Thực đơn

Quốc tế thứ nhất có tên gọi là gì

Ths Nguyễn Thanh Tâm

Khoa Lý luận cơ sở

Trước sự thay đổi của phong trào công nhân các nước và đòi hỏi cấp thiết về sự thành lập một tổ chức quốc tế lãnh đạo phong trào công nhân, ngày 28/9/1864, trong cuộc mít tinh lớn ở Luân Đôn có đại biểu gồm nhiều nước tham gia, Hội Liên hiệp lao động quốc tế (Quốc tế thứ nhất) được thành lập với sự tham gia tích cực của C.Mác.

Giữa thế kỷ XIX, phong trào công nhân phát triển hết sức mạnh mạnh mẽ. Giai cấp tư sản tăng cường áp bức, bóc lột đối với công nhân. Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân diễn ra, song trong tình trạng phân tán, chịu ảnh hưởng của nhiều khuynh hướng phi vô sản, thiếu thống nhất về mặt tư tưởng, mặt khác đặt ra yêu cầu cần phải có một tổ chức cách mạng quốc tế lãnh đạo phong trào công nhân các nước. Ngày 28/9/1864, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Luân Đôn, có 2.000 người tham dự gồm đại biểu của các nước Anh, Pháp, Đức và nhiều nước khác trên thế giới. Nhiều nhà hoạt động cách mạng ở nước ngoài đang sống ở Luân Đôn cũng tham dự. C.Mác được mời dự buổi mít tinh và tham gia đoàn chủ tịch. Với niềm vui phấn khởi vô cùng, những người tham dự mít tinh đã thông qua nghị quyết thành lập Hội liên hiệp lao động quốc tế, tức Quốc tế thứ nhất. Hội nghị bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 32 người. Việc soạn thảo tuyên ngôn và điều lệ được giao cho một tiểu ban, trong đó có C.Mác.

Thời gian tồn tại của Quốc tế thứ nhất từ tháng 9/1864 đến tháng 7/1876, Quốc thế thứ nhất đã tiến hành năm đại hội. Hoạt động của Quốc tế thứ nhất chủ yếu thông qua các kì đại hội, nhằm truyền bá học thuyết Mác, chống tư tưởng lệch lạc trong nội bộ; thông qua những nghị quyết có ý nghĩa chính trị và kinh tế quan trọng; tán thành bãi công, thành lập công đoàn, đấu tranh có tổ chức, đòi tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện đời sống công nhân. Quốc tế thứ nhất còn có nhiều đóng góp cụ thể trong phong trào công nhân, cụ thể là kêu gọi ủng hộ của những người lao động Pa-ri năm 1871.

Đại hội I của Quốc tế thứ nhất họp ở Giơnevơ từ ngày 03/9 đến ngày 08/9/1866, có 60 đại biểu của 25 chi bộ ở Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Đức tham dự. Mặc dù không trực tiếp tham dự, nhưng C.Mác đã chuẩn bị chương trình nghị sự, xây dựng bản thuyết trình của đoàn đại biểu Anh, chủ yếu để chống phái Pruđông. Phái Pruđông phản đối yêu sách của chủ nghĩa Mác đòi ngày làm việc 8 giờ, hạn chế lao động trẻ em, cho rằng đó là quan hệ riêng tư được thoả thuận giữa chủ và thợ. Họ còn phản đối yêu sách đòi bảo vệ lao động phụ nữ vì cho rằng chức năng của phụ nữ chỉ làm công việc nội trợ trong gia đình. Những người mácxít thông qua nghị quyết đòi hạn chế ngày lao động với công nhân, nhất là với trẻ em, làm đêm đối với phụ nữ, phải giáo dục phổ thông và nghề nghiệp cho công nhân, bảo vệ lao động phụ nữ, xoá bỏ thuế gián tiếp, đòi vũ trang toàn dân. Nghị quyết của Đại hội về vấn đề công đoàn được thông qua đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của công đoàn, chống lại những luận điệu của phái Pruđông chủ trương bãi bỏ mọi hình thức tổ chức của công nhân. Nghị quyết cho rằng công đoàn cần thiết cho cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động, có vai trò là một đoàn thể có tổ chức để đẩy mạnh việc thủ tiêu chế độ lao động làm thuê. Việc thông qua nghị quyết về vấn đề công đoàn là thắng lợi lớn của những người mácxít đối với phái Pruđông (Pháp), phái Látxan (Đức) và những lãnh tụ công đoàn (Anh).

