Về mặt ngữ nghĩa, tên gọi ‘Ukraina’ được hiểu là ‘vùng đất bên lề’. Phải chăng bi kịch của đất nước này xuất phát từ chính tên gọi của nó?
>>Chính biến Ukraina: Chưa thể nói ai thắng
>> Yanukovich sẽ không chịu ‘nuốt’ thuốc đắng lần nữa?
Lịch sử chia cắt
Lịch sử Ukraina gắn liền với các cuộc chia cắt đất nước. Nhưng ngay cả khi đã có độc lập và chủ quyền, vấn đề lớn nhất với Kiev là làm gì với nền độc lập ấy – một kế hoạch mà họ chỉ có thể thực thi dưới ảnh hưởng của một bên nào đó.
Là quốc gia Đông Âu với phần lớn lãnh thổ nằm ở đồng bằng Tây – Nam Đông Âu, Ukraina là nơi giao nhau của các tuyến đường giao thông giữa châu Âu và châu Á, giữa các quốc gia Scandinavia với khu vực Địa Trung Hải. Ukraina có đường biên giới giáp với bảy quốc gia, là Belarus, Hungary, Mondova, Ba Lan, Rumani, Nga, Sovakia, và hướng ra hai biển là biển Đen và biển Azov.
Nhiều người từng đặt câu hỏi, phải chăng bi kịch của đất nước này xuất phát từ chính tên gọi của nó? Về mặt ngữ nghĩa, tên gọi ‘Ukraina’ được hiểu là ‘vùng đất bên lề’. Trải qua nhiều thăng trầm và thịnh suy của các đế chế, Ukraina luôn trong tình trạng chia rẽ và là đất của các quốc gia khác, lúc thuộc về nước này, lúc lại thành đất của quốc gia khác.
Vị trí của Ukraina
Nhà nước Kiev cổ đại ra đời từ thế kỷ 9 và thuộc Đế quốc Nga cho tới thế kỷ 19. Các triều đại vua chúa Nga đều coi đây là vùng đất của nước Nga, dưới sự trị vì của Sa Hoàng. Vào thế kỷ 13, Ukraina cũng từng bị Mông Cổ và Tác Ta xâm lược.
Khoảng thế kỷ 16 – 18, một phần lãnh thổ, dân cư của Ukraina lại bị sáp nhập vào Ba Lan. Hai phần còn lại của Ukraina chia cho Nga và Đế chế Ottoman. Tới thế kỷ 19, Ukraina bị chia cắt giữa Nga và Áo – Hung. Tới đầu thế kỷ 20, Ukraina giành được độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và không lâu sau đó lại gia nhập Liên Xô.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraina tuyên bố độc lập và thành lập nhà nước vào ngày 24/8/1991. Nhìn lại suốt quá trình kéo dài hàng thế kỷ đó, đất đai của Ukraina luôn bị xẻ cho các đế chế.
Có câu chuyện kể rằng, một người đàn ông sinh ra ở Ukraina vào năm 1912 tại vùng Carpathians, nay là Uzhgorod. Khi đó vùng đất này thuộc về Áo – Hung. Mười năm sau, biên giới đã dịch chuyển thêm vài dặm về phía đông, nên gia đình ông chuyển đi vài dặm về phía tây.
Ông có thể dùng bảy thứ tiếng (Hungary, Romani, Slovakia, Ba Lan, Ukraina và tiếng Yiddish), để nói được hai câu: “Các người muốn gì ở những con gà còm cõi ấy?”, và “Xin đừng bắn”. Những câu đó thực sự rất quan trọng với một người đàn ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất mà biên giới luôn xê dịch. Anh sẽ chẳng bao giờ biết chắc mình sẽ là công dân của nước nào, và ai sẽ chĩa súng vào anh.
Người đàn ông tiếp tục sống ở vùng đất này cho tới khi người Đức tới đây vào năm 1941 và quét sạch mọi thứ, và rồi sau đó là Liên Xô trở lại vào năm 1944. Ông là một trong số 10 triệu người đã sống hoặc chết tại nơi đây, và có lẽ chẳng ở đâu người dân lại khốn đốn như sống ở vùng đất ‘bên lề’ như ở Ukraina.
