Nếu như đại dịch covid-19 thúc đẩy làn sóng Đại nghỉ việc “Great Resignation” thì mới đây cũng có một xu hướng đang được bàn tán sôi nổi và gây ra không ít tranh cãi. Đó chính là xu hướng Quiet quitting. Không ít người thắc mắc Quiet quitting là gì và nếu tìm hiểu ra, họ sẽ có thể nhận thấy mình là một phần trong đó.
Các trang báo lớn như The Guardian hay New York Times, từ tháng 6 năm nay đều đồng loạt đưa tin về khái niệm Quiet quitting, khiến cho chủ đề này càng nóng hổi và phổ biến.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan nhất về Quiet quitting. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về xu hướng này. Và để đánh giá ai đúng ai sai, điều gì nên hoặc không nên, bạn cần có một cái đầu lạnh và tư duy khách quan.
Quiet quitting là gì?
Quiet quitting tạm dịch là “âm thầm bỏ cuộc” hoặc “làm việc cầm chừng” (theo VTV). Theo The Guardian, “Quiet quitting là thuật ngữ mới xuất hiện dùng để chỉ những nhân sự chỉ làm công việc trong phạm vi họ được trả tiền để làm mà không làm thêm bất kì công việc nào, kể cả các hoạt động giao lưu, ngoại khoá nơi làm việc.”
Những “người nghỉ việc trong thầm lặng” không làm việc ngoài giờ, họ ra về đúng giờ, tắt hết thông báo trên những ứng dụng làm việc và đặc biệt không ôm việc về nhà.
Trong khi Great Resignation là sự rời đi của số lượng lớn những lao động trẻ tuổi và kiệt sức thì Quiet quitting là suy nghĩ và xu hướng lan mạnh trong những người ở lại. (Jaya Dass, Randstad’s Managing Director for Singapore and Malaysia, CNBC).
Như vậy, không phải là nghỉ việc, Quiet quitting đúng hơn là cách mà nhân sự giới hạn trách nhiệm và số lượng công việc của họ lại trong phạm vi “mô tả công việc ban đầu của họ” để tránh làm việc trong thời gian quá dài, dẫn đến những hậu quả như burnout, stress kéo dài, kiệt sức, v.v.
Nhân sự, theo đó, vẫn hoàn thành công việc của họ tuy nhiên đây có thể là dấu hiệu cho thấy họ không hạnh phúc với công việc hoặc đang trải qua tình trạng kiệt sức trong công việc. Trong khi Quiet quitting, họ có thể đang suy nghĩ về công việc hiện tại, về mức lương và cách họ được đối xử tại nơi làm việc. Họ có thể có ý định chuyển việc. Theo một khảo sát từ Pew Research Center, thiếu những cơ hội thăng tiến, lương thấp và cảm giác không được tôn trọng là những nguyên nhân hàng đầu người Mỹ bỏ việc vào năm 2021. Và đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến Quiet quitting.
Tuy không có một định nghĩa chính thống nào về Quiet quitting, đa số đều hiểu đó là thực trạng làm “đủ” việc trong phạm vi của mình, chứ không phải là nghỉ việc.
Tại sao xu hướng Quiet quitting đang lan rộng ra toàn cầu?
Cũng giống như Great Resignation, hậu quả của đại dịch Covid phần nào làm cho trào lưu Quiet quitting bùng nổ và lan mạnh như bây giờ.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự phổ biến của Quiet quitting. Có thể nói việc chúng ta cùng nhau trải qua những khó khăn trong đại dịch và hậu quả mà nó để lại đối với công việc, cuộc sống, và sức khoẻ tinh thần của tất cả chúng ta là như nhau. Do đó, ai cùng trải qua những khó khăn trong công việc, cảm thấy cần có sự thay đổi đều dễ dàng tiến gần hơn đến xu hướng Quiet quitting.
Tuy nhiên, một lý do rõ ràng không thể phủ nhận, trở thành một phương tiện khơi dậy nhận thức của mọi người về xu hướng này chính là truyền thông, mạng xã hội, hay cụ thể là TikTok – nền tảng video ngắn vô cùng phổ biến hiện nay.
Theo ghi nhận của CNBC vào tháng 9 năm 2022, thuật ngữ Quiet quitting đã thực sự trở nên phổ biến với tổng cộng 354 triệu lượt xem cho tất cả các video có hashtag #quietquitting trên TikTok.
Quiet quitting là một thuật ngữ mới, nhưng nếu bóc tách ý nghĩa của xu hướng này, ta có thể thấy rằng nó đã tồn tại từ rất lâu rồi chứ không phải đến năm nay mới xuất hiện. Khi được gọi tên và trở thành chủ đề được bàn tán, chúng ta nên nhận ra rằng đó không chỉ là một trào lưu mới nổi, một xu hướng nhất thời, mà đó còn là dấu hiệu để mọi người cùng nhìn lại văn hoá làm việc, xem xét, và tìm hướng giải quyết nếu có những vấn đề xảy ra. Chẳng hạn như quiet quitting có thể là dấu hiệu của nhân sự đang kiệt sức. Điều cần làm không phải là cùng bàn bạc để tìm gia giải pháp giải thoát họ khỏi tình trạng đáng báo động này sao?
Phản ứng trái chiều về Quiet quitting
Tại Việt Nam, khi Quiet quitting bắt đầu được để ý và mổ xẻ trên các trang mạng xã hội, báo đài và diễn đàn, đã có không ít những ý kiến trái chiều về xu hướng này. Có người cho đó là điều bình thường khi người ta chỉ làm việc theo đúng phạm vi công việc của mình. Có người lại đưa ra ý kiến chỉ trích đây là cách làm việc thiếu tận tâm của giới trẻ và doanh nghiệp hay người sử dụng lao động là những người đang phải chịu hậu quả.
Như đã nói ở trên, khi bàn luận về Quiet quitting, chúng ta nên nhìn từ nhiều góc độ, xem xét đến nhiều yếu tố và đánh giá một cách khách quan nhất có thể.
Giữa những nhân viên khác nhau sẽ có cái nhìn khác nhau về Quiet quitting. Từ những người sử dụng lao động khác nhau cũng có cái nhìn khác nhau về bỏ việc thầm lặng. Và giữa người lao động và người sử dụng lao động lại càng có thể nảy sinh những luồng ý kiến cực kỳ trái chiều khác.
Đọc thêm: Career Cushioning Là Gì?
Tạm kết
Quiet quitting vẫn đang là chủ đề được bàn tán sôi nổi. Và có thể giống với Great Resignation, Quiet quitting sẽ trở thành một hiện tượng đáng được quan tâm hơn chỉ là một xu hướng. Hi vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ Quiet quitting là gì cũng như một số thông tin bên lề xoay quanh xu hướng Quiet quitting dạo gần đây.
Đừng quên theo dõi Glints Blog để cập nhật nhiều bài viết hay ho khác nhé.
Tham khảo:
- Quiet quitting isn’t always the best option
- Quiet quitting: Why doing the bare minimum at work has gone global
- Quiet quitting not real work culture
Tác Giả