Wash out là một giai đoạn thường thấy trong thị trường, nhà đầu tư cần nhận diện được để ra phương án ứng xử phù hợp. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư mới, đây vẫn là một thuật ngữ khá xa lạ. Vậy wash out là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến phiên wash out? Nhà đầu tư nên xử lý tài khoản như thế nào trong và sau những phiên wash out? Hãy tìm hiểu cùng DNSE qua bài viết dưới đây nhé!
Wash out là gì ?
Wash out (rũ bỏ) là thuật ngữ chỉ một phiên giao dịch giảm điểm mạnh của thị trường chung. Nhà đầu tư hoảng loạn dẫn đến tình trạng bán tháo, khiến cổ phiếu giảm mạnh. Phiên wash out thường là phiên cuối cùng trong giai đoạn giảm điểm; lượng cung sau khi bán mạnh trong phiên đã cạn dần. Phiên rũ bỏ không có nghĩa là thị trường đang trong giai đoạn giảm; có thể thị trường đang trong đà tăng, “cá mập” muốn rũ bỏ những nhà đầu tư “tâm lý yếu” để họ bán với giá thấp; sau đó “cá mập” sẽ tiếp tục kéo giá cổ phiếu vượt đỉnh và tiếp tục giai đoạn tăng giá.
Sau phiên wash out nhiều khả năng thị trường sẽ tạo đáy và hồi phục. Nhà đầu tư nếu có thể giải ngân thì nên mua cổ phiếu ở sau phiên rũ bỏ 1-2 phiên; nhằm xác định đáy của thị trường phòng ngừa bẫy giảm giá có thể giảm tiếp. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu có thể cơ cấu sang những cổ phiếu “khỏe” đầu ngành nhằm đảm bảo lợi nhuận trong giai đoạn hồi phục cũng như cải thiện khoản lỗ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng wash out
Phiên wash out xảy ra do nhà đầu tư dần mất niềm tin vào thị trường; thị trường liên tục ra những thông tin tiêu cực về vĩ mô, về doanh nghiệp (có thể tin tức đến từ thế giới như chiến tranh, lạm phát, dịch bệnh, tăng lãi suất, điều chỉnh chính sách tiền tệ từ các quốc gia lớn); từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và dẫn đến bán tháo cổ phiếu.
Bên trên là nguyên nhân mà nhà đầu tư thường thấy trên các trang thông tin. Vậy còn nguyên nhân nào khác hay không? Thực ra vẫn còn nguyên nhân khác dẫn đến phiên rũ bỏ này.
Có thể nhà tạo lập sau một giai đoạn “đè giá” một số cổ phiếu, bên cạnh đó nhà tạo lập sẽ dùng một số cổ phiếu trụ có vốn hóa lớn trên thị trường để giữ điểm thị trường chung không giảm quá sâu. Điều này tức là giá nhiều cổ phiếu mà họ muốn “đè giá” thì vẫn “nằm sàn” nhiều phiên, nhưng mặc nhiên điểm số thị trường không giảm quá nhiều khiến nhà đầu tư vẫn chưa nhận ra điều này.
Sau một giai đoạn “đè giá”, nhà tạo lập nhận ra còn một lượng cổ phiếu vẫn còn nằm trong tay “nhỏ lẻ”, họ sẽ tiến hành bán tháo những cổ phiếu này và bên cạnh đó cũng có truyền thông về những thông tin tiêu cực khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào cổ phiếu đang nắm giữ và bán ra cho nhà tạo lập với giá cực rẻ. Nhiều cổ phiếu như vậy đã tạo nên một phiên rũ bỏ và giảm điểm mạnh của thị trường.
Dấu hiệu của phiên wash out
Những dấu hiệu trong các trường hợp sau đây sẽ xảy ra phiên wash out:
- Thị trường trải qua chuỗi giảm điểm dài, nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh
- Khối lượng giao dịch trong phiên cao đột biến so với các phiên trước đó, kết hợp cùng biên độ giảm điểm lớn
- Thị trường có nhiều mã cổ phiếu giảm sàn nhưng điểm số thị trường giảm rất ít. Cũng như phần trên bài viết có đề cập về nguyên nhân dẫn đến phiên rũ bỏ, nhà tạo lập lúc này sẽ giữ điểm bằng cổ phiếu trụ VN30. Sau một khoảng thời gian, phiên rũ bỏ sẽ xảy ra khi họ bán tháo và không dùng cổ phiếu trụ để giữ thị trường nữa.