Đại hội II của Quốc tế thứ nhất họp ở Lôdan (Thụy Sĩ) từ ngày 02/9 đến ngày 08/9/1867, có 63 đại biểu tham dự. Phái Pruđông ở Pháp và Thụy Sĩ nêu trở lại vấn đề lao động phụ nữ và trẻ em, vấn đề hợp tác xã. Họ buộc Đại hội thông qua một vài nghị quyết mơ hồ nhưng không giành được thắng lợi trong việc chiếm quyền lãnh đạo Quốc tế. Ban Chấp hành được bầu mới vẫn giữ nguyên và trụ sở vẫn đặt ở Luân Đôn. Các nghị quyết về quốc hữu hoá các phương tiện giao thông vận tải, quyền công hữu về tư liệu sản xuất được Đại hội thông qua nhưng vấn đề quốc hữu hoá ruộng đất gặp phải sự phản đối kịch liệt của phái Pruđông nên phải gác lại. Đại hội xác định, nếu không giải phóng giai cấp công nhân về chính trị thì sẽ không thể giải phóng giai cấp công nhân về xã hội, do đó việc thiết lập quyền tự do về chính trị là rất cần thiết.

Đại hội III của Quốc tế thứ nhất họp ở Brúcxen từ ngày 06/9 đến ngày 13/9/1868 với gần 100 đại biểu tham dự. C.Mác đã trực tiếp chuẩn bị báo cáo hàng năm của Ban Chấp hành Trung ương và dự thảo các nghị quyết chủ yếu. Cuộc đấu tranh gay gắt và lan rộng ở Pháp và Bỉ của giai cấp công nhân đã loại trừ dần ảnh hưởng của phái Pruđông. Đại hội thông qua nghị quyết xác nhận những vấn đề đã bàn trong Đại hội I ở Giơnevơ: tán thành bãi công, thành lập các công đoàn và ngày làm việc 8 giờ, đó là những nghị quyết chống lại Pruđông. Vấn đề quyền sở hữu ruộng đất là vấn đề được thảo luận gay go nhất. Đại hội đã thông qua nghị quyết quan trọng đòi chuyển ruộng đất, rừng, kênh đào, hầm mỏ và đường xe lửa, điện tín sang chế độ sở hữu tập thể với đa số phiếu tuyệt đối. Nghị quyết đó đánh dấu sự thắng lợi của tư tưởng vô sản đối với luồng tư tưởng tiểu tư sản trong nội bộ Quốc tế. Tuy nhiên, phái Pruđông vẫn kịch liệt chống đối nên Đại hội quyết định lần sau sẽ thảo luận lại. Trong lúc tình hình châu Âu đang căng thẳng bởi nguy cơ có thể nổ ra chiến tranh, Đại hội Brúcxen thông qua nghị quyết có tính chất ảo tưởng, coi tổng bãi công như là một “phương pháp toàn năng” có thể ngăn chặn nguy cơ chiếng tranh. C.Mác đã phê phán nghị quyết đó và cho rằng, trong lúc giai cấp công nhân chưa có đủ ảnh hưởng quyết định đối với các sự biến chính trị thì Đại hội cần phải nên tiếng tố cáo và phản đối bọn gây chiến, xâm lược. Tháng 8/1867, tập I bộ Tư bản của C.Mác được xuất bản, Đại hội thông qua nghị quyết kêu gọi công nhân các nước chú ý nghiên cứu tác phẩm và giúp đỡ để dịch tác phẩm đó ra các thứ tiếng. Đến Đại hội Brúcxen, đường lối do C.Mác đề ra đã được Quốc tế I thừa nhận ở mức độ nhất định. Như vậy, chủ nghĩa Pruđông đã bị đánh bại về căn bản, các hoạt động có tính chất cải lương trong Quốc tế cũng bị đẩy lùi.

