Stockholm – Thành Phố Của Mọi Cảm Giác – LỬA VIỆT TOURS

Stockholm ở đâu

Stockholm – thủ đô của vương quốc Thụy Điển còn được gọi là :”Một trong những thành phố đẹp nhất thế giới”, “thành phố của mọi cảm giác”, “thành phố của nước và cây” “thủ đô xanh”, “Con đường dẫn đến giải Nobel”, “Venice của Bắc Âu”…Còn tôi, thích gọi Stockholm là “Thủ đô bền vững”.

Stockholm được thành lập từ giữa thế kỷ thứ 13, nằm trên bờ biển Đông Thụy Điển (vùng Scandinavi) bao gồm 14 đảo nhỏ kết nối với nhau bởi 50 chiếc cầu trong 1 quần đảo gồm 24.000 hòn đảo giữa hồ Malaren và biển Baltic.

Hơn 30% thủ đô là kênh đào, gần 40% là không gian xanh với công viên và cây cỏ, Stockholm có khí hậu trong lành hơn bất cứ thủ đô nào của thế giới. Nếu Venice là thành phố trên mặt biển thì Stockholm là thành phố trên các hòn đảo trên biển. Phà, thuyền, cano là những phương tiện vận chuyển phổ biến ở đây bên cạnh xe bus, xe lửa, xe điện ngầm… Quần đảo Stockholm bao quanh thủ đô với 24.000 đảo nhỏ, trải dài hơn 80km, chỉ có khoảng hơn 1.000 đảo là có người ở. Đa phần là hoang sơ tự nhiên, phù hợp với sở thích cắm trại cuối tuần của người dân Thụy Điển. Những “nhà lều” với tiện nghi kép kín để con người đắm mình trong thiên nhiên, làm bạn với rừng và biển. Thụy Điển là một trong những nước có rừng nhiều nhất thế giới, có một diện tích gấp rưỡi Việt Nam nhưng dân số chỉ bằng 12% . Khác với nhiều nước, rừng Thụy Điển dù là sở hữu nhà nước hay tư nhân đều phải chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Người dân có thể vào bất cứ khu rừng nào để hái dâu, hái nấm – những sản phẩm không chỉ để tiêu dùng mà còn xuất khẩu cùng nhiều sản vật khác từ rừng, ngoại trừ khai thác gỗ. Họ có những qui ước chặt chẽ để bảo vệ nguồn lợi của rừng, phân chia trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng rất cụ thể.

Không hổ danh là “Một trong những thành phố đẹp nhất thế giới”, Stockholm có quá nhiều chỗ để đi, quá nhiều nơi để chiêm ngắm, quá nhiều điểm để mua sắm…Lắm lúc, làm bối rối, dùng dằng, tiếc nuối bởi không đủ thời gian. Cổ trấn Gamla Stan – trung tâm của thủ đô – là “bảo tàng khổng lồ ngoài trời”, được giữ gìn hoàn hảo từ thế kỷ 13. Khu phố cổ này nằm trên 3 hòn đảo: Riddarholmen, Staden, Helgeandsholmen và tập trung nhiều kiến trúc cổ kính theo phong cách Phục Hưng từ thế kỷ 17. Cung điện Hoàng Gia Thụy Điển (Kungliga Slottet) được xem là kiến trúc đặc biệt nhất của Stockholm. Đây là nơi ở của hoàng tộc, nơi diễn ra các sự kiện quốc gia quan trọng, nơi trưng bày nhiều cổ vật của Hoàng Gia: Vương miện dát đầy châu ngọc, những thanh kiếm quốc bảo, những bộ giáp trụ cổ xưa, những bộ yên ngựa độc đáo, những bộ trang phục của các chiến binh lẫm liệt… Cạnh cung điện Hoàng Gia là Storkykan – nhà thờ gạch giản đơn từ đầu thế kỷ 14 nay là thánh đường của Stockholm. Đây là nơi diễn ra các lễ đăng quang, các hôn lễ và các nghi lễ tôn giáo của hoàng tộc. Nội thất thánh đường được thiết kế lộng lẫy theo phong cách Baroque với nhiều kiệt tác điêu khắc sinh động từ thế kỷ 15, mô tả các truyền thuyết về thánh George và rồng thiêng, những dãy ghế dành cho hoàng gia, có cả chiếc ngai vàng khổng lồ… Biển xanh-cây xanh-trời xanh và những kiến trúc cổ kính vẫn kiêu hãnh bên nhau. Stortoget – quảng trường chính của phố cổ được bao bọc bởi hàng trăm tòa nhà cổ. Những “phố nhỏ – ngõ nhỏ” thủy chung đợi chờ du khách bằng các lối đi hẹp rải đá cuội dưới chân như muốn níu bao hoài niệm mà thời gian không thể xóa nhòa. Cảnh đẹp như tranh, du khách cứ ngập ngừng đi – ở, ai cũng muốn ghi lại mọi hình ảnh về làm quà cho bạn bè.