Ví dụ
Có thể thấy sau nhiều phiên giảm điểm, cổ phiếu HPG tiếp tục đà giảm điểm nhưng không đáng kể. Đánh dấu sau cùng là phiên rũ bỏ. Dấu hiệu là khi cổ phiếu giảm phá vỡ hỗ trợ và nhà đầu tư bán tháo. Sau đó thanh khoản giảm dần, thêm vào đó là tin tức ngành thép lúc này đang rất tiêu cực được lan truyền như giá thép giảm mạnh, sản lượng xuất khẩu giảm,..trong giai đoạn cuối quý 4 2021 và đầu năm 2022.
Tương tự như HPG, cổ phiếu TCB cũng đã trong giai đoạn giảm liên tục. Trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 5, khi tin tức về nợ xấu của ngành ngân hàng được lan truyền nhiều trên phương tiện truyền thông; nhiều nhà đầu tư lúc này đã bán tháo và tạo nên khối lượng giao dịch lớn. Dần về cuối khi đã “cực kỳ chán nản”, thêm vào đó khi tin tức tiêu cực nhất được lan truyền, nhà tạo lập và nhà đầu tư nhỏ lẻ bán mạnh tạo nên phiên wash out. Dấu hiệu chúng ta thấy đó là tin tức xấu được lan truyền và cổ phiếu đã giảm trong thời gian dài; cuối cùng sau đó sẽ xuất hiện phiên rũ bỏ.
Nhà đầu tư nên làm gì trong các phiên wash out?
Thực tế, trong phiên wash out thì nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể thay đổi tình hình. Việc họ làm lúc này là nên giữ hay nên bán cổ phiếu. Nếu xác định được đây là phiên wash out thì việc bán cổ phiếu trong phiên hay sau phiên này là không nên. Bởi vì phiên wash out khả năng cao sẽ tạo đáy và hồi phục toàn thị trường. Nhà đầu tư thường đã lỗ đến hơn 40% nếu giữ đến kết thúc phiên wash out. Việc cổ phiếu sẽ phục hồi giúp bạn có lại được 5-10% là điều không tệ.
Hãy mua cổ phiếu tốt và giảm sâu nếu xác định đây là phiên wash out. Việc mua cổ phiếu tất nhiên phải qua định giá và xem xét nền tảng; bạn không thể xác định đây là phiên rũ bỏ và nhắm mắt mua một cổ phiếu bất kỳ. Hãy định giá cổ phiếu đã chiết khấu sâu so với thị trường hay chưa; xem xét nền tảng doanh nghiệp và vị thế của họ trong ngành. Nếu có thể bạn hãy giải ngân 40% tiền mặt trong phiên wash out; từ đó tiếp tục gia tăng tỷ trọng vào những phiên có xu hướng tăng rõ ràng.
Nhiều nhà đầu tư kể cả chuyên nghiệp cũng không xác định được phiên wash out chắc chắn. Đa phần tâm lý đã bị dẫn dắt bởi các thông tin tiêu cực nên nếu tâm lý không vững thì rất ít nhà đầu tư giải ngân trong những phiên như vậy. Vì vậy, hãy tỉnh táo nhận ra phiên wash out, phân bổ dòng tiền hợp lý và cơ cấu sang cổ phiếu “khỏe” hơn để có thể tránh giai đoạn giảm có thể xảy ra.
Khi tiếp nhận những thông tin tiêu cực, hãy bình tĩnh xác định bằng nhiều góc độ. Qua đó, có thể áp dụng các dấu hiệu cho phiên wash out ở trên để xử lý danh mục của bạn.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ về wash out là gì trong chứng khoán. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn nhiều kiến thức về phiên wash out. Hãy thường xuyên cập nhật kiến thức cùng DNSE nhé!