Viêm họng cấp là một trong những bệnh về tai mũi họng phổ biến nhất ở nước ta vào mùa đông hoặc khi thời tiết giao mùa. Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn có hệ miễn dịch suy giảm.
Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hương, Bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, viêm họng cấp gây đau, rát họng, ho và mệt mỏi. Đây là bệnh thường gặp và ít để lại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi bệnh gây biến chứng nặng thành viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm cơ tim. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và để lại di chứng bệnh tật lâu dài cho người bệnh như nghe kém do thủng màng nhĩ, thấp tim, bệnh thận mạn… thậm chí tử vong, nhất là ở trẻ em.
Viêm họng cấp là gì?
Viêm họng cấp là tình trạng viêm cấp tính và nhiễm trùng niêm mạc thành sau họng dẫn đến họng sưng đỏ, đau, rát, ngứa và gây ho, bệnh thường kéo dài 1-2 tuần. Nguyên nhân thường gặp nhất là do một số loại virus gây ra như virus á cúm, virus cúm, rhinovirus, coronavirus và virus hợp bào hô hấp (RSV) nhưng vi khuẩn cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.(1)
Nguyên nhân viêm họng cấp
Viêm họng cấp có thể do các loại virus hoặc các chủng vi khuẩn gây ra nhưng virus là nguyên nhân thường xuyên hơn.(2) Các loại virus gây viêm họng cấp bao gồm:
- Adenovirus
- Enterovirus
- Herpangia
- Coxsackie A16
- Herpes simplex (HSV)
- Virus sởi
Các loại vi khuẩn gây viêm họng cấp bao gồm:
- Liên cầu khuẩn nhóm A
- Vi khuẩn bạch hầu
- Vi khuẩn Fusobacterium Necrophorum
- Vi khuẩn lậu cầu
- Vi khuẩn Arcanobacterium
Triệu chứng viêm họng cấp tính
Bác sĩ Hương cho biết, các dấu hiệu viêm họng cấp thường chỉ kéo dài từ 1-2 tuần.
Các triệu chứng chung thường bao gồm họng sưng, đỏ, ngứa, rát, đau, có thể ho, khàn giọng, sốt, khó nuốt, mệt mỏi. Ngoài ra, tùy vào nguồn gây bệnh mà các triệu chứng có thể biểu hiện khác nhau như sau.
1. Viêm họng cấp do nhiễm virus
- Nhiễm Adenovirus: Thời gian ủ bệnh từ 2-4 ngày. Nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gây sốt, sung huyết hầu họng và phì đại amidan, cùng với xuất tiết đờm và hạch cổ sưng to. Khi viêm kết mạc xảy ra cùng với viêm họng do virus sẽ gây ra hội chứng sốt – kết mạc – họng. Viêm họng có thể kéo dài đến 7 ngày và không đáp ứng với kháng sinh. Trẻ em có thể bị tái nhiễm nhiều lần.
- Nhiễm enterovirus: Các enterovirus (coxsackie và echovirus) có thể gây đau họng, đặc biệt là vào mùa hè. Triệu chứng thường gặp bao gồm sốt cao, họng sung huyết ; amidan xuất tiết và viêm hạch cổ. Các triệu chứng sẽ hết trong vài ngày.
- Nhiễm virus Herpangina: Nhiễm Herpangina đặc trưng bởi các tổn thương dạng mụn nước màu trắng xám, rời rạc, đau nhiều, phân bố ở phía sau hầu họng. Các mụn nước có đường kính từ 1-2mm, lúc đầu được bao quanh bởi hồng ban trước khi chúng loét ra. Người bệnh có thể sốt cao 39,5°C với những cơn đau đầu dữ dội và cơ thể mất nước. Bệnh viêm họng do Herpangina thường kéo dài dưới 7 ngày.
