Suy hô hấp: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

Suy hô hấp: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả

Suy hô hấp là gì

Suy hô hấp là tình trạng bệnh lý thường gặp do các bệnh về đường hô hấp gây ra. Bệnh nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt ở người già và trẻ em. Vậy suy hô hấp là gì, nguyên nhân và triệu chứng như thế nào, hãy cùng Nhà thuốc An Khang tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1Suy hô hấp là gì?

Suy hô hấp là tình trạng chức năng trao đổi khí ở phổi xảy ra vấn đề làm phổi không thể trao đổi O2 và CO2 dẫn đến thiếu oxy máu, có thể kèm theo tăng CO2 trong máu. Nhu cầu cung cấp oxy cho cơ thể không được đảm bảo dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị khó thở, đau tức ngực,…

Suy hô hấp là tình trạng rối loạn trao đổi khí

Suy hô hấp là tình trạng rối loạn trao đổi khí

2Nguyên nhân gây ra suy hô hấp

Nguyên nhân gây ra suy hô hấp cấp tính

  • Tổn thương đường thở: thanh quản tắc nghẽn vì nuốt phải dị vật hoặc bị viêm, u, chấn thương
  • Các bệnh gây tổn thương đến phổi: viêm phổi, tràn dịch màng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xẹp phổi, đợt cấp hen phế quản, chấn thương màng phổi – phổi – thành ngực, phù phổi cấp huyết động, tắc mạch phổi,…
  • Bệnh lý về tim mạch: suy tim, nhồi máu cơ tim, viêm màng ngoài tim,…
  • Các bệnh lý về thần kinh cơ: hội chứng Guillain- Barre, liệt cơ liên sườn hoặc cơ hoành hô hấp.

3Các loại suy hô hấp

Theo diễn biến thời gian có thể chia suy hô hấp thành hai loại chính là suy hô hấp cấp tính và suy hô hấp mạn tính.

  • Suy hô hấp cấp tính: xảy ra đột ngột do một bệnh lý hoặc chấn thương ngăn cản đột ngột khả năng cung cấp O2 hoặc thải CO2 ra ngoài của cơ thể. Suy hô hấp cấp tính có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
  • Suy hô hấp mạn tính: xảy ra từ từ do đường thở bị thu hẹp hoặc các cơ hô hấp yếu dần theo thời gian. Đây là bệnh không gây tử vong ngay nhưng phá huỷ hệ hô hấp và làm cho nó không thể hồi phục như ban đầu.

Dựa vào sự tiến triển triệu chứng, suy hô hấp được chia thành 3 cấp độ chính:

  • Suy hô hấp cấp độ 1: giai đoạn đầu tiên của bệnh, mức độ nhẹ, người bệnh có thể cảm thấy khó thở khi làm việc, trẻ em có thể xuất hiện tím nếu làm những động tác gắng sức như ho, khóc, bú,…
  • Suy hô hấp cấp độ 2: bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở nhiều hơn, vã mồ hôi, môi, chân tay… Xuất hiện tím tái nhìn thấy được bằng mắt thường.
  • Suy hô hấp cấp độ 3: rất nguy hiểm, biểu hiện như giai đoạn 2 nhưng mức độ trầm trọng hơn. Khó thở xảy ra liên tục, toàn thân tím tái và rối loạn nhịp thở, rối loạn thần kinh và ý thức, được hỗ trợ hô hấp nhưng không hiệu quả.

4Dấu hiệu của bệnh suy hô hấp

Suy hô hấp cấp tính biểu hiện thông qua những rối loạn của cơ thể như:

  • Nhịp thở nhanh.
  • Khó thở.
  • Bệnh nhân hoảng sợ, tím tái.
  • Xảy ra nhanh, đột ngột và có thể đe dọa tính mạng.
  • Huyết áp tụt, mạch nhanh.

Suy hô hấp mạn tính thường là hậu quả của các bệnh lý về hô hấp, biểu hiện từ từ và khó phát hiện. Sau một thời gian dài, triệu chứng sẽ biểu hiện ra rõ rệt hơn như:

  • Khó thở hoặc thở gấp, thở khò khè, khó thở tăng khi thực hiện những công việc gắng sức như ho, hoạt động thể thao, với trẻ em là ăn, bú, khóc,…
  • Ho có đờm.
  • Da, niêm mạc môi có thể màu xanh tím.
  • Móng tay có khía.
  • Thở nhanh, mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn.

