Validity được dịch & hiểu như thế nào?

Validity là gì

Validity là một khái niệm đồng thời là một tiêu chí rất quan trọng trong nghiên cứu, trong đo lường, kiểm định. Khái niệm này cũng có thể được xem là phức tạp và trừu tượng nhất vì nó đòi hỏi không chỉ việc hiểu ý nghĩa khái quát mà còn cần phải được hiểu trong từng lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Việc tìm hiểu khái niệm này thông qua cách nó được biểu đạt bằng tiếng Việt cũng sẽ rất hữu ích khi mà hiện nay có rất nhiều cách dịch khác nhau. Một trong những các tiêu chí/khái niệm cũng thường được nhắc tới trong nghiên cứu là Reliability, một người bạn đồng hành của validity. Brown (2005) thậm chí còn nhất mạnh rằng, reliability là điều kiện tiên quyết của validity. Nói cách khác chúng ta không thể tự tin về validity khi mà yếu tố reliability không được đảm bảo. Tuy nhiên, mỗi quan hệ giữa hai yếu tố này cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau thay vì chỉ tương tác một chiều có tính chất tuyến tính (linear).

Một bài viết trên trang blog treviet nhận định: “ngay việc sử dụng thuật ngữ “reliability” và “validity” trong tiếng Việt còn chưa có sự thống nhất. Sự chưa thống nhất này là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều người chưa hiểu thực sự đúng về mặt bản chất của hai khái niệm “reliability” và “validity”. Theo đó, tác giả diễn giải hai thuật ngữ này trong nghiên cứu khoa học xã hội sử dụng thuật ngữ tiếng Việt tương những như sau: Độ ổn định (Reliability) và Độ chuẩn xác (Validity). Trích dẫn cách diễn giải của Robson (2010) và Mehrens & Lehman (1987) về độ chuẩn xác (Validity) trong nghiên cứu khoa học xã hội, bài viết chỉ ra rằng validity chính là “sự phản ánh chính xác bộ công cụ đo lường có đo lường đúng, đầy đủ vấn đề mà nhà nghiên cứu muốn đo lường hay không?” và Validity “kiểm tra xem nhà nghiên cứu có thực sự đo lường đúng và đầy đủ vấn đề nghiên cứu.” Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích các hợp phần của Validity, tác giả bài viết này lại sử dụng thuật ngữ “hiệu lực” để giải thích. [Nguyên văn: Litwin (1995) cho rằng để làm rõ độ chuẩn xác (Validity), nhà nghiên cứu cần tìm hiểu hai vấn đề chính: Ngoại hiệu lực (External Validity) và nội hiệu lực (Internal Validity).]

Một số nhà nghiên cứu khác cũng dịch thuật ngữ này (validity) theo nhiều cách khác nhau. TS. Đặng V. Tín chia sẻ về cách kiểm tra tính đồng nhất/nhất quán (internal consistency reliability) của một công cụ đo lường sử dụng phần mềm SPSS trên trang cá nhân [2] tạm dịch validity là tính xác thực. TS. Lê Hùng Tiến, một chuyên gia về nghiên cứu dịch thuật ở ĐHQG Hà Nội, trong bài viết về nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu dân tộc học trong ngôn ngữ học ứng dụng đăng trên Tạp chí [3] Khoa học ĐHQGHN, Ngoại ngữ 24 (2008) sử dụng thuật ngữ độ giá trị cho validity và độ tin cậy cho reliabilty. Một bài dịch đăng trên trang blog sotaynghiencuu [4] thì dịch validity là độ chính xác. Cách diễn giải của Joppe (2000) được sử dụng trong bài viết này như sau:

Độ chính xác xác định xem thực sự nghiên cứu có đo lường được cái mà nó dự định đo lường hay không hoặc tính chính xác của kết quả nghiên cứu như thế nào. Nói cách khác, công cụ nghiên cứu có cho phép bạn nhắm vào tâm điểm của đối tượng nghiên cứu hay không?

Một số tác giả khác cũng có những cách dịch ngắn gọn sử dụng từ Hán-Việt như tín độ (reliability) và hiệu độ (validity) hoặc sử dụng những từ ngữ thuần Việt hơn, phổ thông hơn. Gs. Tuấn (V. Nguyễn) trong một bài trình bày [5] về y học thực chứng tại Bệnh viện Hùng Vương (2010) dịch validity là tính hợp lý với hai cấu phần:

Internal validity (hợp lí nội tại): kết quả có đáng tin cậy không?

External validity (hợp lí ngoại tại): kết quả từ đối tượng nghiên cứu có thể khái quát hóa cho quần thể lớn hơn?

Như vậy, cùng một thuật ngữ tiếng Anh nhưng chúng ta có thể thấy có nhiều cách dịch khác nhau. Điều này cũng phản ánh một phần nào rằng nội hàm validity cũng thường được hiểu và diễn giải theo những cách khác nhau. Ngay thi tiếng Anh sử dụng 1 thuật ngữ nhất quán nhưng điều này cũng không đảm bảo rằng các học giả/nhà nghiên cứu thống nhất với nhau về cùng một cách tiếp cận.

Quý vị hiểu như thế nào về validity và thuật ngữ tiếng Việt nào nên được sử dụng?

tham khảo:

[1]: https://treviet2014.wordpress.com/2015/03/31/do-on-dinh-reliability-va-do-chuan-xac-validity-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi/

[2]: http://www.vietcall.org/edu/reliability

[3]: http://tapchi.vnu.edu.vn/1_NN_08/2.pdf

[4]: http://sotaynghiencuu.blogspot.com/2014/07/tim-hieu-do-tin-cay-va-do-chinh-xac.html

[5]: http://www.bvag.com.vn/index.php/tai-li-u-h-c-t-p/ti-ng-vi-t/item/download/313_5f8c70f6879fd2bb440a6d4732df6b48

[6] Brown, J. D. (2005). Testing in Language Programs: A Comprehensive Guide to English Language Assessement. New York, NY: McGraw-Hill.