- Nhiễm coxsackie A16: Các mụn nước gây đau, lở loét có thể xuất hiện khắp vùng hầu họng. Mụn nước cũng phát triển trên lòng bàn tay, lòng bàn chân và ít thường xuyên hơn ở thân hoặc tứ chi. Người bệnh thường bị sốt nhẹ và thời gian bệnh kéo dài khoảng một tuần.
- Nhiễm virus herpes simplex (HSV): Nhiễm trùng nguyên phát do virus Herpes simplex (HSV) thường gây sốt cao kèm theo viêm nướu răng cấp tính, bao gồm các mụn nước (trở thành vết loét) khắp phần trước của miệng và môi.
- Nhiễm virus sởi: Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi mắc bệnh sởi thường có những biểu hiện nổi bật ở miệng trong giai đoạn đầu của bệnh. Ngoài sốt cao, ho, sổ mũi và viêm kết mạc, hầu họng có thể sung huyết nhiều và lan tỏa nhưng amidan không bị sưng và không tiết dịch. Khi khám lâm sàng có sự hiện diện của các đốm Koplik, hình ảnh có màu trắng hoặc xanh trắng trên niêm mạc lợi gần răng hàm dưới.
2. Viêm họng cấp tính do nhiễm khuẩn
- Liên cầu khuẩn nhóm A: Khi đánh giá bệnh nhân viêm họng, mối quan tâm hàng đầu là chẩn đoán chính xác và điều trị viêm họng do liên cầu nhóm A (GAS) hoặc Streptococcus pyogenes, chiếm khoảng 15% tổng số các đợt viêm họng. Các di chứng của viêm họng GAS, đặc biệt là sốt thấp khớp cấp (ARF) và viêm cầu thận cấp (AGN), đã có lúc dẫn đến tỷ lệ bệnh tật và tử vong đáng kể ở Hoa Kỳ và tiếp tục như vậy ở các nơi khác trên thế giới. Bệnh có biểu hiện đặc trưng nhất là khởi phát đột ngột gây sốt và đau họng. Nhức đầu, khó chịu, đau bụng, buồn nôn và nôn cũng thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị ho, viêm kết mạc, đau buốt, tiêu chảy, tổn thương và loét niêm mạc họng rải rác, khàn tiếng. Khi khám bệnh thấy sung huyết hầu họng rõ rệt, có thể ghi nhận các đốm xuất huyết trên vòm miệng hoặc trong họng, đặc biệt là thể bệnh tăng bạch cầu đơn nhân. Amidan to ra, có màu đỏ, trên bề mặt có những hốc mủ. Các nhú của lưỡi có thể đỏ và sưng lên, các hạch cổ thường mềm và sưng to.
- Sốt tinh hồng nhiệt: Bệnh do nhiễm một chủng GAS có chứa một loại vi khuẩn tạo ra độc tố hồng cầu (tạo ra mẩn đỏ), thường là ngoại độc tố A. Các triệu chứng thường gặp nhất là ban đỏ xuất hiện trên mặt và sau 24 giờ sẽ lan ra toàn thân. Các vệt ban sẽ bong ra sau vài ngày xuất hiện trông giống như bị cháy nắng nhẹ. Ngoài ra, ho, chảy máu cam, viêm kết mạc, viêm thanh quản, hôi miệng, mũi họng hoặc tiêu chảy là những biểu hiện của viêm họng cấp tính do sốt tinh hồng nhiệt.
- Nhiễm khuẩn trong tăng bạch cầu đơn nhân: Viêm họng xuất tiết cấp tính thường xảy ra với bệnh tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm virus Epstein-Barr (EBV) nguyên phát. Tăng bạch cầu đơn nhân là một rối loạn tăng sinh bạch huyết toàn thân tự giới hạn. Các triệu chứng đặc hiệu bao gồm sốt, viêm họng cấp nhẹ hoặc nặng, sưng amidan có thể gây tắc nghẽn đường thở, ban đỏ và xuất tiết amidan. Các hạch bạch huyết cổ có thể sưng to và hơi mềm.