Nguyên nhân gây ra suy hô hấp mạn tính

  • Do bệnh lý về phổi: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, giãn phế quản, viêm phổi mạn tính,..
  • Bệnh lý liên quan đến tổn thương đường dẫn khí: u vòm họng, u thanh quản,…
  • Các bệnh gây tổn thương thần kinh trung ương: viêm não, tai biến mạch não, xơ cứng cột bên teo cơ, bệnh Parkinson.
  • Tổn thương trung tâm hô hấp: suy giáp, nhiễm kiềm chuyển hoá,…

Móng tay có khía là một dấu hiệu của suy hô hấp mạn

Móng tay có khía là một dấu hiệu của suy hô hấp mạn

5Biến chứng nguy hiểm

Biến chứng gây nguy hiểm thường là biến chứng của suy hô hấp cấp tính.

  • Thuyên tắc phổi hình thành các cục máu đông. Các cục máu đông này vỡ ra đến các tĩnh mạch của phổi ngăn cản sự di chuyển của máu ở khu vực này làm cho máu không thể trao đổi. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
  • Xơ phổi: đây là tình trạng hay gặp do thở máy liều cao trong thời gian dài, khiến cho nhu mô của phổi không còn nhiều diện tích chứa khí, khiến cho việc trao đổi oxy ở các phế nang bị giảm đi.
  • Viêm phổi: nằm thở máy lâu ngày có thể làm cho các virus, vi khuẩn trong bệnh viện có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp gây viêm phổi.
  • Tràn khí màng phổi: do áp lực của máy thở, sẽ đẩy không khí ra các lỗ nhỏ gây nên tình trạng tràn khí màng phổi.
  • Xuất huyết tiêu hoá: do phổi bị tổn thương, gây nên những biến đổi cho cơ thể sẽ dẫn tới stress làm cho đường tiêu hoá không kịp thích nghi sẽ xảy ra xuất huyết.
  • Suy gan, suy thận: suy hô hấp không thể cung cấp đầy đủ oxy cho các tế bào có thể xảy ra suy đa tạng.

Tràn khí màng phổi là một biến chứng nguy hiểm

Tràn khí màng phổi là một biến chứng nguy hiểm

6Cách chẩn đoán bệnh

Các chẩn đoán của bác sĩ

Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi các triệu chứng liên quan đến suy hô hấp, tiền sử các bệnh lý liên quan đặc biệt là các bệnh về phổi hoặc tim mạch:

  • Đo các chỉ số như: SpO2 (bão hoà oxy ở mao mạch), huyết áp, mạch, nhịp thở, nhiệt độ.
  • Đánh giá kiểu thở, cách thở, mức độ gắng sức của các cơ hô hấp.
  • Nghe tim: đánh giá các bệnh lý tim mạch liên quan.
  • Nghe phổi: đánh giá mức độ thông khí của phổi, những bất thường ở nhu mô phổi, đường dẫn khí có thể xảy ra.
  • Đánh giá mức độ thiếu máu, mức độ suy hô hấp: xem niêm mạc có tím hay không, đánh giá móng tay, móng chân.

Các xét nghiệm chẩn đoán

Sau khi khám bệnh, dựa vào các triệu chứng thu được các bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định xét nghiệm cần thiết.

  • Khí máu động mạch: đánh giá được bạn có suy hô hấp không và suy hô hấp thuộc loại nào, hướng chỉ định đến nhóm nguyên nhân gây suy hô hấp.
  • Xét nghiệm máu: đánh giá chỉ số viêm, gián tiếp đánh giá ảnh hưởng của suy hô hấp tới các cơ quan khác.
  • Nuôi cấy vi khuẩn: tìm ra vi khuẩn trong máu, nước tiểu, đờm.
  • Nội soi phế quản: đánh giá tình trạng đường thở, trong một số trường hợp có thể lấy dịch phế quản để xét nghiệm tìm vi khuẩn.
  • Chẩn đoán hình ảnh phổi: đánh giá nhu mô phổi và ảnh hưởng của suy hô hấp đến các cơ quan.
  • Các xét nghiệm về tim: do tim mạch và hô hấp luôn ảnh hưởng và biểu hiện chồng lấp lên nhau.
  • Sinh thiết: đánh giá về bản chất tế bào của các khối u.
  • Đo chức năng hô hấp: chỉ thực hiện khi không còn dấu hiệu suy hô hấp, giúp chẩn đoán các nguyên nhân mạn tính.

7Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ

Các dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ ngay nếu khó thở đi kèm các triệu chứng:

  • Tím tái ở lợi, niêm mạc mắt hoặc nặng hơn là tím tái cả người.
  • Nhịp thở nhanh (>40 lần/phút) hoặc nhịp thở chậm (<10 lần/phút).
  • Mạch nhanh nhỏ (>100 lần/phút) hoặc mạch chậm (<60 lần/phút).
  • Lú lẫn, mất thăng bằng.
  • Đau ngực dữ dội.

Các dấu hiệu cần đến các chuyên khoa hô hấp để được thăm khám.

  • Cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
  • Khó khăn khi thực hiện các việc nặng hoặc sinh hoạt hằng ngày.
  • Khó thở, luôn cảm giác không đủ oxy.
  • Móng tay khô, có khía.
  • Ho đờm, tăng tiết dịch.

Các địa chỉ khám chữa bệnh uy tín

Nếu gặp bất cứ dấu hiệu nào nên đến các bệnh viện chuyên khoa hoặc khoa hô hấp của các bệnh viện đa khoa để được thăm khám và điều trị. Tham khảo một số bệnh viện uy tín sau:

  • Tại Thành phố Hồ Chí Minh: bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh viện Chợ Rẫy,…
  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Phổi Trung Ương, Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai,…

Đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám

Đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám

8Các phương pháp chữa bệnh suy hô hấp

Suy hô hấp cấp: đến bệnh viện ngay lập tức.

Nguyên tắc xử trí chung:

  • Bệnh nhân cần được đảm bảo đường thở.
  • Điều trị tình trạng giảm oxy máu.
  • Điều trị tình trạng tăng CO2.
  • Thông khí hỗ trợ nếu có chỉ định.
  • Điều trị hỗ trợ tuần hoàn.
  • Điều trị nguyên nhân.

Suy hô hấp mạn:

  • Điều trị các nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa có nguy cơ gây suy hô hấp đặc biệt trên xoang và răng.
  • Điều trị các bệnh do các nguyên nhân khác nhau, tuân thủ chỉ định của bác sĩ với từng bệnh.
  • Cai thuốc lá và tuyệt đối không được sử dụng thuốc lá.
  • Tiêm phòng vắc-xin cúm và một số bệnh nhiễm khuẩn hô hấp như vắc-xin phế cầu.
  • Điều trị bằng thuốc: dùng thuốc kháng sinh, thuốc tiêu đờm, thuốc giãn phế quản, thuốc cải thiện trao đổi khí.
  • Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị suy hô hấp gồm có thuốc giãn phế quản, corticoid, thuốc trợ tim, thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu và một số loại thuốc khác.
  • Thở máy được áp dụng khi các biện pháp trên không hiệu quả.

Cần phải tuân thủ những chỉ định của bác sĩ

Cần phải tuân thủ những chỉ định của bác sĩ

9Biện pháp phòng ngừa

Đối với trẻ nhỏ

  • Cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin, các chất dinh dưỡng như kẽm, sắt, DHA, omega 3, một số loại nấm, hạt ngũ cốc thậm chí cả tảo,…
  • Tiêm đầy đủ các mũi tiêm ngừa theo lịch tiêm chủng mở rộng.

Đối với người lớn

  • Nếu có bất kì chấn thương, bệnh lý nào cần phải đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
  • Không hút thuốc lá và hít khói thuốc lá.
  • Cai rượu vì rượu làm tăng nguy cơ tử vong cũng như làm giảm hoạt động của phổi.

Nói không với thuốc lá là một trong những biện pháp phòng ngừa tốt nhất

Nói không với thuốc lá là một trong những biện pháp phòng ngừa tốt nhất

XEM THÊM

  • Cách xử lý khi đứng trước người bị suy hô hấp cấp
  • Viêm đường hô hấp trên
  • Cách phòng bệnh hen phế quản hiệu quả