Cổ trấn Gamla Stan

Hoặc dừng bước thưởng thức các nghệ sĩ hát rong, nghệ sĩ tạp kỷ vỉa hè đang “rút ruột rút gan” “tâm tình và chuyện trò” với du khách, cứ như những tri âm – tri kỷ tự thủa nào.

Bên cạnh cổ trấn Gamla Stan là Stockholm hiện đại với những kiến trúc mới đặc thù. Tòa thị chính thành phố – xây dựng từ 1911, nhìn xuống hồ Malaren được xem là công trình đẹp nhất của Thụy Điển. Tòa nhà hình chữ nhật, tường gạch màu vang đỏ, đỉnh tháp của tòa nhà là điểm lý tưởng để thỏa thuê chiêm ngắm toàn cảnh Stockholm. Tại đây có Đại Sảnh Vàng – nơi trưng bày nhiều hiện vật được chạm trỗ hoặc khảm bằng vàng và pha lê; Đại Sảnh Xanh – nơi hàng năm diễn ra lễ trao giải Nobel danh giá với sự có mặt của Vua và Hoàng Hậu Thụy Điển cùng nhiều nguyên thủ quốc gia bên cạnh những nhà khoa học kiệt xuất thuộc các lĩnh vực: Vật Lý, Hóa Học, Y Học, Văn Học, Kinh Tế, Hòa Bình. Giải thưởng được sáng lập từ năm 1901 bởi Alfred Nobel, một nhà khoa học vĩ đại người Thụy Điển – người phát minh ra thuốc nổ, được công bố vào tháng 10, trao giải vào ngày 10.12 (ngày mất của Nobel). Ông đã dành 94% tài sản của mình là 2.000.000 bảng Anh lúc đó đầu tư vào các nguồn an toàn và lấy hàng năm để làm giải thưởng. Skansen – được xem là bảo tàng ngoài trời về Thụy Điển thu nhỏ gồm 150 tòa nhà với nhiều phong cách kiến trúc khác biệt tái hiện các thời kỳ và các vùng khác nhau của Thụy Điển cùng hàng ngàn mẫu vật minh họa sống động. Công viên Skansen – nơi có mặt gần như các loài cá nước ngọt tiêu biểu của thế giới và nhiều loài linh trưởng quý hiếm của các nước. Muốn tận hưởng sự náo nhiệt thì đến khu Slussen hoặc tới thăm đảo Sordermalm “sành điệu”. Thư viện công cộng Sveavagen 73, xây dựng từ năm 1982 có nội thất hình trụ của hội trường chính rất ngoạn mục với 3 tầng chứa sách bao bọc bởi tường nghiêng 360o. Globe hay là Ericsson Globe là một khối cầu trắng khổng lồ. “Địa cầu” có vũ đài 16.000 chỗ, là tòa nhà hình cầu lớn nhất thế giới, nơi tổ chức nhiều sự kiện thể thao và các cuộc thi đấu khúc côn cầu (môn thể thao vua ở Thụy Điển cùng với bóng đá)…