- Nhiễm khuẩn Fusobacterium Necrophorum: Fusobacterium necrophorum là một vi khuẩn gram âm kỵ khí, ngày càng được công nhận là nguyên nhân gây viêm họng ở thanh thiếu niên và người lớn. Viêm họng do vi khuẩn này có thể kết hợp với sự phát triển của viêm tắc tĩnh mạch cảnh trong, được gọi là hội chứng Lemierre. Bệnh nhân có biểu hiện ban đầu là sốt, đau họng, viêm họng xuất tiết và/hoặc áp xe thành sau họng. Các triệu chứng kéo dài, sưng và đau cổ dữ dội; bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc.
- Nhiễm khuẩn Arcanobacterium: Arcanobacterium haemolyticum là một vi khuẩn gram dương gây ra viêm họng cấp tính và phát ban đỏ. Bệnh thường gặp hơn ở thanh thiếu niên với các triệu chứng sung huyết hầu họng, dịch tiết từ amidan trắng đến xám, viêm hạch cổ và sốt nhẹ. Ngoài ra, triệu chứng còn có thể là chấm xuất huyết ở lòng bàn tay và lưỡi; phát ban dạng sốt tinh hồng nhiệt thường xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân; phát ban đỏ và trắng có thể gây ngứa và ít bong tróc.
- Nhiễm khuẩn bạch hầu: Bạch hầu là một bệnh rất nghiêm trọng do nhiễm trùng hầu họng bởi các chủng vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae có độc tố. Thời gian ủ bệnh từ 1-5 ngày với các triệu chứng đau họng, chán ăn, khó chịu và sốt nhẹ. Màng màu xám hình thành trong vòng 1-2 ngày trên amidan và thành họng nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở thanh quản và khí quản.
- Nhiễm khuẩn lậu cầu: Nhiễm khuẩn lậu cầu Neisseria gonorrhoeae thường có các triệu chứng viêm amidan có mủ, loét nhưng có thể không có triệu chứng và sau đó tự khỏi.
- Nhiễm vi khuẩn Haemophilus influenzae type b: Đây là loại vi khuẩn gây ra viêm thanh thiệt và viêm khí quản. Bệnh có biểu hiện với sự khởi đầu cấp tính là sốt và đau họng nghiêm trọng, sau đó tiến triển nhanh chóng gây tổn thương đường thở. Bệnh nhân thường chảy nước bọt, nói lắp hoặc nói khó.
Chẩn đoán viêm họng cấp
Theo bác sĩ Hương, khám lâm sàng có thể xác định được viêm họng cấp và nguồn gây bệnh. Trường hợp sau khi khám chưa đủ cơ sở xác định bệnh thì cần làm thêm các xét nghiệm.
1. Khám lâm sàng
Các triệu chứng lâm sàng của viêm họng cấp thường kéo dài 1-2 tuần bao gồm:
- Khàn tiếng
- Loét miệng
- Viêm kết mạc
- Ho
- Viêm thanh quản
- Nổi hạch
Một số loại virus như virus á cúm và virus cúm, Rhinovirus, Coronavirus và virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra các hội chứng lâm sàng riêng biệt bao gồm sổ mũi, ho, viêm họng có thể chẩn đoán dễ dàng mà không cần làm xét nghiệm, cụ thể.
- Virus cúm: Có thể gây sốt cao, ho, nhức đầu, khó chịu, đau cơ và nổi hạch cổ. Ở trẻ nhỏ, có thể xảy ra viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản.
- Virus RSV: Nhiễm RSV ở trẻ lớn thường không thể phân biệt được với nhiễm trùng đường hô hấp trên. Ở trẻ nhỏ có thể xảy ra viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Trong khi đó, viêm họng không phải là dấu hiệu nổi bật của nhiễm RSV ở mọi lứa tuổi.
