Có lẽ công việc bảo mẫu đã trở nên rất quen thuộc trong cuộc sống. Xã hội ngày càng trở nên hiện đại và tất bật hơn, nhưng vai trò của bảo mẫu vẫn không hề giảm sút mà còn chiếm nhiều tầm quan trọng hơn.
Mặc dù công việc này rất quen thuộc và gần gũi, nhưng bạn có thực sự hiểu rõ bảo mẫu là gì và cần đảm nhiệm những công việc cụ thể nào? Cùng Glints tìm hiểu các thông tin về công việc bảo mẫu nhé!
Nghề bảo mẫu là gì?
Công việc bảo mẫu là một trong những công việc có tầm quan trọng đáng kể trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Bảo mẫu chỉ những cá nhân, tổ chức thực hiện công việc chăm sóc, giữ trẻ ở độ tuổi mầm non, mẫu giáo.
Ngoài ra, công việc bảo mẫu còn bao gồm cả những người được các phụ huynh, cha mẹ bận rộn, thường xuyên vắng nhà thuê về trông giữ con cái của họ tại nhà. Họ cũng có thể tham gia chăm nom việc nhà tùy theo thỏa thuận.
Trong cuộc sống hiện đại luôn bận rộn như hiện nay, các bậc cha mẹ thường không thể dành thời gian để chăm sóc con cái của họ do tính chất hay đặc thù của công việc.
Khi đó, một người bảo mẫu sẽ là nhân tố hữu ích khiến cho các bậc cha mẹ được an tâm hơn trong vấn đề chăm sóc, trông nom con trẻ. Con cái sẽ được chăm sóc cẩn thận trong khi họ có thể hoàn toàn dành thời gian để làm việc.
Mô tả công việc của bảo mẫu
Việc chăm sóc, giữ trẻ của một bảo mẫu thường khá vất vả và bận rộn suốt cả ngày. Nhìn chung, một người bảo mẫu sẽ đảm nhiệm nhiều công việc, tuy nhiên cũng sẽ có vài điểm khác nhau đối với một bảo mẫu mầm non và một người bảo mẫu tại gia.
Công việc chung của bảo mẫu mầm non là gì?
Các vị trí công việc bảo mẫu mầm non sẽ bao gồm các công việc cụ thể như sau:
- Thực hiện đóng/mở cửa để đón trẻ, tham gia trực nhật, vệ sinh và sắp xếp đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp.
- Thực hiện các hoạt động học tập và vui chơi theo như lịch trình, thời khóa biểu.
- Cho trẻ ăn trưa, sắp xếp các trẻ nghỉ trưa và đánh thức trẻ dậy để tiếp tục chương trình hoạt động cho buổi chiều.
- Chuẩn bị các bữa ăn xế, đồ ăn/đồ uống nhẹ cho các bé để tiếp năng lượng hoạt động vào buổi chiều.
- Sắp xếp đồ đạc cho trẻ để phụ huynh đến rước sau buổi học.
Công việc bảo mẫu tại gia
- Đến nơi giữ trẻ đúng giờ và chuẩn bị các công việc giữ trẻ theo yêu cầu, thỏa thuận cùng phụ huynh, gia đình của trẻ.
- Chuẩn bị phần ăn bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, các bữa xế khác và cho trẻ ăn uống, vệ sinh đầy đủ.
- Xây dựng các hoạt động cho trẻ vui chơi, các hoạt động nhận biết thế giới xung quanh.
- Cho trẻ ngủ trưa đúng giờ.
- Dọn dẹp, vệ sinh và sắp xếp đồ đạc cho trẻ sau các hoạt động vui chơi.
- Báo cáo tình trạng của trẻ cho phụ huynh.
Đọc thêm: Bộ 10 Câu Hỏi Phỏng Vấn Giáo Viên Tiếng Anh Thường Gặp Nhất
Cần các tố chất, kỹ năng nào để làm bảo mẫu?
Nhìn chung, công việc bảo mẫu đòi hỏi nhiều yêu cầu quan trọng về sự chi tiết và tỉ mỉ. Do đó, một người bảo mẫu cần sở hữu nhiều tố chất về cả nghiệp vụ lẫn kỹ năng để có thể chăm trẻ hiệu quả.
Về kiến thức, nghiệp vụ
Để trở thành một người bảo mẫu chuyên nghiệp, bạn cần sở hữu nền tảng kiến thức bắt buộc như nhiều ngành nghề khác hiện nay:
- Kiến thức về sức khỏe, dinh dưỡng và cách xây dựng chế độ dinh dưỡng hằng ngày hợp lý cho trẻ.
- Kiến thức về sự an toàn, phương pháp đảm bảo sự an toàn và vệ sinh thân thể khi chăm sóc trẻ nhỏ.
