sút, Ngân hàng trung ương phải áp dụng các chính sách tăng cung tiền cho thị trường. QE là một trong những chính sách ngăn chặn suy thoái hiện đại. Mục đích cơ bản của QE là giữ được lãi suất ở mức thấp. Từ đó, kích cầu các khoản vay từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng và thúc đẩy lòng tin trong toàn bộ nền kinh tế.
Nới lỏng định lượng giúp tăng trưởng kinh tế
Chính sách nới lỏng định lượng bổ sung nguồn tiền lưu thông trên thị trường. Qua đó làm giảm lãi suất và đẩy mạnh chi tiêu quốc dân.
Nới lỏng định lượng giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp
QE tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn phát triển. Các công việc kinh doanh sản xuất được đẩy mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc xã hội sẽ cần lực lượng lao động lớn hơn. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp cho người dân.
Nới lỏng định lượng giúp ổn định thị trường tài chính
Thông qua chính sách nới lỏng định lượng, Chính phủ sẽ ổn định được lãi suất và giá cả trên thị trường. Qua đó, thị trường tài chính sẽ được điều tiết. Bên cạnh đó, nó còn góp phần ổn định thị trường ngoại hối, củng cố sức mua của đồng nội tệ.
Lịch sử những lần nới lỏng định lượng của Mỹ
Ngay khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 kết thúc, Cục dự trữ liên bang (FED) bắt đầu thực hiện QE nhằm vực dậy nền kinh tế. Chiến dịch QE lên đến hàng nghìn tỷ USD được kéo dài từ tháng 11/2008 đến đầu năm 2014. Cùng DNSE điểm qua những mốc quan trọng trong chiến dịch này nhé!
QE1 (Tháng 11/2008)
Đây là giai đoạn cuộc khủng hoảng đang căng thẳng nhất. FED hạ lãi suất đồng USD về 0 – 0,25% và chi ra khoảng 1.700 tỷ USD để mua các chứng khoán nợ có tài sản thế chấp đảm bảo (MBS) và trái phiếu kho bạc.
Dưới tác động của QE1, nền kinh tế Mỹ đã phục hồi trong một giai đoạn ngắn nhưng sau đó lại có dấu hiệu suy giảm.
QE2 (Từ 3/11/2010 đến hết tháng 6/2011)
FED quyết định bơm thêm 600 tỷ USD mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 2 – 10 năm.
Để “giải cứu” và tiếp tục kích thích nền kinh tế Mỹ, FED đã triển khai chương trình “Operation Twist” hay còn gọi là QE 2,5, bao gồm hai gói có trị giá 400 tỷ USD và 267 tỷ USD. Nội dung chính của chương trình này là hoán đổi trái phiếu. Cụ thể là bán trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn (đáo hạn dưới 3 năm) và mua lại trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài (đáo hạn từ 6-30 năm).
Khác với QE thông thường, chương trình này FED không làm tăng cung tiền và mở rộng bảng cân đối tài sản của mình mà chỉ thay đổi các thành phần trong bảng cân đối.
QE3 (Tháng 9/2012)
FED mua số lượng MBS trị giá 40 tỷ USD/tháng bằng cách phát hành tiền và mua lại tài sản của các ngân hàng. Đồng thời tiếp tục giữ lãi suất ngắn hạn ở mức gần 0% tạo điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ phát triển, phục hồi kinh tế.
Như vậy, 3 gói QE được FED tung ra đã giúp Mỹ tăng lượng tiền lưu thông, giảm lãi suất thấp gần mức 0%. Nhờ đó giúp các tập đoàn và doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn một cách dễ dàng. Trên thực tế, gói cứu trợ này đã chứng minh tính hiệu quả của nó với kết quả là sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan điểm trái chiều về chiến dịch QE này. Ví dụ, khi QE1 lần đầu được thực hiện năm 2008, nhiều ngân hàng đã giữ lại lượng tiền họ nhận được thay vì mang đi cho vay. Điều đó đã vô hiệu hóa mục tiêu của chính sách nới lỏng định lượng.
Ảnh hưởng của hoạt động nới lỏng định lượng tới thị trường chứng khoán
Thu hút dòng tiền vào thị trường chứng khoán
Về cơ bản, chính sách nới lỏng định lượng sẽ làm tăng cung tiền, giảm lãi suất cho vay cũng như lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Điều này khiến kênh gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn. Dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán là kênh được hưởng lợi đáng kể nhờ QE.
Biến động giá chứng khoán
Mặt khác, lãi suất giảm sẽ khuyến khích các khoản vay của cá nhân và doanh nghiệp. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp vay tiền để mở rộng phát triển kinh doanh. Do đó sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh và giá cổ phiếu của doanh nghiệp trong thời gian tới. Nhà đầu tư cần phân tích thị trường để đưa ra quyết định mua bán đúng đắn thời điểm này.
Kết
Trên đây là những những kiến thức thú vị về nới lỏng định lượng là gì, cùng những tác động của nó tới thị trường chứng khoán. Mỗi đợt QE sẽ tác động tới các kênh tài sản với mức độ khác nhau. Các trader nên bám sát diễn biến thị trường để có những quyết định mua bán khôn ngoan. Và đừng quên theo dõi DNSE để tham khảo thêm nhiều kiến thức mới nữa nhé.