Ngoài những bãi biển yên bình, những rừng cây tĩnh lặng giữa phố, Stockholm còn có hơn 70 bảo tàng thuộc mọi lĩnh vực, đi cả tháng cũng chưa tham quan hết. Bảo tàng Vasa museet trưng bày con tàu chiến Vasa (còn gọi là bảo tàng Vasa), một con tàu cổ có số phận kỳ lạ bị chìm ngay khi vừa hạ thủy năm 1682. Đây là tàu chiến hiện đại nhất vào đầu thế kỷ 17 với 64 cổ đại pháo, dài 60m, cao 40m. Sau 333 năm ngủ yên trong biển sâu 30m, ngày 24.4.1961 tàu được trục vớt gần như nguyên vẹn, kể cả những di vật hàng hải. Phải mất gần 20 năm phục chế vất vả “con tàu ma quỷ” mới trở lại y hệt dáng vẻ ngày xưa. Có thể gọi đó là kỳ công, hơn cả kỳ công để khôi phục lại nguyên mẫu con tàu với những cánh buồm sừng sững, những nòng pháo ngạo nghễ và vô số chạm khắc tinh xảo về các vị thần Hy Lạp, các chiến binh La Mã, các nàng tiên cá và sư tử…quang thân tàu. Trọng tài “thời gian” đã tuyên bố chiến thắng thuộc về Vasa – con tàu làm bằng gỗ – sau 333 năm “chiến đấu” với các tác nhân hủy diệt của nước biển. Chỉ có bulong bằng sắt là bị ăn mòn.

Bảo tàng Vasa museet trưng bày con tàu chiến Vasa

Trong ánh sáng mờ ảo, toàn bộ lịch sử con tàu được tái hiện với niềm cảm phục vô biên về sự kỳ diệu của thiên nhiên và sức sáng tạo của con người. Ngoài cổ trấn Gamla Stan, phố cổ Skansen – những bảo tàng lộ thiên – còn có nhiều bảo tàng nổi tiếng khác. Bảo tàng Đồ Cổ, bảo tàng Nghệ Thuật Hiện Đại, bảo tàng Quốc Gia, bảo tàng Nobel, bảo tàng Lịch Sử Thiên Nhiên Thụy Điển, bảo tàng Khoa Học và Công Nghệ, bảo tàng Giao Thông… các nhà thờ cũng là điều thú vị. Ngoài Storkyrkan (Stockholm Cathederal) còn có Riddarholmen – nhà thờ đẹp nhất Stockholm, tu viện trung cổ duy nhất còn lại. Nhà thờ German của người Đức (Sankta Gertrud), nhà thờ Catherine – tên của nữ hoàng Catherine, mẹ của Vua Charles X. Nhà thờ Adolf Fredriks – nơi an nghỉ của cố thủ tướng Olof Palme – một chính khách lỗi lạc và bình dị – một người bạn lớn của nhân dân Việt Nam bị ám sát vào năm 1986, nhà thờ Klara có gác chuông cao 116m…

Nhà thờ Adolf Fredriks – nơi an nghỉ của cố thủ tướng Olof Palme

Với dân số gần 900.000 người và diện tích hơn 200km2, nội đô Stockholm cũng đang đối mặt với nạn kẹt xe và ô nhiễm khí thải ôtô. Chính quyền thủ đô đã có nhiều biện pháp tích cực và hiệu quả. Các xe ra vào trung tâm phải nộp lệ phí. Khu vực này chỉ rộng 34,5km2 nhưng chiếm 60% lượng người làm việc ở thủ đô. Các Camera lắp đặt tại 18 cửa ngõ vào trung tâm sẽ giám sát chặt chẽ việc thu phí. Nhờ vậy đã giảm được hơn 1/5 lượng xe vào và tăng lượng người sử dụng giao thông công cộng.

Chỉ riêng các lệ phí này mỗi năm thu được hơn 60 triệu euro và toàn bộ được giành để nâng cấp giao thông thủ đô. Hiện nay, Stockholm có trên 750 km đường giành riêng cho xe đạp. Kinh nghiệm này cũng được thực hiện ở Ý, Anh, Hà lan, Mỹ, Nauy, Singapore…Stockholm.

Vừa dành danh hiệu “Thủ đô xanh 2010” của Châu Âu vì đã giảm được 25% khí thải C02 trên đầu người. 83% năng lượng dùng cho việc sưởi ấm là năng lượng sạch, hơn 50% xe bus sử dụng năng lượng tái tạo. Dự báo sau 2020, Thụy điển là quốc gia đầu tiên không dùng xăng dầu. “Khí mê – tan sinh học” lấy từ phân – rác (biogas) sẽ thay thế năng lượng hạt nhân, thủy điện, nhiệt điện. Chính phủ miễn thuế cầu đường, đậu xe va nhiều lệ phí khác cho ô tô chạy bằng Boogas. Lượng xe “sạc” ngày càng gia tăng, mội trường sống ngày càng được cải thiện. tất cả hế hoạch biến Stockholm thành “thủ đô bền vững” được thực hiện từ việc quy hoạch thành phố đến việc thiết kế từng căn hộ nhằm thay đổi thói quen sinh hoạt và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc bảo vệ môi trường.