- Có hiểu biết về các biện pháp phòng ngừa bệnh hay các phương pháp sơ cứu tạm thời trong trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố.
- Kiến thức về các trường hợp, thực phẩm gây ngộ độc và cách xử lý kịp thời.
- Kiến thức về giáo dục mầm non và khả năng xây dựng, thực hiện các chương trình dạy học cho trẻ.
- Chứng chỉ nghề mầm non và chứng nhận đã thực hành tại các cơ sở giáo dục, trường mầm non. Bạn có thể học để lấy chứng chỉ bảo mẫu dễ dàng tại các trung tâm đào tạo, cơ sở học uy tín.
Về phẩm chất
Người bảo mẫu còn được xem như người mẹ thứ hai để trông nom, chăm sóc và dạy bảo trẻ nhỏ. Vì vậy, để có thể trở thành một người bảo mẫu thực thụ, bạn cần sở hữu những tố chất sau đây:
- Thích trẻ nhỏ và đặc biệt yêu thích việc chăm sóc trẻ, chơi cùng trẻ
- Khả năng lắng nghe, thấu hiểu kiên nhẫn và dịu dàng
- Khả năng tổ chức các trò chơi hay các hoạt động giáo dục
- Khả năng hoạt náo khiến trẻ chú ý và tập trung tham gia các hoạt động
- Khả năng truyền đạt giúp trẻ có thể hiểu và phản ứng lại khi bạn nói, yêu cầu hay nhắc nhở.
- Có đam mê với nghề bảo mẫu và chịu được vất vả khi chăm trẻ.
- Đạo đức tốt và sự bao dung đối với trẻ nhỏ.
Về kỹ năng
- Sự kiên nhẫn đối với trẻ trong lúc dạy học, vui chơi để góp phần phát triển khả năng tương tác với những người xung quanh hay nhận biết những điều mới, kiến thức mới của trẻ.
- Luôn thấu hiểu và bao dung mỗi khi trẻ gây lỗi hay trẻ hành động chưa đúng, luôn giữ thái độ dịu dàng và nhẹ nhàng giải thích với trẻ để trẻ có thể noi gương và trưởng thành qua những điều nhỏ này.
- Trí tưởng tượng, sáng tạo để tương tác với trẻ khi vui chơi, học tập giúp trẻ được kích thích tuy duy sáng tạo của bản thân.
- Sở hữu năng lượng và sức bền thể chất cần thiết cho các hoạt động vui chơi cùng trẻ. Đây là yếu tố rất quan trọng để duy trì một môi trường vui vẻ, sống động và an toàn cho trẻ do bạn chăm sóc.
- Luôn cho trẻ cảm giác an toàn và thấu hiểu các nhu cầu, mong muốn của trẻ.
- Khả năng lập kế hoạch và lịch trình chính xác, chi tiết để đảm bảo mọi công việc, hoạt động hay các môn học đều được hoàn thành đúng giờ và đầy đủ.
- Khả năng linh hoạt, thích ứng và nhạy bén khi cần phải điều chỉnh kế hoạch trong trường hợp các hoàn cảnh hoặc điều kiện thay đổi.
- Có khả năng hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn trẻ hoàn thành các bài tập về nhà sau giờ học.
- Sự điềm tĩnh và khả năng chịu được áp lực cao giúp bạn suy nghĩ rõ ràng và giúp trẻ làm dịu những tình huống bối rối hoặc nổi cơn thịnh nộ trong những tình huống bất ngờ.
Thách thức khi làm bảo mẫu
Khối lượng công việc lớn
Công việc bảo mẫu không chỉ đơn thuần là việc trông nom, giữ trẻ. Công việc đòi hỏi rất nhiều trách nhiệm khác và những đầu việc liên quan đến bữa ăn, dạy học, chuẩn bị dụng cụ học tập, v.v cho từng em nhỏ.
Bên cạnh đó, người bảo mẫu cũng cần ghi nhớ những đặc điểm riêng, nhu cầu, sở thích riêng của từng trẻ để có thể chăm sóc trẻ tốt nhất khiến cha mẹ hài lòng và hoàn toàn yên tâm.
Áp lực công việc
Do đặc thù của công việc bảo mẫu phải vừa chăm sóc vừa thực hiện các chương trình dạy học, áp lực và khối lượng công việc thường khá lớn. Chính vì vậy, nếu bạn không có đam mê với công việc này, không yêu trẻ và không sở hữu những tố chất cần thiết thì rất khó để có thể chịu được áp lực công việc.
Bên cạnh đó, khi tình trạng bạo hành trẻ em ở các cơ sở mầm non ngày càng trở nên báo động hơn thì công việc này cũng gặp phải nhiều yêu cầu khắt khe hơn nhiều.