- Virus á cúm: Nhiễm virus á cúm có thể gây viêm tiểu phế quản; đau họng nhẹ nhưng nhanh chóng khỏi. Nhiễm virus á cúm, virus cúm và RSV thường gặp trong các dịch theo mùa, nhất là vào mùa đông. Bệnh nhân có các triệu chứng virus rõ ràng không cần xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm A. Tuy nhiên, bác sĩ không thể sử dụng phương pháp khám lâm sàng để phân biệt viêm họng do virus và viêm họng do liên cầu nhóm A khi không có các triệu chứng do virus.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
- Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh (RADT): Các bác sĩ lâm sàng cần sử dụng xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh (RADT) để xác định viêm họng do liên cầu nhóm A. Tuy nhiên, xét nghiệm viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A không được chỉ định thường quy cho trẻ em dưới 3 tuổi và người bị sốt thấp khớp cấp tính.
- Nuôi cấy dịch họng: Đây là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán viêm họng cấp.
- Xét nghiệm máu: Được chỉ định khi có nghi ngờ viêm họng cấp do liên cầu khuẩn.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Thường được chỉ định để xác định biến chứng áp xe thành sau họng do viêm họng cấp.
Phương pháp điều trị viêm họng cấp
Theo bác sĩ Hương, tùy vào mức độ viêm có thể điều trị viêm họng cấp bằng thuốc kết hợp với các phương pháp hỗ trợ tại nhà hoặc điều trị tại bệnh viện.
1. Điều trị bằng thuốc
Thuốc kháng sinh Penicillin hoặc Amoxicillin được chỉ định cho bệnh nhân có RADT dương tính hoặc cấy dịch cổ họng. Theo bác sĩ Hương, điều trị bằng kháng sinh làm giảm tỷ lệ mắc các di chứng của viêm họng do GAS, chẳng hạn như áp xe thành sau họng.
Tùy theo cấp độ bệnh, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường uống hoặc tiêm bắp. Việc điều trị bằng kháng sinh còn giúp giải quyết nhanh hơn các dấu hiệu và triệu chứng, đồng thời chấm dứt khả năng lây nhiễm trong vòng 24 giờ.
2. Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật thường được chỉ định để điều trị các biến chứng do viêm họng cấp gây ra và không đáp ứng với điều trị y tế thông thường, chẳng hạn như áp xe thành sau họng. Khi phát hiện thấy áp xe trên lâm sàng hoặc bằng chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT), phẫu thuật dẫn lưu sẽ được chỉ định.
3. Các phương pháp hỗ trợ điều trị tại nhà
Người bệnh có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ chữa viêm họng cấp tại nhà như:
-
- Ngậm nước muối: Nước muối rất hữu ích trong việc kháng viêm và làm giảm tải lượng vi khuẩn trong vòm họng. Mỗi ngày người bệnh nên ngậm nước muối súc họng khoảng 1 phút mỗi sáng và tối, hoặc bất cứ khi nào cảm thấy họng đau rát và ho nhiều để làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ Hương lưu ý, có thể tự pha nước muối để sử dụng nhưng tốt nhất người bệnh nên dùng nước muối sinh lý để tránh nguy cơ gây tổn thương niêm mạc họng và miệng do nồng độ natri quá đậm đặc.
-
- Xông tinh dầu: Xông tinh dầu là liệu pháp tốt dành cho các loại viêm đường hô hấp trên. Các loại tinh dầu như bạc hà, xả, gừng, hoa cúc… giàu chất kháng viêm sẽ làm ẩm và dịu cổ họng, làm giảm triệu chứng nghẹt mũi, mang đến cảm giác dễ chịu cho người bệnh.
-
- Uống các loại trà thảo dược ấm: Các loại trà ấm như trà hoa cúc, trà bạc hà, trà gừng, trà quế có thể cải thiện tình trạng nghẹt mũi, đau họng. Người bệnh có thể uống vào buổi sáng khi ngủ dậy để giúp thông đường thở.
-
- Mật ong: Mật ong giàu chất kháng viêm, thường được dùng cho cả người lớn và trẻ em để giảm bớt các triệu chứng viêm họng.