Đại hội IV của Quốc tế thứ nhất họp ở Balơ từ ngày 06/9 đến ngày 11/9/1869, có 78 đại biểu của các nước Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và có một đại biểu là công nhân Mỹ tham dự. Đại hội thảo luận lại vấn đề sở hữu ruộng đất theo yêu cầu của phái Pruđông. Đại hội phê chuẩn nghị quyết Đại hội Brúcxen về sự cần thiết phải hủy bỏ chế độ tư hữu ruộng đất, đồng thời thông qua nghị quyết kêu gọi công nhân tổ chức quần chúng và cuộc đấu tranh chống chế độ làm thuê. Tại Đại hội đã nổ ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người mácxít với phái Bacunin về quyền thừa kế tài sản. Bacunin vẫn cho rằng việc xoá bỏ quyền thừa kế bằng pháp luật trong xã hội tư bản là biện pháp để dần dần chuyển ruộng đất sang chế độ sở hữu tập thể. C.Mác cho rằng đó là điều không tưởng và cải lương khi giai cấp tư sản và địa chủ còn nắm chính quyền. Bị phái Bacunin lũng đoạn, Đại hội thông qua nghị quyết với đa số phiếu nghiêng về phái vô chính phủ; nhưng về tổ chức, phái Bacunin bị thất bại trong âm mưu chui vào Ban lãnh đạo để tăng cường lũng đoạn Quốc tế. Đến năm 1870, do tình hình quốc tế biến động, chiến tranh Pháp – Phổ bùng nổ, nên Đại hội V của Quốc tế I dự định họp vào tháng 9-1870 đã không thực hiện được. Trong tình hình đó, với tư cách Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế thứ nhất, C.Mác đưa ra hai bản hiệu triệu chỉ rõ tính chất của chiến tranh và kêu gọi công nhân Pháp – Phổ đoàn kết chống chiến tranh.

Có thể khẳng định, Quốc tế thứ nhất là tổ chức cộng sản quốc tế đầu tiên, đã thực sự là linh hồn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có vai trò rất lớn trong quá trình lãnh đạo đấu tranh làm chuyển biến nhận thức trong tư tưởng và hành động của phong trào công nhân, đưa phong trào đấu tranh của công nhân từ tự phát sang tự giác, có tổ chức, phương hướng và cách thức hoạt động. Với ý nghĩa đó, Quốc tế thứ nhất thực sự là đại biểu trung thành cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đầu tiên trên thế giới.

Quốc tế thứ nhất đã đặt nền móng cho hoạt động có tổ chức của phong trào công nhân có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn trên phạm vi thế giới mà người có công lớn trong việc khởi xướng là C.Mác và Ph.Ăngghen. Với tài năng và trí tuệ của mình, C.Mác và Ăngghen đã lãnh đạo Quốc tế thứ nhất đấu tranh chống lại những trào lưu xã hội chủ nghĩa sai trái, chủ nghĩa cơ hội, hữu khuynh tạo tiền đề cho việc thành lập chính đảng công nhân nhằm mục tiêu lý tưởng là xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Với nhân sinh quan tiến bộ, Quốc tế thứ nhất đã trở thành vũ khí lý luận sắc bén, cương lĩnh chính trị chung cho toàn thể phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ trên thế giới, tạo nền tảng cho hoạt động ở các Quốc tế cộng sản về sau!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Đệ_nhất_quốc_tế.

2. Báo điện tử Đảng Cộng sản: Hệ thống tư liệu văn kiện Đảng.

3. Tạp chí Quốc phòng toàn dân: Mãi mãi khắc ghi vai trò của V.I. Lênin đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

4. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Nxb LLCT, HN.2005.