Đồng thời, những kỳ vọng, mong muốn của các bậc cha mẹ, phụ huynh cũng khiến cho những người bảo mẫu phải nỗ lực rất lớn để đáp ứng các yêu cầu này.
Không được pháp luật bảo vệ
Không giống như các vị trí giáo viên mầm non, các công việc bảo mẫu hiện nay vẫn chưa được pháp luật bảo vệ và chưa có quy định cụ thể nào trong các văn bản pháp luật.
Điều này đồng nghĩa với việc các quyền lợi, nghĩa vụ, chính sách lương hay các lợi ích khác của người bảo mẫu thường không được đảm bảo chắc chắn. Đây có thể là một khó khăn đáng kể đối với các công việc của người bảo mẫu hiện nay.
Đọc thêm: 12 Kỹ Năng Chủ Chốt Giúp Bạn Không Bao Giờ Thất Nghiệp
Thu nhập của nghề bảo mẫu là gì?
Mức lương của các công việc bảo mẫu thường dao động ở mức khá thấp. Bên cạnh đó, cơ hội phát triển nghề nghiệp và hành trình nghề nghiệp của nghề bảo mẫu thường rất mơ hồ và không rõ ràng, khiến cho những người làm công việc bảo mẫu không có sự gắn bó lâu dài với nghề.
Thông thường, những đối tượng làm công việc bảo mẫu thường là những lao động từ các tỉnh và thành phố khác để kiếm sống tạm thời và thường sẽ có nhu cầu thay đổi công việc khi tìm được cơ hội mới tốt hơn.
Với mức lương chỉ từ 550.000-700.000đ mỗi tháng, một người bảo mẫu thường rất chật vật để trang trải cho cuộc sống hằng ngày.
Ở một số trường bán trú cao cấp hơn, có các gia đình học sinh khá giả hơn sẽ chi trả cho công việc bảo mẫu cao hơn chút ít, nhưng vẫn chỉ nằm ở mức thu nhập 1.000.000-1.500.000đ mỗi tháng.
Với mức thu nhập khá thấp này sẽ khiến cho họ khó có thể gắn bó lâu dài với nghề.
Cơ hội việc làm của bảo mẫu có hứa hẹn?
Cuộc sống hiện đại ngày nay đã dần khiến cho nghề bảo mẫu đóng vai trò quan trọng và được rất nhiều bậc cha mẹ quan tâm do công việc thường khá bận rộn khiến các phụ huynh khó có thể chu toàn giữa làm việc và chăm sóc con cái.
Điều này cũng khiến các phụ huynh luôn mong muốn người bảo mẫu sẽ thay mình chăm sóc con trẻ một cách đầy đủ và hoàn thiện nhất. Chính vì vậy, đây cũng vừa là cơ hội và là thách thức đối với một người bảo mẫu.
Họ cần phải luôn luôn đảm bảo sự cẩn thận, chu đáo khi trông nom trẻ và luôn giữ vững sự kiên trì, nhẫn nại với trẻ.
Mặc dù vậy, có một thực trạng hiện nay tại Việt Nam đang hiện hữu, đó là vai trò và công việc bảo mẫu vẫn chưa được xem trọng và tổ chức các chương trình đào tạo chính quy, bài bản.
Hiện nay ở một số quốc gia khác trên thế giới như Anh, Đức thường rất coi trọng công việc này và thường xem công việc bảo mẫu như là giáo viên phụ tá.
Tìm việc làm bảo mẫu ở đâu?
Nếu bạn có niềm yêu thích và đam mê với công việc bảo mẫu, bạn có thể tìm kiếm công việc bảo mẫu tại các cơ sở giáo dục hay các trường mầm non.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham gia trở thành một bảo mẫu tại gia nếu các gia đình, phụ huynh có nhu cầu chăm sóc và dạy dỗ trẻ riêng tại nhà để trẻ được chăm lo đầy đủ và tốt hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm kiếm công việc bảo mẫu tại các cơ sở, trung tâm cung cấp dịch vụ bảo mẫu chuyên nghiệp và uy tín.
Lời kết
Bài viết đầy đủ trên đây chắc chắn đã giúp bạn có thể tự trả lời cho câu hỏi bảo mẫu là gì và những trách nhiệm, phẩm chất của một người làm công việc bảo mẫu. Hi vọng sau khi tìm hiểu, bạn có thể thấu hiểu được tầm quan trọng của một bảo mẫu đối với cuộc sống hiện đại ngày nay.
Đừng quên tiếp tục theo dõi những bài viết hữu ích tiếp theo trên Glints Việt Nam với những công việc thú vị và hấp dẫn!
Tác Giả