Chính Trần Đĩnh cũng chưa xác định được “Đèn Cù” là thể loại gì? Nó na ná giống kiểu hồi ký, lại có nét giống tự truyện, có khi mang gen của một loại tiểu thuyết. Nó được thai nghén ở Việt Nam nhưng phải lén đẻ ra ở nước ngoài. Lý do tại sao lại như thế? Ở Việt Nam người ta thường nói đến có 3 điều bất khả xâm phạm. Một là chủ quyền lãnh thổ, hai là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ba là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Đèn Cù” đã phạm đến một trong ba điều, đó là xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cụ thể, “Đèn Cù” đã trắng trợn bôi nhọ hình ảnh, thân thế, sự nghiệp của Bác, từ đó xem nhẹ, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Trần Đĩnh cho rằng suốt mấy chục năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam cứ đưa dân, đưa nước đi vòng vòng, tưởng tiến lên nhưng giậm chân tại chỗ. Hình ảnh “Đèn Cù” thể hiện cho tư tưởng ấy, quay tròn hết voi rồi đến ngựa, ngựa lại lên voi… Bởi thế, cái được gọi là tác phẩm này khi được in ra đến lúc Trần Đĩnh chết, đã có nhiều lời tung hô cho sự đổi trắng thay đen này. Việt Tân, VOA, BBC tiếng Việt, RFA… đều đồng thanh xem “Đèn Cù” là “chân lý cuộc đời”, từ đó thêm nếm gia vị cho sinh động hơn. Chúng đều tự phong cho Trần Đĩnh là người chắp bút tiểu sử chính thức đầu tiên của Hồ Chí Minh. Rồi thì “cuốn sách Đèn Cù nói lên số phận của Việt Nam dưới chế độ Cộng sản…”.
Theo từ điển mở Wikipedia, Trần Đĩnh có tham gia Việt Minh năm 1946, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1948. Đến năm 1976, ông ta bị khai trừ khỏi Đảng. Sau khi Trần Đĩnh học xong Đại học Bắc Kinh năm 1959, Tổng Bí thư Trường Chinh, một người nổi tiếng về trí tuệ và nhân cách đã nhận xét thẳng rằng: “Không ngờ Trần Đĩnh lại sa đọa chính trị đến thế”. Một kẻ sa đọa chính trị ở thời điểm như vậy thì tuổi gì mà làm người chắp bút cho tiểu sử của Bác và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những điều ông ta viết ra trong cái gọi là tác phẩm “Đèn Cù” chỉ là sự bịa đặt trắng trợn, không có thật của kẻ không đạt được mục đích chính trị, trở cờ. Đến lúc về già, Trần Đĩnh đã tự biến mình thành trẻ con, ngây ngô chơi Đèn Cù, quẩn quanh với voi giấy, ngựa giấy rồi lại đi từ sai lầm này đến sai lầm khác cho đến khi chết vẫn không yên.
Mặc dù Bác đã ra đi về cõi vĩnh hằng nhưng đối với các thế hệ người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là hình ảnh cao quý, thiêng liêng, biểu tượng cho khát vọng đi lên của dân tộc. Tư tưởng, đạo đức cao quý của Người luôn là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập, noi theo. Tầm vóc, sự ảnh hưởng của Người đã vươn ra tầm quốc tế, được các chính khách, học giả, nhà nghiên cứu, thậm chí những người trước đây từng ở bên kia chiến tuyến đánh giá rất cao. Cộng đồng quốc tế đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động cách mạng vĩ đại, một nhân cách lớn đã có những đóng góp vĩ đại cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Một người đã dành 20 năm để nghiên cứu về con người, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Wiliam J. Duiker đã phải thốt lên rằng: Công lao to lớn của Người là không thể phủ nhận đối với cách mạng trong nước và quốc tế trong thế kỷ XX, đặc biệt là quá trình giải phóng dân tộc, thuộc địa bị áp bức ở thế giới thứ 3.
Người qua đời là một mất mát vô cùng lớn đối với dân tộc Việt Nam nói riêng, thế giới yêu chuộng hòa bình nói chung. Sự mất mát vô cùng to lớn đó của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, các dân tộc tiến bộ trên thế giới chia sẻ, thăm viếng. Chính những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1990. Trong nghị quyết, UNESCO khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Sự công nhận đó của UNESCO là tất yếu, điều này đã nói lên tất cả phẩm chất cao quý của Người. Bác không những chỉ lo cho dân tộc, nhân dân Việt Nam mà còn dành nhiều sự cảm thương, đồng cảm, yêu thương nhân loại đang bị áp bức, bóc lột.
Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, sự hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh đều dựa trên sự kế thừa có chọn lọc và phát huy những giá trị tư tưởng của truyền thống dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng, tiếp thu một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đồng thời tư tưởng của Người là sự tiếp thu và vận dụng sáng tạo tinh hoa văn hóa nhân loại cả phương Đông và phương Tây. Bởi thế, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập cho nước nhà đã mang lại nhiều thắng lợi, góp phần to lớn vào phong trào cách mạng thế giới, mang lại độc lập, tự do cho các nước thuộc địa.
Tượng đài, con đường mang tên Hồ Chí Minh đã xuất hiện trang trọng tại hơn 22 quốc gia trên thế giới. Họ xây dựng tượng đài, đặt tên con đường mang tên Bác để tưởng nhớ, tỏ lòng kính trọng và tuyên truyền cho con cháu hậu thế về một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới. Bạn bè quốc tế đã dành cho Bác sự ngưỡng mộ, kính trọng mang tầm vóc một vĩ nhân, đó là thực tế không thể phủ nhận. Ấy vậy mà có những kẻ sinh ra, mang trong mình dòng máu Việt Nam nhưng lại trơ trẽn, xuyên tạc một sự thật lịch sử hiển nhiên, được mọi người và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đó chỉ có thể là đám khuyết tật về nhận thức và tư duy.