Xã hội Thụy Điển không cho phép sự cách biệt quá lớn về mức thu nhập giữa các công dân. Đồng thời thực hiện một chính sách phúc lợi xã hội, toàn dân cực kỳ lí tưởng. Tính minh bạch, sự công bằng và bình đẳng giới là những nguyên tắc tối thượng. Ngoài tiền lương, cán bộ lãnh đạo gần như không có phụ cấp nào. Chỉ có Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng…mới được cấp ô tô. Tất cả quan chức còn lại, hoặc đi xe riêng tự lái, hoặc sử dụng các phương tiện giao thông khác từ xe đạp, xe bus, đến xe lửa, xe điện. Các bộ trưởng, nếu nhận quà trên 180USD thì phải nộp vào công quỹ. Lương của Thủ tướng sau khi trừ thuế chỉ gấp 3-4 lần viên chức bình thường. Thuế thu nhập cá nhân lũy tiến có thể tới hơn 70% được thực hiện mọi lúc, mọi nơi là công cụ điều tiết sự chênh lệch kinh tế. Phong cách sống của người Thụy Điển là: “không một lá cỏ nào có thể vượt cao hơn những lá cỏ khác vì lá cỏ ấy sẽ bị cắt trước tiên” (Sandahl -1997). Suốt 5.000 năm lịch sử, Thụy Điển từng là nước nhỏ, yếu, nghèo khổ nên mọi người phải chung sức cố gắng làm việc, không phân biệt nam nữ. Một nửa thành viên Chính phủ, 40% nghị sĩ quốc hội là nữ, hơn 80% phụ nữ đi làm…là những con số thuyết phục về bình đẳng giới. Chính phủ đảm bảo cho mỗi công dân từ lúc lọt lòng đến nhắm mắt xuôi tay có cuộc sống đầy đủ nhất. Từ lương hưu đến viện dưỡng lão với dịch vụ tương đương khách sạn 3 sao. Từ việc hỗ trợ chi phí dọn nhà, chi phí đi làm xa đến trợ cấp thất nghiệp, học nghề miễn phí. Phụ nữ nghỉ đẻ được 12 tháng, 12 tháng đầu hưởng 100% lương, 6 tháng sau hưởng 90% lương; chồng có thể nghỉ hậu sản thay cho vợ. Kiểu này mà áp dụng ở Việt Nam cứ 2 năm đẻ 1 đứa thì được nghỉ cả đời!

Khám phá thế giới cùng Lửa Việt Tours

Giáo dục Thụy Điển hoàn toàn miễn phí. Sinh viên tốt nghiệp chưa muốn đi làm có thể học tiếp cả đời. Nếu có học sinh nước ngoài (Thụy Điển có hơn 12% là dân nhập cư, ở Stockholm 16%) nhà trường phải bố trí giáo viên dạy tiếng mẹ đẻ riêng một số giờ cho các em này. Giáo dục Thụy Điển được tiến hành theo các mục tiêu: – Làm việc theo nhóm (teamwork) – Rèn luyện kỹ năng thực dụng (Pragmatic Technical Skills) – Giải quyết vấn đề (Problem solving) – Khả năng làm chủ (Entrepreneuship) – Sự phân tích và phản biện (Critical Analysic). Mối quan hệ giữa Nhà Trường – Doanh Nghiệp – Chính Quyền địa phương là một tam giác đều có tác động qua lại, hỗ trợ tối đa cho học sinh – sinh viên. Các em được vay tiền thực hành mở doanh nghiệp dưới dạng dịch vụ trực tuyến. Văn hóa Thụy Điển là chủ nghĩa cá nhân nằm ngang (Horizontal Invidiualism) khác biệt với chủ nghĩa cá nhân thẳng đứng (Vertical Invidiualism) của Mỹ. Sự giàu – nghèo trong xã hội không có cách biệt lớn. Giáo dục Thụy Điển rèn luyện học sinh trở thành người lao động trong nền kinh tế toàn cầu. Học sinh vui vẻ và tự giác học tập suốt đời để có kiến thức về công việc (Knowledge Work), biết tự điều chỉnh (Self – Regilated), tự định hướng (Self- Directed) và có tính cách riêng của mình. Thụy Điển khuyến khích toàn dân học tại chức và học cả đời – còn gọi là phương pháp học tập vòng tròn. Chương trình được chia nhỏ để người học có thể vừa học vừa làm. Khi tích lũy đủ tín chỉ được kiểm tra cực kỳ nghiêm túc và chất lượng thì nhận bằng chứ không hùng hục học để thi, thi xong là hết học như ở ta.