-
- Thuốc xịt họng: Các loại thuốc xịt mũi họng không kê đơn có chứa phenol cũng có thể dùng để điều trị tại chỗ.
Cách phòng ngừa viêm họng cấp tính
Viêm họng cấp có nguyên nhân phổ biến nhất từ virus. Vì vậy việc phòng ngừa chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn sự lây lan của các loại virus bằng cách như:
- Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà;
- Tránh tụ tập nơi đông người;
- Tránh tiếp xúc với người bệnh;
- Giữ ấm cơ thể, tránh uống nước đá, hút thuốc, uống rượu gây kích ứng niêm mạc họng;
- Vệ sinh tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi trở về nhà;
- Thực hành thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần hoặc ít nhất là mỗi năm một lần để phát hiện và điều trị sớm các nguyên nhân có thể gây viêm họng cấp.
Các biến chứng của viêm họng cấp tính
Theo bác sĩ Hương, viêm họng cấp tính không được điều trị tốt nhiều khả năng sẽ tiến triển thành viêm họng mãn tính hoặc gây ra các biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là ở trẻ em.(3) Những biến chứng của viêm họng cấp có thể bao gồm:
- Viêm phổi nặng và viêm gan, viêm cơ tim, viêm cơ thường gặp ở nhiễm Adenovirus.
- Viêm màng não, viêm cơ tim, thường gặp ở nhiễm Enterovirus.
- Áp xe thành sau họng.
- Viêm tai giữa, viêm xương chũm và viêm xoang ở viêm họng cấp do GAS.
Các thắc mắc thường gặp về bệnh viêm họng cấp
1. Viêm họng cấp có lây không?
Viêm họng cấp do virus và liên cầu khuẩn nhóm A có thể lây lan từ người này sang người khác.
2. Viêm họng cấp ở trẻ em có nguy hiểm hơn ở người lớn không?
Viêm họng cấp do virus Adenovirus, Enterovirus rất nguy hiểm vì có thể gây biến chứng viêm phổi nặng, viêm gan, viêm cơ tim, viêm màng não đe dọa tính mạng trẻ nhỏ.
Tìm hiểu nguyên nhân gây, triệu chứng của bệnh viêm họng cấp ở trẻ em, để có thể phòng ngừa và điều trị đúng cách khi trẻ mắc bệnh.
3. Viêm họng cấp kéo dài bao lâu?
Viêm họng cấp thường kéo dài từ 1-2 tuần sẽ khỏi.
4. Sự khác biệt giữa viêm họng cấp tính và viêm họng mạn tính là gì?
Viêm họng cấp tính thường chủ yếu do virus. Viêm họng cấp tính chỉ diễn ra trong thời gian ngắn dưới 14 ngày. Viêm họng mạn tính kéo dài nhiều tuần.
Viêm họng cấp do virus phổ biến hơn do vi khuẩn. Cả hai nguồn gây bệnh đều có thể để lại hậu quả nặng nề nhất là ở trẻ em. Do vậy, việc chẩn đoán chính xác bệnh viêm họng cấp là cần thiết để chỉ định các liệu pháp điều trị thích hợp, đảm bảo ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng và hạn chế phẫu thuật, nhất là viêm họng cấp do liên cầu khuẩn.
Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị thăm khám, chẩn đoán, điều trị chuyên sâu các bệnh lý về tai mũi họng, trong đó có viêm họng cấp. Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi nghề, giàu kinh nghiệm, được hỗ trợ bởi hệ thống trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại như máy nội soi tai mũi họng Xion (Đức), máy khoan bào mô Medtronic (Mỹ), máy cắt đốt Coblator và plasma (Mỹ)… cùng với sự kết hợp mật thiết trong chẩn đoán và điều trị giữa các chuyên khoa Tai Mũi Họng, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Ung bướu… giúp cho việc khám chữa bệnh chuyên nghiệp, toàn diện, hiệu quả cao.