Giới thiệu khái quát huyện Bắc Sơn – Tỉnh Lạng Sơn – Vansudia.net

Bắc sơn ở đâu

Bắc Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn, thuộc vòng cung Bắc Sơn của vùng Đông Bắc, là huyện có nhiều di chỉ khảo cổ về người tiền sử, nơi đây các nhà khảo cổ đã phát hiện ra cả một nền văn minh người Việt cổ và sơ kỳ đồ đá mới mang tên văn hóa Bắc Sơn; là căn cứ địa kháng chiến, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, chống Nhật, chống Pháp của lực lượng Việt Minh những năm 1940.

Huyện Bắc Sơn nằm vào khoảng giữa thành phố Lạng Sơn và thành phố Thái Nguyên, có độ cao trung bình 400 m so với mực nước biển, nằm gọn trong khu vực núi đá vôi, có diện tích từ nhiên là 699,42 km2,, phía tây tiếp giáp với huyện Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên, phía nam giáp với huyện Hữu Lũng, phía Bắc giáp với huyện Bình Gia, phía đông giáp với huyện Văn Quan. Huyện Bắc Sơn có 65.907 người gồm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống tại 19 xã và 1 thị trấn. Huyện lỵ đặt tại thị trấn Bắc Sơn.

Địa hình

Địa hình Bắc Sơn khá phức tạp vì có núi đá, núi đất tạo thành một vòng cung dốc nghiêng về phía Tây Nam, xen kẽ giữa các dãy núi đá vôi là các thung lũng khá bằng phẳng, độ cao trung bình so với mặt nước biển trên 400 m.

Trên địa bàn Bắc Sơn có các ngọn núi cao từ 500-1.200 m như ngọn Khau Pi Ao (1107 m), ngọn Pa Lép (503 m)…

Khí hậu

Bắc Sơn có nhiệt độ bình quân khoảng 20,80C, độ ẩm trên 82 %, lượng mưa trung bình 1.500 – 1.600 mm/năm. Bắc Sơn nằm trong vòng cung đá vôi Bắc Sơn nên ít bị ảnh hưởng của gió bão và sương muối.

Tài nguyên

Trên địa bàn Bắc Sơn có quặng bauxite ở Gia Hoà, Hương Sóc, Lân Hát, Lân Nà, Nà Nâm, Pia Cáng, Tân Hương; thuỷ ngân ở Bố Ngần; vàng sa khoáng ở Lân Khuyến, Lân Rào, Mỏ Nhài; đá ốp lát ở Vũ Sơn, Mỏ Hao, Vũ Lễ…

Tiềm năng kinh tế

Đất ở Bắc Sơn chủ yếu là đất đỏ vàng trên đất sét (chiếm trên 42% diện tích tự nhiên), đất đỏ vàng trên đá magma axit (chiếm trên 28%), đất vàng trên đá cát (chiếm 3,4%), đất phù sa (chiếm 1,2%) và các loại đất tụ dốc, đất nâu đỏ trên đá vôi…

Đất đai của Bắc Sơn thích hợp trồng các loại cây như: quýt, lê, mận, mơ, ngô, khoai, sắn, hồi, quế…

Trên địa bàn Bắc Sơn có quốc lộ 1B, tỉnh lộ 241 chạy qua.

Văn hoá, xã hội

Bắc Sơn có 20 đơn vị hành chính, bao gồm thị trấn Bắc Sơn và 19 xã: Nhất Tiến, Tân Thành, Nhất Hoà, Trấn Yên, Vũ Lăng, Tân Hương, Chiến Thắng, Vũ Lễ, Tân Tri, Vũ Sơn, Tân Lập, Chiêu Vũ, Hưng Vũ, Hữu Vĩnh, Bắc Sơn, Đồng Ý, Vạn Thuỷ, Long Đống và Quỳnh Sơn.

Bắc Sơn là địa bàn sinh sống của 6 dân tộc gồm: Tày, Kinh, Dao, Nùng, Hoa, H’Mông. Người H’Mông ở Bắc Sơn sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương, trồng bắp và các loại cây ăn quả như: lê, mận, mơ, đào.

Trang phục của người H’Mông được làm chủ yếu từ cây lanh có những hoạ tiết, hoa văn (hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi, hình xoáy ốc) được thêu từ tơ tằm. Màu sắc chủ đạo là xanh, đỏ, đen, vàng. Trang phục truyền thống của phụ nữ H’Mông gồm áo (so) xẻ ngực, váy (ta), tấm vải che phía trước váy (xế), thắt lưng và xà cạp (khử lau).

Áo của phụ nữ H’Mông có cổ phía trước hình chữ V, được nẹp thêm vải màu, phía sau là một bức thêu hình chữ nhật được trang trí hoa văn, hai ống tay áo thường được thêu hoa văn là những đường vằn ngang với đủ màu sắc. Váy của phụ nữ H’Mông có nhiều nếp gấp, rộng, thêu hoa văn ở chân váy. Phụ nữ H’Mông thường để tóc dài và quấn vòng quanh đầu rồi đội khăn.

Nam giới H’Mông mặc quần màu đen, ống rộng có thắt lưng (lăng dua la).

Vào những dịp lễ, tết, người H’Mông sử dụng khèn, đàn môi và cùng nhau múa khèn, múa ô, hát ống và chơi những trò chơi dân gian như: ném pao, đua ngựa, bắn nỏ, đẩy gậy, bắn cung.. người H’Mông có món đặc sản thắng cố với những gia vị độc đáo như thảo quả, mắc khén…

Tiềm năng du lịch

Đến Bắc Sơn, du khách có thể tham quan di tích lịch sử rừng Khuổi Nọi, nhà sàn Long Đống, thôn Mỏ Tất, đồn Mỏ Nhài, đèo Tam Canh, đình Nông Lục … và những thắng cảnh như: hang Nà Thi, hồ Tam Hoa, hồ Vũ Lăng, hồ Pác Mỏ, hang Pác Mỏ, hang Cốc Lỵ, hang Lân Pán, hang Nàng Tiên …