Mại dâm ở Thụy Điển là hành vi phạm pháp nhưng chỉ xử phạt khách mua dâm, còn người bán không có tội. Cả “cò” và chủ chứa bị xem là đồng phạm. Hệ thống camera giám sát người mua dâm và gửi thư đến từng “bị cáo”. Tiền phạt có thể lên đến 5.000usd. Với luật “Cấm Mua Dâm” Thụy Điển đã đi tiên phong toàn thế giới. Họ “hình sự hóa” nạn mua dâm thay vì đẩy những người phụ nữ bán dâm bị mọi người khinh rẻ vào tù. Một cách nhìn khác biệt đầy nhân văn và hiệu quả bất ngờ nhờ sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội. Nạn mại dâm ở Thụy Điển ngày càng giảm là bài học kinh nghiệm cho nhiều nước trong đó có Việt Nam.

Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1969, cũng là nước phương Tây ủng hộ và viện trợ mạnh mẽ cho Việt Nam. Các nhà máy giấy Bãi Bằng, bệnh viện nhi Thụy Điển, bệnh viện đa khoa Uông Bí…các công trình cải tạo nhà máy điện Thủ Đức, Diêm Thống Nhất, Giấy Tân Mai cùng rất nhiều dự án thể hiện tình cảm của nhân dân Thụy Điển dành cho Việt Nam. Các sản phẩm Electrolux, Ericsson, Abba (ban nhạc)…là những thương hiệu rất được ưa thích tại Việt Nam. Tuy nhiên Thụy Điển cũng đang gặp những khó khăn nhất định về kinh tế mà cụ thể là đóng cửa một số sứ quán ở nước ngoài trong đó có Việt Nam. Giáo dục Thụy Điển đã dạy những Dân Chủ – Bình Đẳng – Tự Do cho trẻ em từ 3 tuổi. Cha mẹ không được đánh, mắng con cái; học sinh muốn làm gì theo ý thích cũng được. Sự bình đẳng giới thái quá nhiều lúc triệt tiêu giới tính và những điểm mạnh của phái nữ. Do vậy, đàn ông Thụy Điển rất thích lấy vợ nước ngoài, nhất là vợ Thái Lan, Việt Nam. Sự bình đẳng về nghề cũng đánh đồng giám đốc với công nhân, ông chủ phải làm ôsin thay vì dành thời gian để làm nhiều việc hiệu quả hơn. Vô tình tạo nên sự phân công xã hội không hợp lý. Chính sách thuế tận thu cũng tạo nên những làn song các doanh nghiệp ra nước ngoài đầu tư và nhập tịch để tránh thuế. Chế độ bao cấp phúc lợi quá đầy đủ cũng tạo cho người dân sự ỷ lại vào nhà nước. Người dân Thụy Điển quen đòi hỏi, ít dám phiêu lưu mạo hiểm trong kinh doanh. Xã hội ngày càng tự động hóa, vai trò computer ngày càng chủ đạo trong mọi việc khiến con người trở nên cô đơn, cuộc sống trở nên nhàm chán, tẻ nhạt. Không ít thanh niên rời bỏ Thụy Điển vì quá đầy đủ, vì tính thụ động của cộng đồng, vì cuộc sống đơn điệu. Họ muốn được thử thách, được thỏa sức làm giàu, thậm chí được “phức tạp” như một số nước kém phát triển hơn. Mới hay, xã hội nào cũng có 2 mặt. Kém quá thì chẳng ai muốn, nhưng tốt quá chưa chắc ai cũng thích. Việt Nam và Thụy Điển là 2 thái cực đối lập. Ước gì có thể dung hòa để cuộc sống “thực và đời” với con người hơn.

Nguyễn Văn Mỹ – Lửa Việt Tours