Từ đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất cho tới hết Chiến tranh thế giới thứ 2, tưởng chừng đất nước này cách địa ngục chẳng bao xa. Ukraina mắc kẹt giữa Stalin và Hitler, giữa nạn đói và tàn sát. Chẳng có quốc gia nào ở châu Âu phải thống khổ như Ukraina trong thế kỷ 20.
Xung đột và chia rẽ nội bộ
Ngoài bi kịch về địa lý, bản thân quốc gia với khoảng 60 dân tộc này cũng dễ nảy sinh các cuộc xung đột và chia rẽ nội bộ. Mong muốn người nước ngoài tới Ukraina để bình ổn và biến nó thành một vùng đất trù phú là một suy nghĩ có thực trong người dân nơi đây.
Một câu chuyện ngụ ngôn lưu truyền rằng từ xa xưa, những bộ tộc ngây thơ ở Ukraina có lời mời mọc: “Đất của chúng tôi vừa rộng lớn vừa trù phú, nhưng ở đây lại không có luật lệ. Xin hãy đến đây và cai quản, trị vì vùng đất này”.
Mặc dù lời truyền tụng này không có căn cứ, vì trên thực tế, các nhà buôn mới là người xây dựng nên Kiev, thủ đô của Ukraina ngày nay, chứ không phải là những kẻ đi chinh phục; tuy nhiên vẫn có các nhà sử học nghi ngờ rằng một số lời đề nghị kiểu đó là có thật. Câu chuyện chỉ mang tính ngụ ngôn này lại lý giải một phần tính cách và thực tế gây nên cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraina.
Ukraina trong xung đột. Ảnh: AP
Ukraina lúc này cũng nằm ở ‘vùng ven’ của nước Nga và châu Âu. Điều đặc biệt là Ukraina hiện đang độc lập và đã kéo dài nền độc lập được hơn 20 năm. Đây là thời gian độc lập kéo dài nhất của Ukraina trong nhiều thế kỷ.
Điều ấn tượng nhất về người Ukraina là, bề ngoại họ có vẻ đề cao độc lập, song những cuộc tranh cãi nội bộ dường như lại chỉ tập trung vào việc họ nên đi theo thực thể nước ngoài nào. Người dân ở vùng phía tây thì muốn là một phần của Liên minh châu Âu. Người dân phía đông thì muốn gần với Nga. Tựu chung, dân Ukraina vẫn muốn độc lập, nhưng không đơn thuần là độc lập thông thường.
Ý tưởng cho rằng Ukraina sẽ bị chia làm hai nửa, tây và đông khá phổ biến ở cả bên trong và ngoài đất nước Đông Âu này. Và nó cũng phù hợp với truyền thống là vùng đất ‘bên lề’ của Ukraina, chia giữa châu Âu và Nga. Vấn đề là giữa hai vùng không có một đường biên giới địa lý nào rõ ràng để phân tách, và bản thân miền trung cũng bị chia rẽ.
Một số người trong lớp sinh viên có tư tưởng tân tiến của Ukraina mang giấc mộng rời khỏi đất nước, họ mong mỏi ba điều. Thứ nhất là một nước Ukraina độc lập. Thứ hai là gia nhập Liên minh châu Âu. Và thứ ba họ muốn rời khỏi Ukraina và sống ở nước khác. Ở các bạn trẻ này, không có nhiều mối liên quan giữa tương lai đất nước và mưu cầu của mỗi cá nhân.
Để xây dựng một quốc gia đòi hỏi nhiều thế hệ, nhưng dường như tại Ukraina, những thế hệ đi trước có nguy cơ phải giơ lưng gánh vác một khoảng trống thế hệ nào đó trong tương lai. Và với một phần người Ukraina, đặc biệt là một số người thân phương Tây, mắc trong sự lựa chọn giằng co: chung tay xây dựng nên một đất nước Ukraina hay tạo dựng cuộc sống cho riêng mình.
Lê Thu (tổng hợp)